Hôm 2/4, giá thép bán lẻ trên thị trường Hà Nội đã lên tới 16 triệu đồng/tấn. Một tháng tăng hơn 3 triệu đồng/tấn, người tiêu dùng toát mồ hôi không hiểu điều gì đang xảy ra với thép?
Tốc độ tăng kỷ lục
Trên thị trường Hà Nội cho thấy, từ 1/3 đến nay, cứ 2-3 ngày, thép lại có một giá mới với mức tăng trung bình từ 300.000- 500.000 đồng/tấn.
Biên độ tăng giá thép chỉ trong 30 ngày qua đã lên tới kỷ lục: 3,3 triệu đồng/tấn. Ước tính, trung bình mỗi ngày, giá thép vọt lên tới 110.000 đồng/tấn.
“Sáng nay (2/4), thép lại có giá mới: 15,7 triệu đồng/tấn giá mua vào của đại lý cấp 1. Trong khi 3 ngày trước, giá mua vào mới chỉ là 15 triệu đồng/tấn”, chị Phạm Thị Hoàn, chủ cửa hàng thép Toàn Cầu tại 820 đường Láng, Hà Nội cho biết.
Nhẩm tính thêm thì thấy, 10 ngày trước nữa, giá thép xây dựng vẫn còn dưới 14 triệu đồng/tấn và 20 ngày trước, mặt hàng này là 12,4 triệu đồng/tấn.
Chị Hoàn nói tiếp: “Từ ngày đầu tuần đến ngày cuối tuần, thép một bước nhảy lên 700.000 đồng/tấn. Ngay đến chúng tôi là dân bán hàng, cũng phải hoa mắt, chóng mặt vì không ngờ, giá thép lại nhảy múa đến thế!”.
Các mức giá trên là giá mua vào của đại lý Toàn Cầu. Bà chủ công ty này khẳng định, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng hôm nay là 16 triệu đồng/tấn, nhưng ngày mai, công ty sẽ phải điều chỉnh lên 16,5 triệu đồng/tấn.
"Với bước nhảy đột ngột của giá thép như vậy thì chúng tôi buộc phải mua cao, bán cao thôi. Lúc này, chỉ có người tiêu dùng là thiệt thòi nhất", chị chia sẻ.
Chưa hết, cũng trong sáng nay, các cửa hàng đại lý cấp 2 trên “phố thép” đường Láng còn nghe phong thanh rằng, giá thép từ cấp 1 báo về có thể lên tới 16 triệu đồng/tấn chưa thuế VAT. Nếu thế, tương lai giá thép bán lẻ là trên 17 triệu đồng/tấn chỉ xuất hiện trong nay mai.
Các mức giá trên là giá của thép liên doanh Việt Úc, Việt Hàn… Giá thép của Công ty Thái Nguyên, vốn là “thép nhà nước” còn tăng nhanh, tăng mạnh hơn, anh Lại Bá Ất, một chủ buôn thép khác khẳng định.
Anh cho hay, năm 2008, có lúc, thép Thái Nguyên còn rẻ hơn thép liên doanh tới 2 triệu đồng/tấn thì từ năm 2009, sau khi cổ phần hóa, thép của "ông lớn" này lại cao hơn 100.000-200.000 đồng/tấn so với thép tư nhân, liên doanh.
Thiệt hại hàng chục triệu đồng vì thép
Nhiều chủ thầu xây dựng lo méo mặt vì phút chốc, phải chi thêm hàng chục triệu đồng và thậm chí là cả trăm triệu đồng tiền thép cho công trình đang thi công dở.
Cũng sáng nay, gọi điện đến cửa hàng để mua tiếp 5-6 tạ thép, anh Hồng, chủ một căn nhà cao tầng đang xây dở trên phố Pháo Đài Láng đã phát sốt vì giá thép mới. So với giá mua hôm kia, anh Hồng phải bỏ thêm 500.000 đồng/tấn thép.
Với nhu cầu cần hơn 10 tấn thép cho căn nhà cao tầng này, anh sẽ phải mất thêm 50 triệu đồng.
Anh Lê Quang Dũng, Giám đốc Công ty CP Thương mại và xây dựng Việt Long than thở: “Giá thép tăng nhanh quá, không kịp trở tay. Nhìn rõ là thiệt hại nhưng vẫn phải thi công, không còn cách nào khác”.
Ngay sau Tết, anh Dũng nhận thiết kế thi công 3 công trình nhà ở, diện tích 200m2 xây dựng mỗi công trình.
Lúc ký hợp đồng, giá thép xây dựng là 13,1 triệu đồng/tấn, ước tính chi phí thép tốn khoảng 100-130 triệu đồng cho một công trình. Nhưng nay, giá thép mà anh Dũng vừa mua gần nhất đã là 15,5 triệu đồng/tấn. Tổng chi phí thép bỗng dưng đội lên tới gần 100 triệu đồng cho 3 công trình.
Anh ngao ngán nói: “Không phải ông chủ thầu nào cũng có đủ vốn một lúc mấy trăm triệu đồng để ký hợp đồng lớn, mua ngay hàng chục tấn thép một lúc”.
“Bây giờ mới biết mình dại vì lúc ký hợp đồng nhận thầu, lại không ghi thêm điều khoản điều chỉnh giá nếu tăng 30% giá vật liệu”, anh bày tỏ.
Số những chủ thầu nhỏ lẻ như anh Dũng đang phải khóc dở mếu dở vì giá thép không phải là ít.
Như bà chủ buôn thép Phạm Thị Hoàn phân tích, hầu hết, các nhà thầu xây dựng đều tranh thủ vốn để làm nhiều công việc khác..., chứ không mấy khi dám bỏ hàng trăm triệu đồng, mua đứt ngay cả 20-30 tấn thép. Hầu như, chỉ có những người dân có kế hoạch xây nhà ở từ trước và đã chuẩn bị sẵn tiền rồi, mới mua như vậy.
Tuy nhiên, giá thép gây sốc lớn nhất, có lẽ là cho những doanh nghiệp tư nhân, nhận làm công trình nhỏ. Bởi họ không thể có chế độ điều chỉnh giá do trượt giá vật liệu xây dựng như đối với công trình lớn của Nhà nước do các vị “đại gia” ngành xây dựng nhận thầu.
Hơn nữa, các đại gia này thường mua ngay từ đầu nguồn, hợp đồng lớn nên rủi ro được giảm thiểu.
Hồi giữa năm 2008, lạm phát, giá thép cũng lao vù vù như tên bắn. Từ mức 14,5 triệu đồng/tấn sau Tết Nguyên đán, giá thép đã lên tới đỉnh điểm 19 triệu đồng/tấn.
Ở thời điểm này, các công ty thương mại không dám dự đoán giá sẽ lên tới bao nhiêu và liệu rằng, có thể chạm mốc đỉnh điểm như năm 2008 không? Nhưng, các nhà buôn thép này đều cho rằng, tốc độ tăng giá của thép sẽ chưa chững lại trong tương lai gần.