Đầu tuần qua, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered (SCB) đã công bố báo cáo mới nhất về kinh tế và tài chính của Việt Nam mang tên “Việt Nam - Khám phá lại biên giới”. Theo nhóm nghiên cứu này, sự chọn lựa giữa tăng trưởng hay lạm phát và cải thiện cơ sở hạ tầng là 2 trong số những vấn đề quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam trong ngắn và dài hạn.
Áp lực lạm phát
Nhóm nghiên cứu cho rằng, lạm phát sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam từ đây đến cuối năm. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4.2010 đã tăng 0,14% so với tháng 3 và tăng 9,23% so với cùng kỳ 2009. Và sau khi báo cáo được hoàn thành thì một minh chứng ủng hộ cho nhận định này của SCB là CPI tháng 5 đã tăng 0,27% so với tháng 4.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu của SCB đề xuất tăng lãi suất cơ bản lên 12% vào cuối năm 2010, so với mức 8% hiện nay để đối phó với lạm phát. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng e ngại mức đề xuất này sẽ khó được thực hiện vì “Việt Nam vẫn giữ quan điểm ủng hộ tăng trưởng”. Và trong bối cảnh đó, SCB dự báo mức lạm phát đến cuối năm 2010 sẽ là 11,5%, chứ không phải 8% như mục tiêu Chính phủ đề ra.
Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Fulbright Việt Nam, đồng tình với nhận định tỉ giá VND/USD sẽ còn tăng từ nay đến cuối năm. “Việc tỉ giá trên thị trường tự do giảm về gần với tỉ giá chính thức thời gian gần đây chỉ là tạm thời. Theo tôi, VND vẫn đang bị định giá cao và xu hướng từ nay đến cuối năm sẽ phải tiếp tục giảm giá”, ông nói.
Nút thắt hạ tầng
Về dài hạn, phát triển hạ tầng tiếp tục là vấn đề đáng quan tâm nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam. SCB chỉ ra rằng, mặc dù chi phí lao động của Trung Quốc không còn rẻ nữa, nhưng các công ty đa quốc gia vẫn hướng tới Trung Quốc mua hàng vì dịch vụ hậu cần đi kèm đảm bảo giao hàng kịp thời.
Riêng lĩnh vực hậu cần (logistics), Việt Nam đang đi sau hầu hết các nền kinh tế châu Á. Theo Xếp hạng Các chỉ số Thực hiện Logistics năm 2010 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 53 trong tổng số 155 nền kinh tế được khảo sát; Trung Quốc xếp thứ 27.
Mặc dù ghi nhận nỗ lực của Việt Nam khi đặt mục tiêu tăng đầu tư cho hạ tầng lên hơn 40%/GDP so với mức 34,5% hiện nay, đồng thời có kế hoạch chi 4,5 tỉ USD cải thiện cơ sở hạ tầng cảng biển trong 5 năm tới, các chuyên gia của SCB cũng lưu ý Việt Nam cân nhắc hiệu quả của các dự án hạ tầng, không nên chỉ dựa vào các con số đầu tư.
stockbiz