Hôm qua (31/3), Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho biết, nước này ủng hộ việc thêm đơn vị tiền tệ vào hệ thống kế toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chưa đủ tư cách tham gia giỏ SDR.
Theo ông Geithner, IMF nên mở rộng giỏ tiền tệ được sử dụng để thiết lập giá trị của các quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đơn vị tiền tệ kế toán của cơ quan này.
“Chúng tôi tin tưởng rằng đơn vị tiền tệ của các nền kinh tế lớn được sử dụng nhiều trong giao dịch tài chính và thương mại quốc tế sẽ trở thành một phần của giỏ SDR”, ông Geithner phát biểu tại một cuộc hội thảo tại Nam Kinh, Trung Quốc.
SDR là một phần trong dự trữ ngoại hối quốc gia của các thành viên IMF, do đó việc mở rộng giỏ SDR có thể khuyến khích các ngân hàng trung ương và Chính phủ trên toàn thế giới sử dụng các đồng tiền mới.
Trung Quốc đang nỗ lực quốc tế hóa việc sử dụng đồng Nhân dân tệ và sự tham gia của đồng tiền này vào giỏ SDR có thể là chủ đề chính trong cuộc họp của G20 tại thủ đô Washington vào tháng tới.
Tuy nhiên, ông Geithner cho biết, khi đồng tiền của một quốc gia được thêm vào giỏ SDR, thì quốc gia đó phải có hệ thống tỷ giá linh hoạt, có ngân hàng trung ương độc lập, và cho phép dòng vốn nóng dịch chuyển tự do”. Trung Quốc quản lý chặt tỷ giá nên đồng Nhân dân tệ sẽ không đáp ứng được các điều kiện trên.
Trong khi đó, theo tin của Reuters, ông Xia Bin, cố vấn Chính phủ Trung Quốc cho biết, đồng Nhân dân tệ không cần phải có khả năng chuyển đổi hoàn toàn mới có thể tham gia giỏ SDR. Ông cho biết, quá trình chuyển đổi hoàn toàn của đồng Nhân dân tệ sẽ diễn ra từ từ.
Cũng liên quan tới Trung Quốc, theo báo cáo mới nhất của Hội đồng Thương mại Trung Quốc-Brazil, Trung Quốc đang ngày càng mở rộng đầu tư tại Brazil và đã vượt Mỹ trở thành nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ này.
Báo cáo cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc vừa công bố khoản đầu tư trị giá gần 30 tỷ USD vào Brazil, trong đó có 8,6 tỷ USD đang được đàm phán. Khoảng 90% trong số các khoản đầu tư này thuộc các lĩnh vực năng lượng và khai khoáng.
Theo báo cáo, xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, từ 1 tỷ USD trong năm 2000 lên tới 30,7 tỷ USD trong năm 2010. Các sản phẩm xuất khẩu, chủ yếu là đậu nành, quặng sắt, dầu mỏ... .
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc của Brazil cũng tăng từ 1,2 tỷ USD trong năm 2000 lên tới 25,5 tỷ USD trong năm 2010. Trong giai đoạn 2009-2010, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước cũng đã tăng 52%.
Lạm phát của châu Âu tiếp tục leo thang với tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 năm giữa lúc các nhà làm chính sách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chuẩn bị nâng lãi suất. Dự kiến, cuộc họp chính sách của ECB sẽ diễn ra vào ngày 7/4 tới và có thể nâng lãi suất thêm 0,25%.
Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, lạm phát tại 17 quốc gia Eurozone tăng tốc lên 2,6% từ mức 2,4% trong tháng 2, trái với dự báo của các nhà kinh tế. Đây là tốc độ gia tăng nhanh nhất kể từ tháng 10/2008 và vượt mức trần 2% của ECB tháng thứ 4 liên tiếp.
Đầu tháng này, Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet kêu gọi tinh thần cảnh giác cao độ đối với đà tăng giá cả và phát đi tín hiệu rằng, ECB có thể nâng lãi suất cơ bản vào tháng 4 từ mức thấp kỷ lục 1% như hiện nay.
Cũng liên quan tới kinh tế châu Âu, Thủ tướng Anh David Cameron đã lên tiếng cảnh báo, nếu Liên minh châu Âu không nhanh chóng cải cách kinh tế, khu vực này sẽ bị các nền kinh tế mới nổi vượt qua.
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) về vấn đề di cư và kiều hối, với 27 tỷ USD từ kiều dân gửi về trong 6 tháng đầu tài khoá 2010-2011 (kết thúc ngày 31/3 hàng năm), Ấn Độ tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về nhận kiều hối.
Theo báo cáo, lượng kiều hối Ấn Độ nhận được trong tài khoá 2008-2009 và 2009-2010 lần lượt là 46,9 tỷ USD và 53,9 tỷ USD. Dự kiến, tổng số tiền Ấn Độ nhận từ cộng đồng người Ấn Độ trên thế giới trong năm nay có thể tăng lên 55 tỷ USD.
Đứng sau Ấn Độ là Trung Quốc, với lượng kiều hối nhận trong năm 2010 đạt 51 tỷ USD và Mexico đứng thứ ba, với 22,6 tỷ USD. Tổng lượng kiều hối của toàn thế giới trong năm 2010 là 440 tỷ USD, trong đó riêng các nước đang phát triển chiếm 307 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo của WB, tổng lượng kiều hối trên thế giới vẫn không ngừng tăng bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và các cuộc cải cách cơ cấu trong lĩnh vực tài chính ở các nước phát triển.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 30/3 thông báo kế hoạch cắt giảm 1/3 khối lượng nhập khẩu dầu mỏ của nước này từ nay đến năm 2025 nhằm đối phó với nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng và sự mất ổn định ở nhiều nước trên thế giới.
Kế hoạch của ông Obama gồm 4 hướng chính: Tăng sản lượng dự trữ và sản xuất dầu mỏ ở trong nước; Khuyến khích sử dụng các loại xe tải và xe buýt chạy bằng khí đốt tự nhiên, song song với việc xây dựng nhiều cơ sở chế biến nhiên liệu sinh học quy mô thương mại trong hai năm tới;
Đẩy mạnh hiệu quả sử dụng các loại xe ô tô và xe tải, theo đó Chính phủ sẽ công bố các tiêu chuẩn sử dụng hiệu quả năng lượng cho các loại xe; Thúc đẩy nguồn năng lượng thay thế thông qua các loại nhiên liệu sinh học.
Tổng thống Obama tái khẳng định sự ủng hộ các kế hoạch phát triển nguồn năng lượng sạch, như năng lượng gió, Mặt trời, năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên và than sạch vào năm 2035.
Nguồn: vneconomy