Thời gian qua, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng ở Phú Yên có chiều hướng tăng cả về số lượng và mức độ. Đây thực sự là những thách thức trong việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Phú Yên lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm tại xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa - Ảnh: M.NGUYỆT |
NHIỀU HÀNH VI VI PHẠM
Những năm gần đây, tình trạng phân bón và thuốc trừ sâu giả hoặc chất lượng thấp hơn mức đã công bố xuất hiện tràn lan trên thị trường, làm thiệt hại quyền lợi của người tiêu dùng với giá trị thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng. Qua kiểm nghiệm chín mẫu phân bón thì có ba mẫu chất lượng thấp hơn mức đã công bố. Thực hiện chỉ đạo của Bộ KH-CN, thanh tra Sở KH-CN Phú Yên đã tổ chức thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Kết quả, phát hiện nhiều loại hàng hóa đóng gói không đủ định lượng, phương tiện đo sử dụng trong kinh doanh không đạt yêu cầu về đo lường, vi phạm về bán hàng không ghi nhãn hàng hóa. Ngoài ra, qua thanh tra 11 cơ sở kinh doanh sắt thép, phát hiện sáu cơ sở bán nhiều loại sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc, vi phạm quy chế ghi nhãn hàng hóa.
Đối với việc kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm, trong năm mẫu mũ bảo hiểm kiểm nghiệm thì cả năm mẫu không đạt tiêu chí chất lượng như: gia tốc dội lại tức thời và vỏ mũ bị vỡ tách rời. Đầu năm 2011, thanh tra Sở KH - CN kiểm tra ba mẫu mũ bảo hiểm thì có đến hai mẫu không đạt chất lượng. Đối với việc kiểm tra chất lượng xăng dầu, phát hiện nhiều cơ sở vi phạm, như xăng A90 nhưng thực tế chỉ số ốc tan chỉ 83; xăng A92 nhưng chỉ số ốc tan chỉ 90. Một số cơ sở sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu về đo lường, có sai số non có lợi cho người bán, thậm chí có nơi sai số lên đến 3-4%...
CẦN SỰ PHỐI HỢP NHIỀU NGÀNH, CẤP
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ của quản lý Nhà nước và là trách nhiệm của những đơn vị sản xuất, kinh doanh. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà nước đóng vai trò trung tâm trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc ban hành các chính sách, pháp luật và các biện pháp cần thiết khác. Do đó cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cần hướng tới việc sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi vi phạm, vừa bảo vệ được người tiêu dùng, vừa bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ngoài ra, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua việc lập các hợp đồng giữa người mua, người bán kèm đầy đủ hóa đơn, chứng từ, xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng có quyền đòi hỏi các ngành chức năng, doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin và tích cực giám sát, phát hiện các tiêu cực, báo cho các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương xử lý kịp thời. Cuối cùng, muốn bảo vệ người tiêu dùng có hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp ngành, các tổ chức, đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương; tránh sự chồng chéo giữa các cấp ngành, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính. Thời gian đến, thanh tra Sở KH - CN Phú Yên cần tiếp tục phối hợp các ngành liên quan tổ chức các đợt thanh tra, đo lường chất lượng nhiều chủng loại sản phẩm trên địa bàn tỉnh, nhất là phân bón, thuốc trừ sâu nhằm làm lành mạnh hóa thị truờng.
Nguồn tin:Baophuyen