Tính tới 8h00 sáng nay (4/11), đảng Dân chủ Mỹ đã giành thêm được 1 ghế tại Thượng viện. Còn tại cuộc đua Hạ viện, đảng Dân chủ cũng nhận được thêm 2 ghế.
Như vậy, tỷ lệ ghế giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ ở Thượng viện hiện là 52/46 và ở Hạ viện là 186/239.
Tuy vậy, cho dù hai đảng có thêm một vài ghế nữa, thì chiến thắng tại Hạ viện của đảng Cộng hòa đã quá rõ ràng. Theo giới phân tích, kết quả này đã phản ánh tâm trạng quan ngại về nền kinh tế, cũng như nỗi thất vọng của cử tri Mỹ đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội do đảng của ông kiểm soát.
Ngay sau chiến thắng áp đảo của phe Cộng hòa tại Hạ viện, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Mitch McConnell và ông John Boehner, lãnh đạo đảng này tại Hạ viện, người có khả năng trở thành tân Chủ tịch Hạ viện, thay cho bà Nancy Pelosi.
Trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Obama đã nói với hai nghị sỹ Cộng hòa rằng, ông "mong muốn cộng tác với họ cũng như các thành viên của đảng Cộng hòa nhằm tìm kiếm một lập trường chung, đưa đất nước tiến lên và hoàn thành các công việc vì người dân Mỹ".
Việc hợp tác sẽ như thế nào, hiện thời chưa thể nói trước. Nhưng kết quả cuộc bầu cử đã được phản ánh ngay trong phiên giao dịch chứng khoán đêm qua. Chỉ số S&P 500 khép phiên tại mức cao 6 tháng. Trong khi, chỉ số Dow Jones lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2008 và Nasdaq chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.
Theo giới phân tích, chiến thắng của đảng Cộng hòa được hiểu như là, nhiều công ty Mỹ từ Goldman Sachs cho tới WellPoint có thể sẽ vận động để hạn chế hoặc cản trở những chính sách được cho là “chống doanh nghiệp” của Tổng thống Obama, nhất là chính sách y tế, môi trường, thuế và cải cách tài chính.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp quốc gia dự đoán đảng Cộng hòa sẽ sử dụng thế đa số tại Hạ viện để giảm bớt các gói hỗ trợ trong dự luật y tế của Tổng thống Obama vốn bị các doanh nghiệp phản đối.
Kết quả bầu cử cũng giúp đảng Cộng hòa tiếp tục kéo dài chương trình cắt giảm thuế dưới thời Tổng thống Bush đối với những người có thu nhập hơn 250.000 USD/năm, đồng thời bãi bỏ đề xuất của Tổng thống Obama trong việc tăng thuế đánh lên công ty Mỹ có thu nhập tại nước ngoài.
Nước Mỹ đang đứng trước một bước ngoặt lớn về chính trị, đồng thời cũng là bước ngoặt về kinh tế. “Người Mỹ bỏ phiếu cho vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế và vì thế từ chối các chính sách của Tổng thống Obama”, Thomas Donohue, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ, nhóm vận động hành lang lớn nhất tại Mỹ, cho hay.
Trong khi đó, về mặt chính sách kinh tế, hôm qua, kết thúc cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố quyết định mua thêm 600 tỷ USD trái phiếu kho bạc dài hạn trong vòng 8 tháng. Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ tái đầu tư thêm 250-300 tỷ USD trái phiếu kho bạc từ lợi nhuận của các khoản đầu tư trước đó.
Như vậy, tổng giá trị của chương trình mua trái phiếu nhằm kích thích nền kinh tế lên tới 900 tỷ USD và sẽ hoàn thành vào quý 3/2011. Thêm vào đó, FED còn giữ nguyên mức lãi suất 0,25% và tái cam kết duy trì mức lãi suất này trong một thời gian nữa.
Với kế hoạch trên, hàng tháng FED sẽ mua khoảng 75 tỷ USD trái phiếu theo chương trình nới lỏng tín dụng và xấp xỉ 35 tỷ USD trái phiếu theo chương trình tái đầu tư. Gần 90% giá trị gói kích thích 600 tỷ USD này sẽ tập trung vào các trái phiếu đáo hạn từ 2.5-10 năm.
Đây là lần thứ 2, FED quyết định nới lỏng tín dụng sau khi đã bơm vào nền kinh tế 1.700 tỷ USD chủ yếu dưới dạng các tài sản liên quan đến nhà ở từ tháng 12/2008 đến tháng 3/2010. Gói kích thích này cũng vượt dự báo của giới phân tích, nhưng về thời gian và tỷ lệ mua trái phiếu trung bình lại nằm dưới các nhận định.
Nguồn: Vneconomy