Tình trạng giá thép và quặng sắt tăng cao kỷ lục đã buộc Chính phủ Trung Quốc thực hiện hàng loạt biện pháp điều tiết nhằm hạ nhiệt thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng giá và tạo khan hiếm giả.
Tình trạng giá thép và giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép tăng cao kỷ lục trên toàn cầu trong những tháng vừa qua đang buộc nhiều quốc gia đẩy mạnh việc kiểm soát thị trường thép. Đặc biệt, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu quặng sắt và sản xuất thép thô lớn nhất thế giới, đã đưa ra hàng loạt biện pháp điều tiết tổng hợp nhằm hạ nhiệt giá thép và giá quặng sắt.
Diễn biến giá CFR quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc trong 12 tháng trở lại đây (Nguồn: Financial Times)
Một số nhà phân tích nhận định các yếu tố cung – cầu mới là động lực quyết định chính trên thị trường. Tuy nhiên, giới quan sát đều đồng ý các động thái quyết liệt từ Chính phủ Trung Quốc đã phần nào ngăn chặn làn sóng đầu cơ và khôi phục trật tự thị trường, góp phần hạ nhiệt 5% giá quặng sắt và 17,3% giá thép trên thị trường Trung Quốc kể từ giữa tháng 5 đến nay. Giá quặng sắt trên một số sàn giao dịch hàng hoá lớn khu vực Châu Á cũng ghi nhận sự sụt giảm.
Đẩy mạnh điều tiết thị trường
Nhằm điều tiết dòng chảy thép và quặng sắt trên thị trường hàng hoá vật chất (hay còn gọi là thị trường giao ngay), ngay từ cuối tháng 4/2021, Chính phủ Trung Quốc đã huỷ bỏ việc hoàn thuế VAT 13% đối với nhiều mặt hàng thép xuất khẩu của nước này nhằm điều tiết nguồn cung thép trên thị trường nội địa. Thuế nhập khẩu đối với sắt thép phế liệu, thép thô, gang thỏi… được nước này hạ về 0% nhằm tăng cường nguồn cung đầu vào cho hoạt động sản xuất thép nội địa.
Mặc dù nguồn cung thép và nguyên liệu đầu vào tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng cao, kéo theo đó là giá thép. Thậm chí, giá quặng sắt nhập khẩu tại cảng Thiên Tân vốn được xem là mức giá chuẩn cho giá quặng sắt nhập khẩu trên toàn bộ thị trường Trung Quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại 235 USD/tấn (giá CFR) vào ngày 12/5/2021.
Ngay lập tức, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã lên tiếng cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với việc thao túng giá và đầu cơ tích trữ quặng sắt. NDRC cũng yêu cầu các nhà sản xuất thép nước này phải “duy trì trật tự thị trường bình thường” và cho biết sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát thị trường, phân tích dữ liệu hàng hoá nhằm quản lý giá tốt hơn.
Các cơ quan quản lý nhà nước Trung Quốc cũng đã thảo luận về phương án gia tăng nguồn cung và bình ổn giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô, bao gồm quặng sắt. Giữa tháng 6/2021, Chính phủ Trung Quốc đã cho biết sẽ xả bán lượng lớn các kim loại công nghiệp như đồng, nhôm và kẽm ra thị trường nhằm hạ nhiệt đà tăng giá kỷ lục của các kim loại công nghiệp. Điều này phát đi tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Trung Quốc sẽ sử dụng các phương án có thể để kìm hãm đà tăng giá hàng hoá hiện nay, đặc biệt là đối với nạn đầu cơ, thao túng giá, tạo sự khan hiếm giả trên thị trường.
Can thiệp kỹ thuật trên thị trường hàng hoá giao sau
Bên cạnh các cảnh báo mạnh mẽ gửi tới thị trường nhằm kiềm chế “kỳ vọng tăng giá” của giới đầu tư, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật can thiệp thị trường thông qua các sàn giao dịch hàng hoá nơi vốn đóng vai trò tạo lập thị trường và xác lập các mức giá cụ thể hình thành trên thị trường dựa vào cân bằng cung – cầu.
Trong đó, Uỷ ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã yêu cầu các sàn giao dịch hàng hoá lớn của nước này như Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, vốn có lượng giao dịch quặng sắt lớn) và Sàn giao dịch tương lai Trung Quốc (SHFE, vốn có lượng giao dịch các sản phẩm thép lớn) siết chặt các quy định giao dịch, sử dụng đòn bẩy tài chính, áp giới hạn giao dịch và khôi phục lại việc tính phí đối với các giao dịch kỳ hạn thép và quặng sắt nhằm hạn chế nạn đầu cơ.
Đồng thời, các sàn giao dịch và phương tiện truyền thông đồng loạt cảnh báo giới đầu tư cần cân nhắc rủi ro khi giá các mặt hàng này liên tục tăng nóng nhằm hạ nhiệt tâm lý thị trường.
Các bên tham gia thị trường, gồm các hãng sản xuất thép, hãng giao dịch hàng hoá và các đơn vị môi giới trên thị trường hàng hoá giao sau cũng được Chính phủ Trung Quốc yêu cầu phải giảm việc đầu cơ giá tăng (hay còn gọi là vị thế giá lên) đối với các hợp đồng kỳ hạn trên các sàn giao dịch hàng hoá nội địa nhằm hạn chế sự biến động mạnh của giá quặng sắt và thép.
Thống nhất tiêu chuẩn định giá
NDRC phối hợp với Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) đã tiến hành kiểm tra các giao dịch quặng sắt và lịch sử biến động giá của các sàn giao dịch hàng hoá. NDRC cho biết các giao dịch quặng sắt trên các sàn giao dịch hàng hoá hiện sử dụng nhiều bộ chỉ số giá khác nhau, bao gồm các bộ chỉ số giá do đơn vị tư nhân tự tính toán.
Các bộ chỉ số giá này hiện được áp dụng cho cả giao dịch quặng sắt trên thị trường giao ngay cũng như thị trường kỳ hạn, khiến việc định giá dễ bị tác động bởi nhiều nhân tố phục vụ lợi ích giới đầu cơ.
Nhằm khắc phục điều trên, NDRC đã ban hành các quy định mới về quản lý các chỉ số đo lường giá hàng hoá và dịch vụ. Các quy định này nhằm thống nhất tiêu chuẩn đo lường mức giá chuẩn của các loại hàng hoá, nguyên liệu thô cũng như tăng cường minh bạch thông tin nhằm hạn chế các biến động giá trên thị trường. Các quy định mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8 tới đây.
Các biện pháp can thiệp thị trường quặng sắt và thép của Trung Quốc trong giai đoạn vừa qua đã giúp đưa mức giá về gần hơn với diễn biến cung – cầu thực tế. Đồng thời, góp phần răn đe tình trạng đầu cơ, thao túng giá các loại hàng hoá, nguyên liệu thô khác.
Với sản lượng thép thường chiếm đến 55% tổng sản lượng thép thế giới và lượng quặng sắt nhập khẩu hàng năm chiếm đến 70% tổng lượng quặng sắt được vận chuyển qua đường biển trên toàn cầu, Trung Quốc đóng vai trò chi phối trên thị trường thép thế giới và bất kỳ động thái nào của nước này đều có ảnh hưởng lớn đến thị trường thép, quặng sắt toàn cầu.
Nguồn tin: Công thương