Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: "Bóng ma" nợ công trở lại

Vấn đề nợ công lại trở thành "bóng ma" đe dọa nền kinh tế thế giới, khi đồng loạt các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ sụt giảm trong phiên giao dịch 8/11 và đẩy giá các hàng hóa khác như vàng, dầu, USD tăng vọt. Trong đó, vàng bật lên mức cao kỷ lục 1.400 USD/oz, dầu tiến sát 90 USD/thùng và USD hồi phục 0,7%.

Cuối tuần trước, Chính phủ Ireland đề ra kế hoạch cắt giảm ngân sách 15 tỷ Euro (tương đương 21,3 tỷ USD) để hạ thâm hụt quốc gia. Dự kiến, vào năm 2011, chính phủ nước này sẽ cắt giảm 6 tỷ Euro và hạ thâm hụt ngân sách từ 9,5% xuống 9,25% GDP. Đến năm 2014, Chính phủ Ireland cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP.

Như vậy, chi phí ngăn khả năng vỡ nợ của Ireland đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Nguyên nhân là do chính phủ nước này đang rất khó khăn trong việc thuyết phục nhà đầu tư rằng Ireland sẽ không phải là Hy Lạp thứ 2. Dự kiến, đại diện của Ủy ban châu Âu sẽ có mặt tại Ireland để kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu ngân sách của nước này.

Cùng thời điểm, Quốc hội Bồ Đào Nha đã thông qua việc thắt chặt chi tiêu ngân sách để cắt giảm nợ công đang ở mức cao. Theo đó, thâm hụt ngân sách của nước này sẽ được cắt giảm từ 7,3% trong năm nay xuống 4,6% vào năm 2011.

Nỗi lo từ "Hy Lạp thứ hai", Bồ Đào Nha đã đẩy giá vàng thế giới đêm qua tăng vọt, lên trên 1.410 USD/oz. Vàng giao ngay tăng 1,1%, lên đỉnh cao mọi thời đại 1.410,3 USD/oz vào lúc 14h52 tại sàn Comex (New York). Vàng kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 0,4% lên 1.403,2 USD/oz.

Diễn biến cùng chiều với giá vàng, USD phiên hôm qua tăng 0,7% so với rổ 6 ngoại tệ khác. Lúc 17h chiều qua tại New York, đồng Euro hạ 0,8% so với USD, xuống mức 1,392 USD/Euro. Trong khi, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 cũng tăng 15 cent lên 87 USD/thùng và dầu thô Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn tăng 9 cent lên 88,20 USD/thùng.

Câu chuyện "đất hiếm" tiếp tục là đề tài nóng khi nhiều tổ chức doanh nghiệp lớn của Mỹ, Nhật Bản... lên tiếng kêu gọi hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) gây áp lực với Trung Quốc để dỡ bỏ sự hạn chế xuất khẩu nguyên liệu này.

Liên minh các nhà sản xuất ôtô, Hiệp hội điện tử tiêu dùng Mỹ, tổ chức Businesseurope, Nippon Keidanren Business (Nhật Bản) và 33 đoàn thể khác đã cùng ký vào bức thư kêu gọi hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 11-12/11 để vấn đề “tiếp cận đất hiếm không trở ngại” thành “chủ đề ưu tiên”.

“Đất hiếm rất quan trọng đối với các ngành sản xuất năng lượng sạch, ô tô, lọc dầu, hóa chất và ngành công nghiệp điện tử trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên hiện nay, các ngành này đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đất hiếm càng ngày gia tăng”, bức thư có đoạn.

Cũng liên quan tới cuộc họp quan trọng này, hôm qua, nhà đàm phán Nga tại G20, ông Arkady Dvorkovich, đã gợi ý Nhóm này cần được tham vấn trước khi có những quyết định quan trọng kiểu như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuần trước quyết định chi thêm 600 tỷ USD mua trái phiếu kho bạc.

Ông Dvorkovich cho biết, Nga không phản đối quyết định bơm tiền của FED, vì đó là vấn đề nội bộ, nhưng Mỹ nên phối hợp với các nước thành viên G-20 khác khi đưa ra những quyết định quan trọng như vậy. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàn Quốc trong tuần này.

Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ trong tuần trước, được gọi là nới lỏng định lượng lần thứ hai (QE2), đã vấp phải sự chỉ trích của cả các nước phát triển và mới nổi, đồng thời được dự đoán sẽ trở thành đề tài gây tranh cãi gay gắt tại Hội nghị G-20 sắp tới.

Trong một diễn biến khác, hôm qua, Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố dự trữ ngoại hối tháng 10 của nước này chạm mức kỷ lục mới 1.118 tỷ USD, vượt qua mức kỷ lục 1.110 tỷ USD xác lập hồi tháng 9. Nguyên nhân được cho là do Chính phủ Nhật Bản đã có động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ để giảm nhiệt cho đồng Yên.

Tính tới nay, Nhật Bản là nước có nguồn dự trữ ngoại hối lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tính tới tháng 9, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc ở mức 2.650 tỷ USD. Nguồn dự trữ ngoại hối của Nhật Bản bao gồm các chứng khoán, các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ, dự trữ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quyền rút vốn đặt biệt (SDRs) và vàng.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM