Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 2012: Cân đong lạm phát - tăng trưởng

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 chắc chắn là nội dung làm nóng nghị trường tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, khai mạc ngày mai (20/10).

Không còn hai kịch bản kinh tế như dự thảo được đưa ra cách đây ít ngày. Theo thông tin phóng viên Báo Đầu tư có được, Dự thảo Phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này sẽ chỉ còn một phương án duy nhất. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2012 sẽ vào khoảng 6 - 6,5%.

Mục tiêu mới này đã bao hàm cả hai kịch bản tăng trưởng mà chỉ cách đây ít ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi ấy, nhiều quan điểm đã thiên về kịch bản 1, với tăng trưởng GDP khoảng 6% (kịch bản 2 là 6,5%). “Lựa chọn kịch bản này là để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra. Nếu điều kiện thế giới và trong nước thuận lợi sẽ phấn đấu đạt kết quả cao hơn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi trình Dự thảo đã lý giải như vậy.

Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn còn không ít quan điểm khác nhau về con số này.

Mới đây nhất, cách đây chưa đầy 10 ngày, Standard Chartered đã có báo cáo nhận định về thị trường tiền tệ Việt Nam, được thực hiện bởi ông Tai Hui, Trưởng bộ phận Nghiên cứu khu vực Đông Nam Á (Ngân hàng Standard Chartered). Theo đó, Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2011 từ mức 6,3% xuống 5,8%; còn năm 2012, cũng hạ từ mức 7% xuống 6,3%.

Một tháng trước, Ngân hàng Credit Suisse, cùng với việc đưa ra dự báo rằng, GDP năm 2011 của Việt Nam sẽ ở mức 5,8%, cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 từ mức 6,2% xuống còn 5,9%.

Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cho rằng, tăng trưởng năm 2012 của Việt Nam sẽ chỉ còn 6,5%, thay vì 6,7% như dự báo trước đây của họ.

Mỗi tổ chức có lý giải khác nhau cho sự thay đổi trong đánh giá về triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2012, song rõ ràng, sự “đồng lòng” trong việc dự báo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chứng minh một điều, nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và sự bất ổn định của kinh tế vĩ mô.

Dầu vậy, những dự báo này vẫn khá sát với ngưỡng trên trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 của Việt Nam. Ngược lại, không ít chuyên gia kinh tế trong nước quan ngại về khă năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới.

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dẫn kinh nghiệm đã được chứng minh trong lịch sử rằng, năm trước lạm phát cao thì năm sau tăng trưởng kinh tế kém hơn năm trước, cộng thêm tình hình sản xuất - kinh doanh, nhất là tình hình đầu tư năm 2011 sa sút, nợ xấu của ngân hàng tăng cao, kinh tế thế giới đang biến động theo chiều hướng xấu, khó lường…, để dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 sẽ thấp hơn năm 2011. “Nếu những tháng còn lại của năm 2011, chúng ta không quyết tâm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì hệ quả xấu sẽ để lại cho năm sau”, ông Giá nói.

Thậm chí, không ít quan ngại về chuyện suy giảm kinh tế trong năm tới đã được đặt ra, giống như “kịch bản” của 2 năm 2008 - 2009. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lại cho rằng, khả năng này là khó xảy ra.

Ông Cung lại một lần nữa nhắc tới chữ “nếu” trong dự báo về diễn biến của nền kinh tế. “Nếu năm tới, chúng ta tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, mọi chuyện sẽ khả quan hơn”, ông Cung nói, song không khỏi quan ngại bởi sau gần 4 năm chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sức khỏe của nền kinh tế, của hệ thống doanh nghiệp đã yếu đi đáng kể.

Vậy năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ là bao nhiêu: 6%, 6,5% hay thấp hơn? Điều quan trọng là, theo các chuyên gia kinh tế, các đại biểu Quốc hội cần thảo luận và đưa ra một con số hợp lý, bởi nếu vẫn ham tăng trưởng, hệ quả sẽ là khôn lường.

“Mục tiêu hàng đầu vẫn phải là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Nếu đặt mục tiêu tăng trưởng quá cao, vượt quá tiềm năng, thì để điều hành, với mô hình tăng trưởng hiện tại, Chính phủ sẽ lại phải tăng đầu tư, tung tiền ra và hệ quả là, lạm phát tái hồi”. Đó là thực tế mà các chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Trong dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, lạm phát đang được cân nhắc ở con số 10%. Con số này còn khá cao, song đã thấp hơn đáng kể so với mức lạm phát khoảng 18% của năm 2011

Nguồn tin: Baodautu

ĐỌC THÊM