Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh nghiệm phát triển kinh tế thần kỳ của các cường quốc châu Á

 Từ những quốc gia hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, diện tích nhỏ bé, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore đã trở thành những cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á và thế giới. Hãy cùng tìm hiểu chặng đường phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và xây dựng cơ sở hạ tầng của các quốc gia này.

Nhật Bản

Sau Thế chiến II, Nhật Bản đã có sự khởi đầu mới hướng tới tái thiết kinh tế của một quốc gia dân chủ và hòa bình. Nhờ lực lượng lao động có trình độ cao, sự tập trung vốn và các nguồn lực trong một số ngành công nghiệp trọng điểm như điện, thép mà Nhật Bản đã nhanh chóng thành công trong việc phục hồi sau chiến tranh đồng thời dành được những thành tựu trong công nghiệp hóa giai đoạn những năm 1950, 1960.

Tăng trưởng kinh tế cao được ghi nhận từ giữa những năm 1960 đến những năm 1970 với sự xuất hiện của xã hội tiêu dùng, những đổi mới về công nghệ đã thúc đẩy việc mở rộng các cơ sở sản xuất và bán hàng tiêu dùng lâu bền như tivi, tủ lạnh, ô tô.

Nền kinh tế Nhật Bản đã chứng tỏ sự kiên cường của mình, đặc biệt khi trải qua 2 cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970. Khi giá dầu thô nhảy vọt, các doanh nghiệp Nhật Bản đã phản ứng bằng cách phát triển các sản phẩm và các quy trình sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn.

Trong giai đoạn phát triển thần kỳ (1955-1973), GDP thực tế theo giá so sánh hàng năm của Nhật Bản hầu hết đều có tốc độ tăng trưởng lên tới 2 con số. Các ngành đóng góp lớn trong thời kỳ này là công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng và hóa chất, đặc biệt là phân ngành cơ khí.

Cơ cấu công nghiệp của Nhật Bản được chuyển đổi từ một nền công nghiệp tập trung vào các ngành truyền thống sang tập trung vào các ngành công nghiệp điện tử và công nghệ cao. Kết quả là các sản phẩm của Nhật Bản đã nổi danh trên thế giới bởi chất lượng cao và giá cả hợp lý cùng hiệu quả năng lượng.

Sau giai đoạn tăng giá của đồng Yên bắt đầu vào những năm 1980, Nhật Bản đã trở thành một cường quốc kinh tế lớn, một đối thủ mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, giá bất động sản (BĐS) và chứng khoán đang tăng trưởng mạnh đột ngột sụt giảm khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái. Trong suốt thập kỷ đó, các sản phẩm của Nhật Bản trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới bởi mức giá cao. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân hàng năm trong thập niên này giảm rất nhiều so với các thời kỳ trước.

Giai đoạn từ năm 2001 đến nay, nền kinh tế Nhật Bản phục hồi và tăng trưởng với tốc độ vừa phải. Kinh tế có sự khởi sắc liên tục nhưng GDP chỉ duy trì ở mức 1,5-2%. Từ năm 2009 đến nay, nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc có sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là các ngành ô tô và điện máy.

Một phần đáng kể kích thích tăng trưởng kinh tế Nhật Bản là việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng. Bắt đầu từ năm 1991, Nhật Bản đã áp dụng phương pháp chi tiêu công và được sự ủng hộ rộng rãi, đó là việc đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp toàn quốc. Trong giai đoạn 1992-2000, quốc gia này đã triển khai 10 gói kích thích riêng biệt, trong đó đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng là mấu chốt. Số liệu đến năm 1999, chi phí bổ sung cho xây dựng cơ sở hạ tầng đã lên tới 30,4 nghìn tỷ Yên, tương đương với 254 tỷ USD.

Nguyên nhân thành công của Nhật Bản có thể thấy rõ ràng đó là do những nhân tố lớn như: tính cách tuyệt vời của người dân Nhật Bản, tính cần cù, đoàn kết, phối hợp tập thể, tính sáng tạo; vai trò của quản lý và chính sách mở cửa của Nhà nước, bao gồm việc hoạch định kế hoạch, hạn chế chi tiêu, cố định tỷ giá cùng các chính sách đối nội, đối ngoại hợp lý; sự đổi mới và phát triển khoa học kỹ thuật: du nhập phương pháp sản xuất mới, mua bằng sáng chế, đầu tư chất xám vào phát triển khoa học kỹ thuật.

Hàn Quốc

Hàn Quốc là nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á và thứ 11 trên thế giới - một nền kinh tế hỗn hợp do các tập đoàn gia đình chiếm ưu thế. Hàn Quốc được biết đến với sự tăng trưởng ngoạn mục từ một trong những nước nghèo trên thế giới để trở thành một quốc gia phát triển, GDP cao. Phép lạ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc thường được biết đến là “Kỳ tích trên sông Hàn” đã đưa quốc gia này lên những vị thế cao trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Nhóm các nền kinh tế trên thế giới (G20). Một thập kỷ qua, tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 5%.

Ban Kế hoạch Kinh tế được thành lập năm 1961 đã phát triển một chương trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh chóng dựa trên xuất khẩu. Các doanh nghiệp Hàn Quốc được khuyến khích sản xuất và xuất khẩu hàng hóa với các chính sách khuyến khích như cho vay vốn với lãi suất thấp, đặc quyền nhập khẩu, cho phép vay vốn từ nước ngoài và những ưu đãi về thuế.

Để đạt được những mục tiêu này, đồng tiền Hàn Quốc đã bị phá giá mạnh vào năm 1961 và 1964, hạn ngạch nhập khẩu nguyên vật liệu giảm. Tiết kiệm cá nhân được khuyến khích bằng cách tăng lãi suất và các khoản vay từ nước ngoài. Khi các ngành công nghiệp như dệt may, điện máy bị đình trệ do thiếu nguyên liệu nhập khẩu, những chính sách này đã tạo ra những kết quả tức thời.


Ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc đóng vai trò lớn (Ảnh: Rappler)

Việc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản năm 1965 đã mang lại nguồn vốn cho Hàn Quốc nhờ hình thức cho vay và bồi thường thiệt hại chiến tranh. Các doanh nghiệp Hàn Quốc phát hiện ra họ có thể cạnh tranh thành công ở thị trường nước ngoài. Khi nguồn vốn nhàn rỗi đã được sử dụng hết, nhu cầu đầu tư mới tăng khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài bị thu hút vào thị trường Hàn Quốc.

Một chiến lược kinh tế mới nhấn mạnh vào sự đa dạng hóa trong sản xuất và thương mại đã chứng minh sự thành công trong những năm 1970. Chính phủ đã có những bước đi táo bạo để mở rộng ngành công nghiệp hóa chất và kim loại màu, đầu tư vào sản xuất thép, máy móc, đóng tàu, điện tử. Khả năng sản xuất thép và tinh chế dầu của Hàn Quốc tăng lên đáng kể. Các nhà máy lọc kẽm và đồng, các cơ sở đóng tàu hiện đại được xây dựng. Thời điểm này, xe ô tô của Hàn Quốc đã bắt đầu được xuất khẩu sang một vài thị trường nước ngoài.

Hàn Quốc đạt kỷ lục tuyệt vời trong việc ổn định kinh tế vĩ mô sau khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng thị trường tài chính châu Á vào cuối những năm 1990. Nhiều cuộc cải cách kinh tế rộng khắp với mục tiêu tạo ra một nền kinh tế linh hoạt hơn trước để đối mặt với những cú sốc kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó mà Hàn Quốc là một trong số ít quốc gia tiên tiến trên thế giới tránh được cuộc suy thoái kinh tế trong năm 2009.

Trong năm 2010, kinh tế Hàn Quốc có sự phục hồi mạnh mẽ mặc dù tốc độ đã chậm lại, trung bình chỉ hơn 3%. Điều này phù hợp với xu hướng tăng trưởng tự nhiên ở các nước có thu nhập cao. Hiệu quả xuất khẩu mạnh mẽ, tỷ trọng sản lượng trong ngành chế tạo lớn.

Về cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn giữa những năm 1960 và cuối những năm 1980, một số yếu tố đã cho phép Hàn Quốc nhận ra những lợi ích kinh tế to lớn từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Để thúc đẩy hiệu quả kinh tế, trọng tâm đã được xác định rõ và ưu tiên vào phát triển cơ sở hạ tầng. Một số dự án điển hình trong giai đoạn này như dự án xây dựng 275km đường sắt và một số dự án đường cao tốc. Dự án đường cao tốc đầu tiên kết nối 2 thành phố lớn nhất Hàn Quốc là Seoul và Pusan là một trọng điểm xây dựng, không chỉ tạo ra hành lang công nghiệp quan trọng mà còn đóng vai trò là biểu tượng của sự tự tin của đất nước này.

Sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đường sắt và hệ thống viễn thông hỗ trợ công nghiệp đã được triển khai xây dựng từ năm 1972. Chính phủ quyết định phát triển các khu công nghiệp lớn ở vùng nước sâu gần cảng Pohang, Ulsan và Masan.

Năm 1983, đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiếm 8% GNP. Vào những năm 1990, Hàn Quốc chi khoảng 100 tỷ USD cho vận tải, cơ sở hạ tầng riêng lẻ, một nửa trong số đó dành cho đường bộ, 40% dành cho đường sắt, còn lại cho sân bay và cảng biển.

Để nền kinh tế Hàn Quốc đạt được sự thành công thần kỳ, không thể không nói đến sự chèo lái tuyệt vời của Chính phủ. Trong những năm 1960, Chính phủ nước này đã tạo ra một bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển công nghiệp. Từ đó tạo ra sự phát triển mang tính bùng nổ là sức bật từ nội địa của hàng hóa Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc luôn ưu tiên sự kết nối mạnh mẽ của nhà nước giới kinh tế.

Singapore

Cách đây 50 năm, Singapore là một nước kém phát triển với GDP đầu người dưới 320USD. Ngày nay, Singapore đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, GDP đầu người đã tăng một cách đáng kinh ngạc - 60.000USD.

Singapore giành được độc lập chính thức vào ngày 9/8/1965. Khi đó, lãnh thổ nước này bị kẹp giữa 2 quốc gia lớn là Malaysia và Indonesia, thiếu tài nguyên thiên nhiên, thiếu cơ sở hạ tầng và nước sạch. Để kích thích nền kinh tế, Singapore đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ quốc tế.

Thời kỳ hậu thuộc địa, Singapore bắt tay vào một chương trình toàn diện về công nghiệp hóa, tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động. Tuy nhiên, do lao động thiếu chuyên môn, Singapore buộc phải tìm kiếm cơ hội vượt ra khỏi biên giới và các nhà lãnh đạo đã thử nghiệm toàn cầu hóa. Để thu hút các nhà đầu tư, Singapore đã tạo ra một môi trường an toàn, không tham nhũng, ít thuế, không bị cản trở bởi các nghiệp đoàn. Đến năm 1972, chỉ 7 năm sau khi độc lập, khoảng 25% các công ty sản xuất của Singapore đều là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liện doanh, trong đó, Mỹ và Nhật Bản là 2 khu vực đầu tư lớn nhất.

Nhờ khí hậu ổn định, điều kiện đầu tư thuận lợi và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế thế giới, từ năm 1965-1972, GDP của Singapore đã tăng trưởng 2 con số hàng năm.

Khi nhận được đầu tư từ nước ngoài, Singapore đã bắt đầu tập trung vào phát triển nguồn nhân lực cùng cơ sở hạ tầng, thành lập nhiều trường kỹ thuật đào tạo về công nghệ thông tin, hóa dầu và điện tử.

Hiện nay, Singapore là nền kinh tế công nghiệp và thương mại. Cảng Singapore hiện là cảng trung chuyển bận rộn nhất thế giới, vượt qua cả Hongkong và Rotterdam.


Cảng Singapore nhộn nhịp nhất thế giới. (Ảnh: WMN)

Ngành du lịch của Singapore cũng phát triển mạnh, thu hút hơn 10 triệu lượt khách mỗi năm. Một số ngành khác cũng có sự phát triển mạnh đóng góp vai trò to lớn cho nền kinh tế của quốc gia này như các ngành: tài chính, công nghệ sinh học,…

Để tạo nên thành công nhanh chóng phải nói đến sự lãnh đạo tuyệt vời của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông giữ vai trò trung tâm trong công cuộc thay đổi Singapore. Dưới thời của ông, Singapore nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, áp dụng chính sách thuế thấp và minh bạch, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, hiệu quả, khuôn khổ pháp lý cứng rắn, đặc biệt là xây dựng một đất nước xạch và sanh. Bên cạnh đó, Singapore nuôi dưỡng chế độ nhân tài, đảm bảo sự công bằng trong tuyển dụng việc làm. Singapore tập trung đầu tư phúc lợi xã hội cho người dân bao gồm: y tế, giáo dục chất lượng cao, nhà ở xã hội giá cả phải chăng, giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả.

Nguồn tin: Xây dựng

ĐỌC THÊM