Tới năm 2012, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc, ngân hàng Standard Chartered của Anh công bố.
Theo nghiên cứu của ngân hàng này, trong 20 năm tới, tăng trưởng GDP trung bình của Ấn Độ có thể đạt khoảng 9,3%/năm và đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ sẽ đạt 7.000 USD/năm, từ mức 1.000USD/năm như hiện nay.
Ngân hàng lớn thứ hai của Anh cho rằng, đến năm 2030, GDP của Ấn Độ sẽ đạt 60.000 tỷ USD, chiếm 10% tổng giá trị GDP toàn cầu, đồng thời Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.
Trước đó, hôm 15/11, cũng Standard Chartered dự báo, tới năm 2020, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và 10 năm sau, kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp đôi Mỹ.
Theo báo cáo khi đó, khối lượng kinh tế Trung Quốc và tài sản của xã hội nước này tăng lên, phần lớn là nhờ sự gia tăng tỷ giá hối đoái giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD.
Báo cáo cho hay, những thay đổi trong 20 năm sắp tới là to lớn. Tới năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 24% tổng lượng GDP của thế giới, so với con số 9% hiện nay.
Như vậy, chỉ trong vài ngày, ngân hàng Anh liên tiếp đưa ra những dự báo gây sốc về các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Á. Trong công bố mới nhất, Standard Chartered cũng cho rằng châu Á sẽ là động lực tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu trong hai thập kỷ tới.
Hiện kinh tế thế giới đang trong giai đoạn tăng trưởng "siêu chu kỳ" thứ ba bắt đầu từ năm 2000 và có thể kéo dài tới năm 2030.
Đây là giai đoạn kinh tế tăng trưởng cao và kéo dài nhờ sự thúc đẩy của một nước. Và Ấn Độ có điểm mạnh là nguồn nhân lực và nước này phát triển mạnh nhu cầu nội địa thay vì hướng tới xuất khẩu như nhiều nước láng giềng châu Á.
Trong khi đó, giới phân tích dự báo, ngành tín dụng vi mô tăng trưởng nhanh của Ấn Độ có thể sắp sụp đổ, do người đi vay ở những bang lớn nhất nước này đang ngừng trả nợ.
Khủng hoảng tín dụng vi mô đã xảy ra tại Ấn Độ nhiều tuần, nhưng vào thời điểm này mới lên đến đỉnh điểm. Các ngân hàng Ấn Độ cung cấp khoảng 80% vốn, tương đương 4 tỷ USD để các công ty cho người nghèo vay.
Các ngân hàng lo ngại rằng sau khi trải qua khủng hoảng tài chính toàn cầu gần như an toàn, giờ đây họ có thể đối mặt với những rủi ro thiệt hại nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này có thể sẽ gây tác động toàn cầu.
Một thông tin khác cũng gây sốc không kém là việc Singapore công bố, nền kinh tế này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm nay, 15%.
Chính phủ Singapore dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng trưởng với tốc độ kỷ lục khoảng 15% trong năm nay và 4-6% vào năm 2011.
Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, GDP quý 3 sụt giảm tới 18,7% so với quý trước, trái ngược hoàn toàn với mức tăng trưởng 27,3% trong quý 2, nhưng có cải thiện so với mức được công bố lần đầu là giảm 19,8%.
Trong quý vừa qua, lĩnh vực sản xuất, bán buôn và bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Cụ thể, sản xuất tăng 14,3%, bán buôn và bán lẻ tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực tài chính cũng tăng trưởng 9,3%.
Theo giới phân tích, Singapore đang trong cuộc chạy đua để trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, lạm phát vẫn leo thang, bất chấp việc ngân hàng trung ương nước này hồi tháng trước cho biết sẽ để đồng nội tệ tăng giá nhanh hơn.
Liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland (BOI) Patrick Honohan hôm qua cho biết, nhiều khả năng Ireland sẽ nhận được khoản tín dụng hàng chục tỷ Euro từ Liên minh châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Theo ông Honohan, giá trị khoản tín dụng này sẽ lớn, để chứng tỏ với các thị trường rằng Ireland có đủ khả năng để giải quyết các vấn đề tài chính của mình. Lãi suất áp dụng đối với các khoản vay này bằng với mức lãi suất của các khoản vay trước đó từ IMF. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng vấn đề có thể khá phức tạp.
Chiều qua tại Tokyo, đồng Euro đã tăng từ mức 1,353 USD/Euro trong phiên liền trước ở ở New York, lên mức 1,359 USD/euro. Trong khi đó, cả Euro và USD đều mạnh lên so với Yên, được giao dịch ở mức lần lượt là 113,18 Yên/Euro và 83,32 Yên/USD.
Ủy ban lưỡng đảng về thẩm tra an ninh và kinh tế Mỹ-Trung vừa phát đi báo cáo thường niên, trong đó chỉ trích Trung Quốc định giá thấp Nhân dân tệ, đồng thời đề nghị Chính phủ Mỹ nên đưa Trung Quốc vào diện các quốc gia thao túng tiền tệ.
Theo báo cáo, chính sách giữ cho tỷ giá đồng Nhân dân tệ không tăng của Trung Quốc đã gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ. Báo cáo cũng thể hiện sự quan ngại xung quanh việc Trung Quốc gần đây hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Báo cáo nêu ra đề nghị Bộ Tài chính Mỹ khuyến khích các cơ quan quản lý thương mại và WTO nghiên cứu cách kiểm soát xuất khẩu, trợ cấp, chính sách mua sắm và những cách làm vi phạm quy định khác của Trung Quốc.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011, từ mức 4,5% công bố hồi tháng 5, xuống còn 4,2%. Tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 4,6%.
Theo OECD, năm 2010, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2,7%, năm 2011 là 2,2% và năm 2012 là 3,1%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt mức tăng trưởng 1,7% trong 2010 và 2011, năm 2012 là 2%.
Nguồn: Vneconomy