Kinh tế 2012 dự báo còn khó khăn dữ dội hơn. Nói về chính sách kinh tế năm 2012, TS. Võ Trí Thành cho rằng "nghệ thuật" điều hành chính sách vĩ mô phải hết sức khôn ngoan, chính sách tiền tệ cố gắng linh hoạt, uyển chuyển nhất có thể được để hỗ trợ DN.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam về dự báo kinh tế 2012-2015, do Tạp chí Kinh tế và dự báo phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ tổ chức, đa số các diễn giả đều bày tỏ sự lo ngại về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2012.
Bất ổn vẫn lớn
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2012 vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Thiên, năm 2012, kinh tế thế giới rất bất ổn, chưa có tín hiệu phục hồi. Ở Việt Nam, lực lượng chủ chốt để thúc đẩy tăng trưởng là các DN lại đang gặp khó khăn lớn.
Năm 2011 hơn 50.000 DN đóng cửa, ngừng sản xuất. Số DN khó khăn phải giảm sản xuất còn lớn hơn nhiều. Hệ thống ngân hàng đang đối mặt với thanh khoản căng thẳng và nợ xấu tăng cao. Nhiều mặt hàng thiết yếu như than, điện sẽ được điều chỉnh giá, tác động đến các mặt hàng khác khiến cho tình hình chung vẫn khó khăn.
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực tế hiện nay, trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, kinh tế Việt Nam dường như đang xấu đi. Vì thế một số quỹ của Việt Nam không huy động được vốn từ nước ngoài. Điều này dẫn đến giảm đầu tư, giảm thương mại, vốn đầu tư nước ngoài giảm nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Thành, năm 2011, lạm phát của Việt Nam đạt đỉnh cao là 23,4% và giảm dần còn khoảng 18,5% vào cuối năm. Lần đầu tiên cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng nhẹ, kiều hối tăng, và thâm hụt ngân sách có giảm. Đó là một bức tranh có "điểm sáng" nhưng kết quả đạt được còn hết sức "mong manh".
Nói về chính sách kinh tế năm 2012, ông Thành cho rằng "nghệ thuật" điều hành chính sách vĩ mô phải hết sức khôn ngoan, chính sách tiền tệ cố gắng linh hoạt, uyển chuyển nhất có thể được để hỗ trợ DN. Chẳng hạn tỷ lệ tín dụng cần phải tăng lên mức 15-17% (tăng 2 điểm phần trăm so với mức tín dụng năm 2011 là 13%). Các ngân hàng cho DN vừa và nhỏ vay vốn với lãi suất hợp lý.
Lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, chế biến hỗ trợ xuất khẩu... sẽ được ngân hàng trung ương khuyến khích và tiếp vốn. Về bất động sản cho phép một số công ty có năng lực được chuyển đầu tư bất động sản ra bên ngoài. Cho phép các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn trái phiếu, vốn ODA tốt hơn...
Kinh tế khó khăn do bất ổn vĩ mô, lạm phát tác động trực tiếp tới người nghèo (ảnh minh họa) |
Cũng theo ông Thành, năm 2012 sẽ tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách quyết liệt và lớn nhất. Năm 2012 vẫn tiếp tục có những hiện tượng sáp nhập, mua bán cổ phần... diễn ra giữa các ngân hàng. Điều này góp phần giúp nền kinh tế ổn định trở lại và tái cấu trúc thuận lợi những đề án khác.
Theo dự báo của ông Thành, những tác động phụ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa tiếp tục có những ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, các doanh nghiệp và thị trường bất động sản, chứng khoán vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quý I và II năm 2012. Đáy của khó khăn sẽ rơi vào đầu quý II/2012, sau đó với mức độ giảm dần nhờ hiệu ứng của việc điều chỉnh chính sách vĩ mô được triển khai từ cuối quý I/2011, dự báo nền kinh tế sẽ có dấu hiệu khả quan hơn từ quý III/2012.
PGS.TS. Võ Đại Lược, Tổng giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nhận định, kinh tế thế giới năm 2011 có nhiều "mây đen và bão táp", nhưng năm 2012 sẽ còn dữ dội hơn khi các cơ quan có tín nhiệm nhất trên thế giới đều liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Việt Nam do đó cũng chịu những hệ lụy nhất định.
Mặc dù vậy, ông Võ Đại Lược cho rằng vẫn có cơ hội cho Việt Nam trong khó khăn. Những mặt hàng nhu yếu phẩm của Việt Nam vẫn có khả năng gia tăng xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cần nghiên cứu sâu hơn về những khó khăn của nền kinh tế thế giới để có thể tránh được các ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng được các lợi thế cho sự phát triển, đồng thời đẩy mạnh công cuộc đổi mới thể chế và công nghệ để tạo đà phát triển bền vững.
Việt Nam cũng có cơ hội thu hút đầu tư nhiều hơn khi các dòng vốn rút khỏi những nền kinh tế rối loạn, tìm nơi đầu tư ổn định. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô sớm được ổn định, Việt Nam sẽ có sức hút đầu tư nước ngoài rất lớn, ông Lược nói.
Ba kịch bản kinh tế Việt Nam 2012
Mới đây Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã đưa ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2012.
Kịch bản tốt là khi tình hình thế giới khả quan, kinh tế châu Âu không quá bi quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt từ 6%-6,3%, lạm phát còn 8% -10%, nợ công dự kiến từ 58,2% -58,8% GDP. Kịch bản này, theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, khó đạt được. Nếu không có sự thay đổi về công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả thì cần tăng tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế dân doanh từ 35,2% (năm 2011) lên khoảng 43% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2012 và giảm tỷ lệ đầu tư khu vực kinh tế nhà nước từ mức 38,9% (năm 2011) xuống còn 34% tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào năm 2012.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, để điều chỉnh cơ cấu đầu tư như nêu trên là một thách thức rất lớn vì lý do sau: Để tăng tỷ trọng đầu tư của khu vực dân doanh từ 35,2% lên tới 43% tổng đầu tư toàn xã hội vào năm 2012, theo tính toán, tăng trưởng tín dụng cần đạt trên 25%, cao hơn nhiều so với định mức tăng tín dụng từ 15-17% để kiểm soát lạm phát từ 8-10%.
Trong khi đó, để đảm bảo an sinh xã hội và tạo nền tảng cho phát triển kinh tế giai đoạn sau, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, khó có thể giảm tỷ trọng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước từ mức 38,9% tổng đầu tư toàn xã hội năm 2011 xuống chỉ còn 34% ngay trong năm 2012.
Như vậy, trong điều kiện chưa tạo được bước đột phá công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả đầu tư kinh tế thì khả năng tăng trưởng GDP ở mức 6% -6,3% là khó đạt được.
Kịch bản trung bình được kỳ vọng nhiều nhất. Do tác động của nền kinh tế thế giới (sản lượng giảm khoảng 1 điểm phần trăm và thương mại giảm khoảng 3-4 điểm phần trăm so với 2011), tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2012 dự báo đạt tương ứng 8-9% và 7-8%, tỷ lệ nhập siêu theo dự báo từ 7 -8%. Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo chiếm từ 22-22,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội.
Với tổng vốn đầu tư, tốc độ tăng thương mại như trên, với cơ cấu đầu tư khu vực kinh tế nhà nước chiếm 36,5-37% và khu vực kinh tế dân doanh chiếm 40,5 -41% tổng đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 có thể đạt từ 5,6-5,9%.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đây là kịch bản có nhiều khả năng nhất và các chỉ số, các cân đối cũng mang tính khả thi nhất; mức tăng trưởng này cũng tương đối sát với mức sản lượng tiềm năng hiện tại của Việt Nam.
Còn đối với kịch bản xấu, trong trường hợp kinh tế thế giới có khả năng rơi vào suy thoái và đạt mức tăng trưởng dưới 2,4%, thương mại thế giới tăng ở mức dưới 3% về khối lượng và giá cả có thể giảm sâu hơn mức dự báo 10%. Điều này sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo trong trường hợp này, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng từ 5-6% so với năm 2011.
Về nhập khẩu, nhiều khả năng Chính phủ sẽ phải điều chỉnh chính sách vĩ mô, tăng đầu tư nhằm hỗ trợ DN, ngăn chặn suy giảm kinh tế nên chính sách có phần nới lỏng hơn và vì thế nhập khẩu dự báo tăng 5-6%, theo đó tỷ lệ nhập siêu vào khoảng 9-10%. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam ước đạt khoảng 10 tỷ USD (tương đương khoảng 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Lạm phát dự báo sẽ giảm còn 8-9% và tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 5,2-5,5%...
Trường hợp kinh tế thế giới diễn biến bất lợi và thật sự rơi vào suy thoái (tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mức 2,4%) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam không chỉ năm 2012 mà cả trong những năm tiếp theo.
Nguồn tin: VEF