Bộ KH- ĐT cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK cả nước có sự tăng trưởng ấn tượng. XK đạt gần 98 tỷ USD, tăng 18,9%, NK cũng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên về tổng thể, chúng ta vẫn ở tình trạng nhập siêu.
XK tăng do... giá tăng
Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ KH- ĐT), tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa XK ước tính đạt 97,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27 tỷ USD, tăng 13,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 70,8 tỷ USD, tăng 21%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa XK 6 tháng đầu năm tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2016.
XK rau quả 6 tháng đầu năm tăng hơn 50% cùng kỳ năm 2016
Kim ngạch XK một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 20,1 tỷ USD, tăng 18,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,3 tỷ USD, tăng 42,3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,6 tỷ USD, tăng 13,5%; thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 15,6%; cà phê đạt 1,9 tỷ USD, tăng 9,9% (lượng giảm 15,5%). Đáng chú ý, mặt hàng rau quả vẫn nằm trong nhóm các sản phẩm XK đứng đầu với kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, tăng đến 50,4% cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường hàng hóa XK, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 19,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là EU với 18,2 tỷ USD, tăng 12,6%...
Lý giải về sự tăng trưởng mạnh của kim ngạch XK này, ngoài yếu tố lượng tăng, thì có một nguyên nhân quan trọng khác, đó là nhiều mặt hàng XK có mức giá tăng so với cùng kỳ. Chẳng hạn, giá XK than đá, cao su, xăng dầu, cà phê, dầu thô, hạt điều, sắt thép…
Một thông tin cũng rất đáng chú ý, đó là trong nửa đầu năm, XK vào thị trường Trung Quốc đã tăng trưởng nổi trội, lên tới 42,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng NK từ thị trường này (ước 6 tháng đạt 16,8%). Do vậy, thâm hụt cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có sự cải thiện đáng kể.
XK từ Việt Nam sang 9 quốc gia thành viên ASEAN khác cũng có sự cải thiện, tất cả đều đạt mức tăng trưởng dương.
Vẫn nhập nhiều hơn xuất
Về NK, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch hàng hoá NK đạt 100,5 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 39,9 tỷ USD, tăng 18,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,6 tỷ USD, tăng 28,3%.
Về cơ cấu hàng hóa NK 6 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 92,2 tỷ USD, tăng 24,6% và chiếm 91,7% tổng kim ngạch hàng hóa NK, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 43,8 tỷ USD, tăng 27% và chiếm 43,6%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 48,4 tỷ USD, tăng 22,6% và chiếm 48,1%.
Một trong những điểm tích cực là nhóm hàng tiêu dùng có xu hướng giảm NK. Ước tính kim ngạch NK các mặt hàng này chỉ đạt 8,3 tỷ USD, chiếm 8,3%.
Về thị trường hàng hóa NK, Trung Quốc vẫn là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 27,1 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó kim ngạch NK một số mặt hàng phục vụ SX, gia công lắp ráp tăng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 28%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 29,2%; điện thoại và linh kiện tăng 13,8%.
Thị trường Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 123,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,1%; điện thoại và linh kiện tăng 37,7%. Tiếp theo là thị trường ASEAN đạt 13,6 tỷ USD, tăng 17,6%, trong đó: Xăng dầu tăng 11,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 2,7%.
Như vậy, với kết quả này, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK của cả nước đã lên tới gần 200 tỷ USD. Đáng nói là 6 tháng qua, cả nước nhập siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm 2,75% tổng kim ngạch XK.
6 tháng qua, cả nước thu ngân sách đạt 464.500 tỷ đồng, bằng 48% dự toán và bằng 112,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 23.037 tỷ đồng, bằng 60,1% dự toán, tăng 15,6% so cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 441.463 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tiến độ thu ngân sách của hầu hết các địa phương đảm bảo và có tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, có 17 địa phương đạt số thu cao so với dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương chưa đảm bảo tiến độ dự toán và 7 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Nguồn tin: Nông nghiệp