Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Chiến tranh tiền tệ thế giới đã nổ?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, Guido Mantega, cho rằng cuộc chiến tiền tệ quốc tế đã nổ ra, bởi chính phủ nhiều nước đang thi nhau hạ giá đồng nội tệ để cạnh tranh không đẹp.

"Chúng ta đang rơi vào một cuộc chiến tiền tệ thế giới, nơi mà các bên tham chiến đua nhau làm yếu đồng tiền của mình”, tờ Financial Times dẫn lời ông Guido Mantega phát biểu tại Sao Paulo. Bình luận của ông Mantega được đưa ra sau khi ngân hàng trung ương các nước Nhật Bản, Hàn Quốc… can thiệp vào thị trường tiền tệ, hạ giá đồng nội tệ.

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, ông không nhận thấy nguy cơ xảy ra “chiến tranh tiền tệ”, nhưng thừa nhận, đây là điều đáng quan ngại. Ông cho biết, vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của IMF vào ngày 08-09/10 tới và cuộc họp của G20 tại Hàn Quốc vào tháng 11.

Bộ trưởng tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 27/9 đã nhất trí áp đặt "cơ chế trừng phạt tự động" đối với những nước thành viên vi phạm quy định về ngân sách của khối. Chủ tịch Hội đồng EU Herman Van Rompuy cho biết, hội nghị đã nhận được sự đồng thuận lớn về "cơ chế trừng phạt tự động" đối với các nước thành viên không tuân thủ những quy định như thâm hụt ngân sách vượt mức trần...

Theo ông Rompuy, hầu hết các bộ trưởng tài chính đều khẳng định cần phải áp đặt "cơ chế luật pháp" trong khuôn khổ EU, theo đó các biện pháp trừng phạt sẽ được nâng dần vào bất kỳ thời điểm nào, tùy thuộc vào từng trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, Pháp và Đức - hai nền kinh tế đầu tàu của EU, lại bất đồng về cơ chế này. Trong khi Đức ủng hộ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt không cần thông qua sự bỏ phiếu của các nước thành viên, thì Pháp lại phản đối cơ chế này, cho rằng các nước EU cần có tiếng nói mạnh mẽ trong bất kỳ hình thức trừng phạt nào.

IMF cho biết sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên lĩnh vực tài chính của 25 quốc gia và vùng lãnh thổ quan trọng đối với hệ thống để ngăn ảnh hưởng xấu có thể tạo ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Cho đến nay, việc đánh giá này mới chỉ được thực hiện tự nguyện theo yêu cầu từ phía IMF.

Theo IMF, 25 nước và vùng lãnh thổ thuộc diện cần kiểm tra thường xuyên bao gồm: Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Nhật, Australia, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Pháp, Hà Lan, Italy, Hồng Kông, Ireland, Nga, Mexico và Lucxembourg.

Nhóm này chiếm đến 90% hệ thống tài chính toàn cầu và 80% hoạt động kinh tế thế giới. 15/20 nước thuộc nhóm G20 nằm trong nhóm.

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định đà phục hồi mạnh của châu Á đang tăng tốc bất chấp sự yếu kém tại Mỹ và châu Âu.

Theo ADB, khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm 2010, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của năm ngoái và cải thiện đáng kể so với dự báo 7,5% của ADB cách đây 5 tháng. Đây đồng thời là tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 3 năm qua của khu vực này.

“Tốc độ và cường độ phục hồi của khu vực sẽ tiếp tục đem lại nhiều bất ngờ khả quan. Đà phục hồi hình chữ V đã đặt nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong ngắn hạn”, nhận định từ chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Jong-Wha Lee.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2010 Update (ADO) được công bố sáng 28/09, ADB cho rằng đà phục hồi tại châu Á được thúc đẩy bởi sự cải thiện mạnh mẽ của lĩnh vực xuất khẩu, nhu cầu tư nhân khả quan và hiệu quả ổn định của các chính sách kích cầu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), đến năm 2015, kinh tế các nước mới nổi sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn so với các nước phát triển trong nền kinh tế toàn cầu. Tầng lớp trung lưu từ Đông Nam Á đến Mỹ Latin tăng, đầu tư công và tư cũng sẽ tăng.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương dẫn đầu đà phục hồi tuy nhiên vẫn cần hội nhập kinh tế toàn cầu và đối phó biến đổi khí hậu. Trong đó, Trung Quốc cần thúc đẩy tiêu thụ nội địa và ngành dịch vụ.

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của khu vực Đông Á là giảm thâm hụt tài khóa, kiểm soát nợ công, trong khi khu vực châu Phi Nam Sahara nên tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi nên mở cửa đối với thế hệ doanh nhân mới, cho phép người phụ nữ tham gia vào đời sống kinh tế.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM