Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kiến nghị về hướng dẫn liên quan đến thép nhập khẩu (kỳ II)

 Hiệp hội DN Thành phố Hà nội (HBA) và Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng VN (VACOD) thông qua VCCI thay mặt các DN hội viên của cả hai hiệp hội trong ngành sản xuất - kinh doanh thép phản ánh thực trạng khó khăn của các DN do việc áp dụng Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN:

 

(tiếp theo kỳ trước)

Một số quy định trực tiếp hoặc gián tiếp vi phạm quyền tự chủ, tự do kinh doanh của DN đã được pháp luật qui định:
 
Mặt hàng thép không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, các loại thép trong Phụ lục II của Thông tư này cũng chỉ là thép hợp kim thông thường. Tuy nhiên, để được nhập khẩu các loại thép này từ 01/6/2014 thi DN phải có hồ sơ xin xác nhận của Bộ Công thương (mục b, khoản 3, điều 6) về “Năng lực sản xuất, nhu cầu và mục tiêu sử dụng thép”. Như vậy có nghĩa là nếu như DN không đủ năng lực sản xuất, hoặc nhu cầu không hợp lệ, hoặc mục tiêu sử dụng thép không đúng (theo đánh giá của Bộ Công thương) thì DN sẽ không được mua bán, sử dụng thép này hay sao? Điều này là vi phạm nghiêm trọng quyền tự chủ, tự do kinh doanh của DN.
 
Cũng tại mục b, khoản 3, Điều 6, còn quy định nhà nhập khẩu phải cung cấp “hợp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng. Qui định này một lần nữa thể hiện tính thiếu thực tiễn. Thông thường các DN sản xuất, kinh doanh thép đều chủ động đánh giá tình hình thị truờng để quyết định mua thép về dùng cho sản xuất hoặc bán chứ không ai chờ khi có hợp đồng đầu ra rồi mới đi gom hàng về, mặt khác, một bộ phận lớn khách hàng của các DN kinh doanh thép là các nhà sản xuất nhỏ hay người tiêu dùng trực tiếp, thông lệ khi bán hàng chỉ có hóa đơn thuế GTGT và các chứng từ xác nhận chuyển giao hàng hóa. Do đó việc đòi hỏi phải có họp đồng mua bán hoặc ủy quyền nhập khẩu với người sử dụng trước khi nhập khẩu thép là bất hợp lý và gây khó khăn cho DN.
 
Thông tư tạo thêm nhiều thủ tục giấy tờ hành chính, gây phiền hà cho DN:
 
Thông tư này phát sinh thêm tới 9-10 loại giấy tờ so với trước đây.
 
DN khi muốn nhập khẩu thép phải đi xin Bộ Công Thuơng giấy “xác nhận năng lực”, “Đề nghị xác nhận nhu cầu sử dụng và mục tiêu sử dụng thép làm nguyên liệu sản xuất”...
 
Việc có quá nhiều cơ quan tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất luợng hàng hóa với quá nhiều thủ tục (Hải quan; cơ quan giám định; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ...) đã khiến DN lao đao vì hồ sơ, giấy tờ, thủ tục; vì sự quan liêu, nhũng nhiễu của những người có quyền cấp giấy tờ, người ký xác nhận "năng lực", người ký để lô hàng hợp chuẩn, hợp quy...
 
Tuy vậy, còn một số quy định bị bỏ sót hoặc chưa đầy đủ gây khó khăn cho DN:
 
Thông tư đã bỏ sót hoặc chưa đề cập đến một loại hàng hóa rất phổ biến trên thì trường thép ở cả thế giới và Việt Nam, đó là thép phi tiêu chuẩn (trên thị trường Việt Nam gọi loại thép này là thép loại 2, loại 3). Việc không đề cập đến loại thép phi tiêu chuẩn này trong Thông tư 44/2013/TTLT-BCT- BKHCN chắc chắn sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các DN sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng loại thép này ở trong nước.
 
Một số hệ quả xấu mà thông tư đã, đang và sẽ mang lại:
 
Ngay khi thông tư ban hành, trong thời gian còn chưa có hiệu lực (từ tháng 2-5/2014), các DN sản xuất và kinh doanh thép nước ngoài do nắm đuợc thông tin đã ồ ạt tăng giá đột biến cho hầu hết các mặt hàng thép khi bán về Việt Nam (tăng từ 15-20USD/tấn so với trước đó), còn các nhà nhập khẩu thép trong nước cũng muốn mua hàng dự trữ, nhận hàng trước thời hạn thông tư có hiệu lực nhằm “né” thông tư.
 
Bằng các thủ tục phức tạp, khó khăn, thời gian kéo dài trong việc cắt mẫu, kiểm tra, chứng nhận, thông quan; bằng việc kiểm tra cắt mẫu 100%..., thông tư 44 đã, đang và sẽ gây ra lãng phí, thiệt hại rất lớn cho các DN ngành thép và nền kinh tế Việt Nam.
 
Thông tư đã, đang và sẽ làm cho tệ nạn quan liêu, tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn. Các DN sản xuất, kinh doanh thép đã và đang phải cạy cục, xin xỏ, chờ đợi vô cùng khổ sở để xin các loại giấy tờ. Tất cả các khâu thủ tục giấy tờ, DN muốn được lấy kết quả nhanh thì đều phải “bôi trơn”.
 
Tại mục b, c, khoản 4, điều 6 của Thông tư quy đinh về công nhận kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm nước ngoài và tổ chức được chi định trong nước, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có danh sách công bố những tổ chức thử nghiệm nước ngoài nào được thừa nhận, cũng như những tổ chức ứong nước nào được Bộ công thương chỉ định đã gây không ít khó khăn cho hoạt động thực tiễn của DN.
 
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT:
 
Sửa đổi Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2013 theo hướng đảm bảo sự hợp lý, rõ ràng, minh bạch của các quy định, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế, tôn trọng quyền tự chủ, tự do kinh doanh của DN, đảm bảo các thủ tục hành chính phải đơn giản thuận tiện cho DN. Trong thời gian chờ đợi Thông tư được sửa đổi, Trước mắt đề nghị tạm thời ngừng áp dụng Thông tư 44/2013/TTLT- BCT-BKHCN để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho DN.
 
Áp dụng chính sách hậu kiểm đối với chất lượng thép nhập khẩu để tránh ách tắc hàng hóa tại cảng. Đề cao tính tự chịu trách nhiệm của DN trước pháp luật về chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu. Đưa ra chế tài cụ thể, chi tiết và thỏa đáng theo từng mức độ nghiêm trọng của sai phạm đối với các trường hợp khai báo sai sự thật (kể cả sau khi hàng hóa đã được bán hoặc sử dụng).
 
Đề nghị bổ sung ngay quy định về thép phi tiêu chuẩn để việc sản xuất, lưu thông, tiêu dùng loại thép này được thuận lợi, tránh hiện tượng gian lận thương mại, làm hàng giả.
 
Cần có chính sách quản lý riêng, phù hợp với các mặt hàng thép chịu thuế và không chịu thuế nhập khẩu. Cần giao cho một cơ quan đầu mối quản lý chịu trách nhiệm  để tránh chồng chéo - lãng phí.
 
Đối với mặt hàng thép thì khâu sản xuất là khâu chủ yếu quyết định chất lượng sản phẩm, do đó cần tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng ở khâu sản xuất.
 
Chính phủ, các Bộ có liên quan cần chỉ đạo đánh giá xem xét mức độ gây thiệt hại của Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN để kiểm điểm trách nhiệm của những người có liên quan và rút kinh nghiệm cho các chính sách được ban hành lần sau.
 
Nguồn tin: DĐ DN

ĐỌC THÊM