Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Châu Á trỗi dậy

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ, châu Á sẽ có vai trò ngày càng quan trọng hơn trong đổi mới quản trị kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, sự vươn lên của các nền kinh tế mới nổi là báo hiệu sự hình thành một trật tự thế giới mới.

Báo cáo cho rằng, châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trên thế giới, khi cơ cấu quản trị kinh tế toàn cầu mới cần phải dựa trên các tổ chức tiêu biểu, phản ánh sự thay đổi về tầm ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi trong nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo nhấn mạnh tới vai trò của châu Á trong việc dẫn dắt đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng tài chính và khu vực này sẽ có tiếng nói ngày càng lớn hơn trên thế giới. Báo cáo cũng chỉ ra, nhóm G-20 đã trở thành một tổ chức lãnh đạo kinh tế toàn cầu.

Hàng loạt cuộc họp thượng đỉnh để giải quyết các vấn đề kinh tế thế giới của G-20 kể từ tháng 11/2008 tới nay đã ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng của nhóm này. Tuy nhiên, G-20 cũng đang đối mặt với khá nhiều bất ổn từ kinh tế toàn cầu, trong đó nổi bật là nợ công châu Âu.

Trong một báo cáo khác mang tên "Lạm phát giá lương thực toàn cầu và các nước đang phát triển ở châu Á", Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, các quốc gia ở Á lục địa cần kiềm chế việc áp dụng lệnh cấm xuất khẩu lương thực và nên tập trung vào các biện pháp dài hạn.

Theo nghiên cứu của ADB, việc tăng giá lương thực 10% ở các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á từ đầu năm 2011 có thể đẩy thêm 64 triệu người vào cảnh bần cùng, với mức thu nhập dưới 1,25 USD/ngày.

“Giá lương thực tăng cao sẽ làm giảm khả năng chi trả của họ cho các dịch vụ y tế và giáo dục. Nếu không được kiểm soát, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ xói mòn những thành quả giảm đói nghèo mà châu Á đã đạt được trong thời gian gần đây”, ông Changyong Rhee, một quan chức của ADB, cho hay.

Theo ADB, nếu từ nay tới hết năm, giá lương thực toàn cầu và giá dầu vẫn tiếp tục tăng cao, tăng trưởng kinh tế của khu vực có thể giảm tới 1,5%.

Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, sản lượng lương thực giảm sút cùng với đồng USD yếu, giá dầu cao và lệnh cấm xuất khẩu tại một số nước sản xuất lương thực chính là những yếu tố chủ yếu, gây nên sức ép tăng giá toàn cầu kể từ tháng 6/2010.

Theo ông Rhee, “các nước cần kiềm chế việc áp dụng lệnh cấm xuất khẩu lương thực, đồng thời tăng cường hệ thống an sinh xã hội. Các nỗ lực để ổn định sản xuất cần được chú trọng cùng việc tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp, đảm bảo lương thực sản xuất ra không bị lãng phí”.

Mặc dù chính phủ các nước châu Á đã tiến hành nhiều biện pháp ngắn hạn trong đó có các biện pháp bình ổn giá, song ADB cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải tập trung vào các biện pháp dài hạn để tránh một cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Trước tình hình leo thang của giá lương thực, nhiều doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp tại châu Á đang trong xu hướng gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp so với các đơn vị thuộc ngành khác.

Theo ghi nhận về chỉ số giá hàng tiêu dùng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, từ tháng 3/2010 - 3/2011, giá lương thực thực phẩm đã tăng 32%. Cùng thời điểm, giá trị thị trường của các doanh nghiệp nông nghiệp tại châu Á tăng 19%, được giao dịch gấp 3,7 lần giá trị sổ sách.

"Hàng hóa nông nghiệp đang trở thành lĩnh vực đầu tư lớn. Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này cũng trở nên hấp dẫn trong vài năm gần đây", Mark Warburton, quan chức phụ trách bộ phận thị trường vốn cổ phiếu tại châu Á của Macquaria Capital, nhận xét.

Cũng liên quan tới giá thực phẩm, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc đang phải đối mặt với một bài toán cân đối đầy khó khăn: vừa tập trung kiềm chế giá tăng để chống lạm phát, vừa khởi động chiến dịch bảo vệ nông dân trồng rau trước tình trạng giá thu mua thấp gây bất bình trong cộng đồng.

Bộ Nông nghiệp và Bộ Thương mại Trung Quốc đã yêu cầu các ban ngành địa phương hỗ trợ nông dân bán những nông sản như cải bắp và cần tây, vốn sụt giá thu mua thê thảm ở một số vùng trong vài tuần qua. Nhưng giá bán ở các thị trường bán lẻ lại không giảm theo đà đó mà vẫn ở mức cao.

Theo thông báo của cơ quan thống kê Trung Quốc, từ 11/4 đến giữa tuần qua, giá trung bình của đỗ xanh đã giảm 15,5% tại 50 thành phố so với 10 ngày đầu tháng. Trong khi đó, giá dưa chuột giảm 11,5%, giá cần tây giảm 6,5% và giá cà chua giảm 2,3%.

Thất vọng trước tình trạng giá thu mua thấp, nhiều nông dân trồng rau ở Bắc Kinh, Thượng Hải cũng như các tỉnh Sơn Đông, Hà Nam đã đổ đống hàng trăm tấn cải bắp, cần tây và các loại rau khác.

Trong khi người trồng trọt thất thu lớn thì người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi từ tình trạng này. Giá bán lẻ ở các chợ chính tại Bắc Kinh (thị trường tiêu thụ chủ yếu nông sản từ Sơn Đông) không hề giảm với giá cải bắp hiện vẫn là 1,6 Nhân dân tệ/kg còn cao điểm lên tới 3 Nhân dân tệ/kg.

Cơ quan Thống kê châu Âu hôm 26/4 cho biết, năm 2010, thâm hụt ngân sách của khu vực đồng Euro (Eurozone) được thu hẹp, do đa số các quốc gia đều cắt giảm chi tiêu công nhằm vực dậy niềm tin của thị trường nhưng nợ công vẫn tiếp tục leo thang.

Cụ thể, thâm hụt ngân sách năm 2010 của Eurozone là 6% GDP, thấp hơn năm 2009. Tuy nhiên, nợ công tại tăng lên 85,1% GDP từ mức 79,3% trong 2009. Cán cân ngân sách của tất cả các quốc gia Eurozone (trừ Đức, Ireland, Luxembourg và Áo) đã có sự cải thiện, song nợ công gia tăng tại hầu hết các nước (trừ Estonia).

Theo Cơ quan Thống kê châu Âu, Hy Lạp đã giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 10,5% từ mức 15,4% trong năm 2009. Tuy nhiên, con số này vẫn còn cao hơn mục tiêu 8%. Trong khi đó, nợ công của quốc gia này tăng lên đến 142,8% GDP, từ mức 127,1% trong năm 2009.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM