Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 2011: thế giới đối mặt với lạm phát

Với việc các nước lớn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2010 và 2011, giá cả hàng hoá leo thang trong 2011 là điều khó tránh khỏi.

Lạm phát toàn cầu

Do nền tảng kinh tế yếu kém, Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản không thể hấp thụ được khối lượng tiền tệ lãi suất thấp bơm ra. Đồng tiền thông minh sẽ tìm đến các nền kinh tế mới nổi, nơi hứa hẹn đem lại lợi nhuận cao. Kết quả là giá hàng hoá và giá tài sản sẽ bị đẩy tăng mạnh ở các quốc gia mới nổi. Giá các loại kim loại và lương thực sẽ tăng nhanh. Giá dầu thô tăng chậm hơn nhưng có thể sẽ tăng lên 100 USD/bl.

Các nước phát triển cuối cùng cũng không thể thoát khỏi được “con hổ” lạm phát mà mình tạo ra. Mỹ và các nước châu Âu sẽ phải nhập khẩu lạm phát ngược trở lại do giá cả hàng hoá tiêu dùng nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng cao và do giá trị của các đồng tiền các nước mới nổi sẽ tăng so với USD và EUR.

Kinh tế Mỹ sẽ gặp khó vào nửa cuối 2011. Trong bối cảnh các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) phải thắt chặt tiền tệ và ngăn chặn các dòng tiền nóng, kinh tế Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Hiện tại, Mỹ vẫn còn dư âm của gói giải cứu 600 tỉ USD và hơn 100 tỉ dôi ra từ chính sách thuế. GDP sẽ tăng thêm hai quý nữa, nhưng từ quý 3 khả năng Fed phải lần đầu tăng lãi suất sau hai năm sẽ khiến kinh tế Mỹ chững lại và tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục ở mức cao 9,5%.

Khủng hoảng nợ của châu Âu chưa có hồi kết. Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng. Việc bắt buộc phát hành trái phiếu bằng đồng EUR mất giá do khủng hoảng nợ từ Hy Lạp và Ireland khiến Tây Ban Nha tốn nhiều chi phí hơn. Nếu, không thể tự cứu mình, nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này sẽ chịu kết cục giống như Hy Lạp. Hậu quả tất yếu là hầu hết các quốc gia châu Âu sẽ phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu bằng một đồng tiền EUR ngày càng mất giá trị. Một mình Đức khó có thể kéo kinh tế châu Âu đi lên đặc biệt khi xuất khẩu không thể là chỗ dựa cho năm 2011, nên GDP của châu Âu sẽ bị chững lại và đi xuống ngay từ đầu năm 2011.

Nhật Bản chưa thể tìm được lối ra. Những cố gắng thoát khỏi giảm phát trong năm 2010 gần như sẽ mất hết, bởi kinh tế nước này trên thực tế vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu. Tiêu dùng nội địa tăng trong quý cuối năm 2010 hoàn toàn mang tính cục bộ, khi người dân Nhật tranh thủ trợ cấp của chính phủ mua sắm đồ dùng (điều hoà, ôtô) trong một mùa hè quá nóng và mua thuốc lá nhiều hơn trước khi thuế đánh lên mặt hàng này tăng mạnh. Nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng từ xu hướng chung của toàn cầu, kinh tế Nhật sẽ chững lại cùng mức chỉ số giá tiêu dùng âm và đồng JPY tăng giá.

Các nước mới nổi kìm hãm đà tăng trưởng để đối phó với lạm phát. Trung Quốc đã bắt đầu cho cuộc chiến lạm phát, chính thức thắt chặt tiền tệ sau nhiều lần trì hoãn. Việc tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% vào ngày Giáng sinh năm 2010 báo hiệu một xu hướng chính sách thắt chặt tiền tệ rõ ràng của Trung Quốc. Điều tương tự cũng sẽ được áp dụng tại Ấn Độ, Nga và Brazil. Tất cả các nước mới nổi đều hiểu rằng nếu không kiểm soát được lạm phát, mọi thành quả hồi phục kinh tế năm 2010 sẽ bị tiêu tan. Khi tăng trưởng kinh tế của các nước BRIC tăng trưởng chậm lại, hàng hoá sẽ được tiêu thụ ít hơn, kéo thương mại và kinh tế toàn cầu chậm phục hồi.

Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2011

Với những biến động mạnh của các biến số kinh tế vĩ mô năm 2010, chúng tôi cho rằng các chính sách kinh tế cho năm 2011 nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc ổn định kinh tế vĩ mô thay vì quá chú trọng đến tăng trưởng.

CPI sẽ ở mức xấp xỉ 9%. Trong những tháng đầu năm 2011, tuy CPI có giảm thấp hơn do yếu tố mùa vụ nhưng ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ chưa thể buông lỏng chính sách tiền tệ. Với việc NHNN dự định duy trì mức tăng tổng phương tiện thanh toán ở mức 23%, chúng tôi ước tính CPI tính theo năm trong suốt năm 2011 sẽ vẫn ở mức trên dưới 9%/năm. Chỉ số CPI được duy trì ở mức này vì lượng cung tiền của các năm trước cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 6,8 – 7%. Mặc dù Chính phủ muốn thúc đẩy mạnh tăng trưởng trong năm 2011, tuy nhiên, với lượng cung tiền đã bơm ra khá mạnh trong các năm qua thì áp lực phải kìm hãm lạm phát là khá lớn. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong năm 2010 sẽ khó có thể lên đến 7,5%. Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng 6,8% - 7% là hợp lý. Dự báo này được thực hiện trên cơ sở tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào yếu tố vốn và lao động.

Lãi suất huy động VND vẫn ở mức cao từ 12% đến 13%. Mặt bằng lãi suất trong năm 2011 có thể sẽ tiếp tục giữ ở mức cao bởi việc chống lạm phát đòi hỏi NHNN phải duy trì lãi suất cơ bản ở mức 9% ít nhất cho đến giữa năm 2011. Cùng với đó, các ngân hàng trong nước sẽ phải cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài khi theo cam kết WTO, từ 1.1.2011, các ngân hàng nước ngoài cũng được huy động vốn bằng VND. Dự báo lãi suất huy động VND kỳ hạn ba tháng sẽ giảm dần vào nửa đầu năm 2011 xuống mức 12%/năm sau đó tăng nhẹ lên mức 12,5 – 13% vào nửa cuối năm.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do dao động từ 20.800 đến 22.000. Theo xu hướng chung của thế giới, xuất khẩu sẽ gặp khó khăn hơn khiến nhập siêu tiếp tục ở mức cao. Giải ngân đầu tư nước ngoài sẽ chưa thể có cải thiện, đặc biệt vốn đăng ký năm 2010 chỉ có khoảng 13 tỉ USD. Tuy nhiên, đầu tư gián tiếp (FII) có thể sẽ tăng mạnh do các quốc gia trong khu vực phải ngăn chặn dòng vốn nóng để kiềm chế đầu tư và lạm phát. Với việc chênh lệch giữa tỷ giá USD/VND tự do và tỷ giá chính thức tới 2.000 đồng như hiện nay, nhiều khả năng NHNN sẽ phải giảm giá nội tệ vào quý 1/2011 ở mức khoảng 5%.

Thị trường chứng khoán sẽ tăng vững chắc trong năm 2011. Các kênh đầu tư khác như ngoại tệ và đất đai khó có thể biến động mạnh vì mặt bằng lãi suất vẫn cao. Giá vàng cũng khó có thể tăng mạnh như năm 2010. Trong khi đó, dòng tiền FII có xu hướng đổ mạnh vào Việt Nam. Vì thế, nếu kinh tế vĩ mô của Việt Nam được giữ ổn định, chứng khoán sẽ tăng vững chắc trong năm 2011 ngay cả khi tốc độ tăng trưởng không cao.

Nguồn: SGTT.VN

ĐỌC THÊM