Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: 3 nguy cơ tiềm ẩn

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường cảnh giác trước ba nguy cơ tiềm tàng đe dọa thương mại toàn cầu.

Theo ông, nguy cơ thứ nhất là là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trước sự mất cân đối của kinh tế thế giới; sự nhất trí về chính trị của các nước thành viên WTO nhằm mở cửa thương mại và đầu tư đang bị đe dọa do thất nghiệp gia tăng.

Nguy cơ thứ hai đối với thương mại quốc tế là sự gia tăng các biện pháp hạn chế hoặc làm mất cân đối trao đổi thương mại và đầu tư trên thế giới.

Nguy cơ cuối cùng là khó khăn trong việc đối phó với các tác động tới thương mại và đầu tư từ các biện pháp thúc đẩy và cứu trợ nền kinh tế nhằm đối phó với đợt khủng hoảng kinh tế vừa qua.

Liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, các quan chức cấp cao khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khẳng định, đồng Euro sẽ đứng vững kể cả khi Bồ Đào Nha xin cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Người đứng đầu Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) Klaus Regling cho hay, đồng Euro có thể mất giá, nhưng những khó khăn kinh tế như nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước không phải là mối đe dọa đối với đồng tiền này.

Theo ông, cả nước giàu và nước nghèo trong Eurozone sẽ không tình nguyện từ bỏ đồng tiền chung của họ bởi vì một quyết định như vậy chẳng khác gì một hành động "tự sát về kinh tế."

Chưa kể về chính trị, châu Âu sẽ chỉ còn một nửa giá trị nếu không có đồng Euro. Tuy nhiên, ông Regling nhất trí với nhận xét trước đó của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng châu Âu "đang ở tình thế rất nguy hiểm liên quan đến đồng Euro."

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Axel Weber cho biết, EFSF và các quỹ cứu trợ khác của EU có đủ tiền để đáp ứng nhu cầu vay mượn của những nước có nguy cơ vỡ nợ gồm Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Ngoại trưởng Pháp Michele Alliot-Marie cũng thừa nhận một cuộc tấn công mang tính đầu cơ nhằm vào đồng Euro mà mục tiêu là những nước yếu kém hơn trong Eurozone.

Hôm qua, các quan chức EU cho biết, Ireland có thể nhận được phần đầu tiên của gói cứu trợ khẩn cấp vào tháng 01/2011. EU nhấn mạnh rằng khủng hoảng nợ Ireland không thể lan rộng sang các quốc gia khác trong khu vực.

Chủ tịch Eurozone Jean-Claude Juncker nhận định, hành động ứng phó nhanh chóng trước vụ việc Ireland thể hiện quyết tâm của 16 quốc gia thành viên trong việc bảo đảm sự bình ổn của khu vực. Theo ông, các quốc gia khác nên tha thứ cho Ireland.

Trong cuộc họp định kỳ các bộ trưởng tài chính Eurozone, ông Juncker cho biết gói giải cứu Ireland có thể được thông qua vào cuối tháng 11 và sẽ giải ngân trong đầu năm tới.

Ông nói: “Chúng tôi dự đoán Ireland sẽ nhận được phần tiền đầu tiên trong gói giải cứu vào tháng 01/2011. Ông cho biết thêm tổng gói giải cứu không vượt quá 100 tỷ EUR (tương đương 137 tỷ USD).

Nhật Bản vừa cho biết, nước này đã giảm phát tháng thứ 20 liên tiếp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,4% so với tháng trước và 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, CPI cơ bản tháng 10 (trừ giá thực phẩm tươi sống) giảm 0,6% so với cùng kỳ 2009, nhẹ hơn mức giảm 1,1% trong tháng 9.

Giảm phát triền miên đang đè nặng lên kinh tế Nhật và có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 4 tăng trưởng âm sau khi đồng Yên lên mức cao 15 năm.

Đà tăng 11% trong năm nay của đồng Yên so với USD đã khiến giảm phát thêm trầm trọng vì chi phí nhập khẩu thấp. Điều này có thể làm tăng khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ bơm thêm gói kích thích tiền tệ.

Trong khi đó, thặng dư thương mại của nước này trong tháng 10 không đạt kỳ vọng của giới phân tích. Theo công bố của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu tháng 10 đạt 5.723 tỷ yen (68,5 tỷ USD), tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là tháng thứ 11 liên tiếp, giá trị xuất khẩu của Nhật Bản tăng. Mặc dù vậy, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 10 được coi là thấp nhất kể từ tháng 11/2009.

Kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, lên 4.901 tỷ yen. Thặng dư thương mại tháng 10 mở rộng 2,7% lên 821,9 tỷ Yên (tương đương 9.8 tỷ USD), nhưng thấp hơn dự báo 865,5 tỷ Yên của các nhà kinh tế.

Cũng liên quan tới kinh tế châu Á, hôm qua, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã nâng xếp hạng nợ của Hồng Kông lên mức cao thứ 2 trong bảng xếp hạng của cơ quan này, bởi sức mạnh tài chính và khả năng chống chọi tốt với cú sốc bên ngoài.

Xếp hạng nợ dài hạn quốc tế của Hồng Kông đã được Fitch điều chỉnh lên mức AA+ từ mức AA, triển vọng ổn định. Xếp hạng nợ loại dài hạn của Hồng Kông được duy trì ở mức AA+.

Theo tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody, kinh tế Hồng Kông tăng trưởng tốt và chính sách quản lý tài khóa thận trọng của chính quyền đặc khu này chính là nguyên nhân Fitch nâng xếp hạng của Hồng Kông.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM