Mặc dù Saudi Arabia khẳng định nguồn cung dầu mỏ trên thế giới hiện vẫn rất dồi dào, nhưng theo các chuyên gia Barclays Capital, bạo lực tại Libya có thể sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng luồng xuất khẩu và đẩy giá dầu lên hơn 200 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích của Barclays Capital, do bạo lực leo thang ở Libya, người ta ngày càng lo ngại rằng nguồn cung từ OPEC sẽ tiếp tục bị gián đoạn và hoạt động sản xuất dầu mỏ của các nước láng giềng của Libya cũng sẽ phải chịu những tác động tương tự do tình trạng bất ổn chính trị.
Libya được đánh giá là có trữ lượng dầu thô truyền thống qua kiểm chứng lớn nhất châu Phi và sản xuất trên 1,5 triệu thùng/ngày. Nhưng bất ổn chính trị đã làm đình đốn hoạt động sản xuất dầu của Libya, làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ thiếu cung. Hôm 24/2, giá dầu Brent Biển Bắc tại London đã tăng lên 119,79 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), có tới 1 triệu thùng/ngày, tương đương 2/3 sản lượng dầu mỏ của Libya không thể tiếp cận được thị trường do lực lượng nổi dậy tiếp tục làm rối loạn tình hình. IEA cho biết, Libya là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ tư ở châu Phi, sau Nigeria, Algeria và Angola, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là châu Âu.
Barclays Capital cảnh báo những công ty nước ngoài đã sơ tán lao động và tạm thời đóng cửa có thể sẽ ngần ngại nối lại hoạt động sản xuất nếu môi trường chính trị và an ninh tại Libya chưa ổn định trở lại.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin quốc tế, tại cuộc họp về việc tăng nguồn cung dầu ở Kuwait của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), một số nước chưa đạt được sự nhất trí do cho rằng, giá dầu cao hiện nay là do thị trường lo ngại về nguy cơ thiếu nguồn cung trước làn sóng bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi, trong khi nguồn cung thế giới vẫn đủ.
Cho tới nay, OPEC vẫn chưa chính thức thay đổi chính sách hạn ngạch, dù làn sóng biểu đang lan rộng tại khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ đã đẩy giá dầu thế giới lên các mức kỷ lục kể từ cuối năm 2008.
Ông Mohammad Ali Khatibi, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran, nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên của OPEC năm 2011, đã lên tiếng bác bỏ những đồn đoán về khả năng OPEC bơm thêm dầu ra thị trường. "Hiện thị trường không thiếu nguồn cung, do đó OPEC không cần phải tăng sản lượng. Người tiêu dùng đang lo lắng, nhưng đó chỉ là do yếu tố tâm lý", ông nói.
Còn Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia, Ali Naimi, nhấn mạnh, thị trường dầu mỏ hiện vẫn đủ cung, đồng thời tái khẳng định lập trường của Riyadh rằng sự leo thang của giá dầu hiện nay bắt nguồn từ những đồn đoán trên thị trường và niềm tin không vững của giới đầu tư, chứ không phải từ các "yếu tố nền tảng" của ngành dầu mỏ.
Theo ông, Saudi Arabia từ lâu đã cam kết thúc đẩy sự ổn định trên thị trường, vì lợi ích của cả các nước sản xuất và tiêu thụ nhằm hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế thế giới. Quan chức này cũng cho thấy, Saudi Arabia sẵn sàng hành đồng nếu cần thiết, vì nước này hiện có công suất dôi dư lên tới 3,5 triệu thùng/ngày.
OPEC không có kế hoạch họp bàn về chính sách hạn ngạch cho tới tháng 6/2011, và tâm trạng chung trong các thành viên hiện nay là chưa cần thiết phải tiến hành một cuộc họp sớm để thảo luận khả năng bơm thêm dầu.
Các thành viên OPEC cũng cho rằng, dự trữ dầu tại các nước phát triển hiện vẫn cao. Tuy nhiên, giới giao dịch hiện nay rõ ràng vẫn chưa hết lo ngại về tình hình chính trị ở nhiều nước Arab, trong đó có cả Saudi Arabia. Nhiều người cho rằng, bất ổn tại Libya có thể lan sang các nước sản xuất dầu chủ chốt khác ở Trung Đông và Bắc Phi, đặc biệt là Saudi Arabia, và điều này có thể đe dọa nghiêm trọng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ thế giới.
David Hufton, thuộc công ty môi giới PVM, cho rằng ngay cả khi tình hình ở Trung Đông trở lại bình thường, tác động của những rối loạn hiện nay trong trung hạn sẽ hạn chế đà đi xuống của giá dầu và nếu nguồn cung từ một nước sản xuất khác bị gián đoạn hoặc thậm chí là chỉ cần một nguy cơ, giá dầu sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng 150 USD/thùng.
Ngân hàng Nomura dự báo giá dầu có thể lên tới 220 USD/thùng nếu xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Algeria, nước cũng đang trong tình trạng bất ổn xã hội. Hôm 8/3, Cơ quan Thông tin Năng lượng của Mỹ cũng nâng dự báo mức giá dầu trung bình trong năm nay lên 105 USD/thùng, cao hơn 14 USD so với dự báo đưa ra hồi tháng trước.
Trong khi, theo chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, nếu giá dầu tăng lên 140 USD/thùng, các nền kinh tế phát triển sẽ rơi trở lại vào suy thoái. “Nếu giá dầu trở về mức cao xác lập vào mùa hè 2008, tức 140 USD/thùng, thì tại một thời điểm nào đó các nền kinh tế phát triển sẽ bắt đầu rơi trở lại vào suy thoái", ông phát biểu tại Dubai.
"Tại Mỹ, với tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh, đà tăng từ 15-20% của giá dầu sẽ không gây ra suy thoái kép nhưng có thể khiến đà tăng trưởng đình trệ”. Theo ông, giá dầu tại các mức như hiện nay chắc chắn sẽ không dẫn đến sự gia tăng “đáng kể” của lạm phát tại các nền kinh tế phát triển vừa mới phục hồi và vẫn đang đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao.
Cũng tại cuộc trao đổi ở Dubai, chuyên gia Roubini còn nhấn mạnh đến sự yếu kém của đà phục hồi kinh tế toàn cầu, Roubini cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phạm sai lầm nếu nâng lãi suất quá sớm, trong lúc các quốc gia Khu vực đồng Euro (Eurozone) đang nỗ lực cải thiện sức cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu.
Còn theo đánh giá của chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz, Liên minh châu Âu có thể đối mặt với “nửa thập kỷ mất mát” tương tự như Nhật Bản do các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách. “Vì Nhật Bản đã cố gắng cân bằng ngân sách quá sớm, vào năm 1997 và 1998, nên nước này đã rơi vào một nửa thập kỷ mất mát. Châu Âu đang đối mặt với rủi ro tương tự”, ông nhận định.
Chính phủ các nước từ Tây Ban Nha cho đến Ireland đang nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách thông qua việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trong lúc các nước này còn phải khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner cũng đã lên tiếng hối thúc châu Âu tìm cách cân bằng giữa các chương trình cải cách tài chính khắc khổ với việc hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên đang gặp khó khăn. Ông Geithner tỏ ý tin tưởng rằng, các nhà chức trách châu Âu "biết được những gì sẽ cần phải làm" để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuy nhiên, ông nhiều lần nhấn mạnh rằng họ cũng cần hết sức cân bằng giữa các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đang được áp dụng ở một số nước châu Âu và việc hỗ trợ tài chính cho những nước này để các chương trình cải cách được thực thi. Ông cho rằng các chương trình cải cách hiện nay ở Hy Lạp, Ireland... "khá khó khăn" và để thành công, các nước này cần được hỗ trợ bằng "cơ chế tài trợ có điều kiện được hoạch định cẩn thận".
Nguồn: Vneconomy