Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Căng thẳng tiền tệ nổ bùng

Phát biểu trước thềm hội nghị các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), Tổng thống Brazil Lula da Silva kêu gọi G-20 đưa ra giải pháp đối phó với cuộc chiến tiền tệ đang đe dọa nền kinh tế thế giới sau khủng hoảng.

Theo ông, chính sách đồng nội tệ yếu của một số nước đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Brazil. Nhà lãnh đạo Brazil khẳng định sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo động nội tệ real không bị định giá quá cao so với đồng USD. Năm nay, đồng real đã tăng giá 3,6% so với USD.

Cũng liên quan tới cuộc chiến này, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy cảnh báo, thái độ "bất hợp tác" trên các thị trường ngoại hối có thể hủy hoại nghiêm trọng sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại thuộc WTO ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Lamy nhấn mạnh: "Con đường khó khăn hướng tới sự ổn định và phục hồi do thương mại dẫn đầu có thể bị nguy hiểm do sự thiếu hợp tác về vấn đề tiền tệ".

Người đứng đầu WTO nêu rõ phản ứng trước những quan ngại rằng, các nền kinh tế có thể tìm kiếm lợi thế cạnh tranh bằng cách đưa ra một "mức tỷ giá có lợi cho họ" là chuyện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chứ không phải của WTO.

Song, ông Lamy nói: "Chúng tôi (WTO) sẽ chia sẻ lo ngại với các bạn (IMF), vì tôi tin rằng, lịch sử sẽ phán xét chúng ta một cách nghiêm khắc nếu bất kỳ một cá nhân thiển cận nào làm nản lòng các nỗ lực chung của chúng ta nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế".

Trong khi đó, theo thông tin trên tờ Wall Street Journal sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner nhận định, hiện giá của các đồng tiền chính tương đối hợp lý. Vì vậy đồng USD không cần phải giảm giá mạnh hơn nữa so với đồng Yên Nhật và đồng Euro.

Ông Geithner cho biết, cuộc họp G-20 diễn ra vào cuối tuần là nhằm tăng cường nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu với việc giảm phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ. Từ đó tiến tới thành lập các quy định về chính sách tỷ giá và thuyết phục các nước khác rằng, Mỹ không có ý hạ giá đồng nội tệ để phát triển kinh tế.

Trước đó, ngày 18/10, khi trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp thung lũng Silicon hôm 18/10, Bộ trưởng Geithner cũng đã bác bỏ thông tin cho rằng Washington đang làm mất giá đồng USD để hỗ trợ nền kinh tế.

"Mọi người cần hiểu rằng không có quốc gia nào trên thế giới, kể cả Mỹ, có thể trông chờ vào việc giảm giá đồng tiền để hỗ trợ kinh tế phát triển thịnh vượng và có sức cạnh tranh cao. Đó là một chiến lược bất khả thi và Mỹ sẽ không bao giờ gian díu với chuyện này", Financial Times trích phát biểu của ông Geithner.

Theo tờ này, cho dù ông Geithner có nói thế nào đi chăng nữa cũng không thể phủ nhận thực tế là hàng đoàn du khách Singapore, Malaysia, Nhật Bản đang lũ lượt kéo tới Mỹ những ngày này.

Hãng tin CNBC cho hay, nhiều năm qua, Mỹ chưa bao giờ là điểm đến hấp dẫn du khách châu Á vì lý do giá cả và khoảng cách đi lại, chưa kể những yêu cầu an ninh ngặt nghèo được áp dụng sau cuộc khủng bố 11/9. Washington đã cố gắng triển khai nhiều chương trình xúc tiến du lịch tới châu Á.

Nhưng những nỗ lực này chưa mang lại nhiều kết quả, cho tới khi đồng đôla Mỹ dần mất giá trên thị trường tiền tệ quốc tế, đặc biệt so với các đồng tiền châu Á. Các hãng lữ hành Singapore dự báo lượng du khách tới Mỹ trong quý 4 năm nay sẽ tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng về tranh chấp tỷ giá giữa Mỹ và Trung Quốc, tờ Financial Times còn bình luận, nếu như thế giới muốn tránh rơi vào vòng xoáy của can thiệp tiền tệ, cả Trung Quốc và Mỹ cần hành động khôn ngoan.

Theo báo này, hai quốc gia Mỹ, Trung cần góp phần giải quyết sự mất cân bằng toàn cầu, và giảm áp lực về tỷ giá cho các nước đang phát triển nhanh khác. Nếu họ không hành động, họ sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho các nền kinh tế này, những nền kinh tế đang góp phần lớn đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng.

Trong khi đó, một làn sóng đầu cơ tiền tệ đang đổ vào châu Á, đẩy giá đồng nội tệ lên cao và làm căng thẳng thêm tình hình chính trị trước thời điểm diễn ra các hội nghị quan trọng tại châu lục khi các nước dựng lên nhiều rào cản để bảo hộ xuất khẩu.

Dòng vốn nước ngoài đổ vào châu Á cho thấy lòng tin của giới đầu tư vào khu vực vừa thoát ra thời kỳ tệ hại nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng làm hàng hóa sản xuất tại đây trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường thế giới và thổi bùng nỗi lo bong bóng tài sản.

Hàn Quốc, nơi mà các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G-20 gặp nhau trong hai ngày 22 và 23/10 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của nhóm vào tháng 11, đã cảnh báo những xung đột trong biến động tiền tệ đang gia tăng và có thể dẫn tới bảo hộ mậu dịch.

Viện Tài chính quốc tế ước tính, dòng vốn ròng tư nhân đổ vào các nền kinh tế đang nổi sẽ lên tới 825 tỷ USD trong năm nay, tăng mạnh so với 581 tỷ USD của năm ngoái. Trong số đó khoảng 343 tỷ USD sẽ được đổ vào châu Á so với 337 tỷ USD của năm 2009 và 122 tỷ USD của năm 2008.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM