Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Chưa thể xoa dịu

Ireland cho biết sẽ cắt giảm 20% chi tiêu, tăng thuế trong 4 năm tới, nhằm giảm bớt 15 tỷ Euro (20 tỷ USD) thâm hụt ngân sách và đưa mức thâm hụt về khoảng 3% vào năm 2014.

Theo đó, Ireland sẽ cắt giảm chi tiêu 10 tỷ Euro (13,3 tỷ USD) và tăng thuế thêm 5 tỷ USD (tương đương 6,7 tỷ USD) trong giai đoạn 2011-2014. Dự báo, thâm hụt ngân sách 2010 của Ireland có thể là 12% GDP hoặc lên đến 32% nếu bao gồm gói giải cứu.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, kế hoạch thắt lưng buộc bụng của Ireland vẫn không thể xoa dịu những lo lắng về hệ thống tài chính ở châu Âu. Chi phí vay mượn của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ireland vẫn đứng ở mức cao kỷ lục.

Giới phân tích quốc tế tiếp tục tin rằng, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có thể trở thành những quân bài domino tiếp sau sự gục ngã của Hy Lạp, Ireland trước làn sóng nợ công.

Mặc dù theo Chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy, khu vực tài chính của Bồ Đào Nha vẫn hoạt động tốt do nước này không phải đối phó với bong bóng bất động sản, nguồn vốn trong ngân hàng ổn định...

Tuy nhiên, chuyên gia Tullia Bucco thuộc ngân hàng Unicredit cho rằng, với mức nợ công lên tới 161 tỷ Euro (tương đương 82% GDP), nhu cầu huy động vốn của Bồ Đào Nha còn cao hơn cả Ireland.

Sang năm 2011, Bồ Đào Nha sẽ đối mặt với khoản nợ 25,6 tỷ Euro chưa có nguồn để thanh toán, trong khi phải trả lợi suất trái phiếu lên tới gần 7%. Theo Bucco, Bồ Đào Nha rất có thể sẽ cầu viện bên ngoài trợ giúp trong năm tới.

Phiên giao dịch ngày 23/11, lợi suất trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của Bồ Đào Nha đã tăng lên 6,9%, so với 6,8% trong phiên giao dịch liền trước.

Về phần Tây Ban Nha, Thống đốc ngân hàng trung ương nước này Miguel Angel Fernandez Ordonez thừa nhận tác động từ Ireland đã lan sang Tây Ban Nha và chương trình cắt giảm chi tiêu của nước này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Điều này rất đáng lo ngại, nhất là khi kinh tế Tây Ban Nha không tăng trưởng trong quý 3, sau hai quý tăng trưởng chậm và gần hai năm suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức cao trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Hôm 23/11, phí tổn vay mượn trung bình của Tây Ban Nha tăng gần gấp đôi trong các đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn ba tháng và sáu tháng. Lisbon thậm chí đã phải hạn chế bán trái phiếu do bị các nhà đầu tư ép tăng lãi suất.

Trong khi đó, theo kênh truyền hình RTE của Ireland, nước này sẽ nhận được gói giải cứu 85 tỷ Euro (114 tỷ USD) từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong 3 năm để giải quyết thâm hụt ngân sách và tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Theo RTE, Ireland sẽ sử dụng 48 tỷ Euro trong gói giải cứu để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách trong 3 năm; 15 - 20 tỷ Euro để bơm vốn các ngân hàng, và 20 tỷ EUR để thành lập một quỹ khẩn cấp.

RTE cũng cho biết thêm các ngân hàng Ireland có thể điều chỉnh tỷ lệ vốn cấp 1 lên 12% từ mức 8% như hiện nay nhằm củng cố lòng tin của khách hàng gửi tiền vào hệ thống tài chính.

Liên quan tới vấn đề đất hiếm, hôm qua, Chính phủ Nhật Bản đã xác nhận việc Trung Quốc nối lại các chuyến tàu chở đất hiếm đến Nhật Bản sau một thời gian bị gián đoạn.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Akihiro Ohata cho biết, Tokyo khẳng định hai tàu chở đất hiếm xuất sang Nhật Bản đã rời Trung Quốc. Theo ông, có những tín hiệu cho thấy tình hình đã trở nên "tốt đẹp hơn".

Ông Ohata bày tỏ hy vọng sẽ có thêm các chuyến tàu chở đất hiếm từ Trung Quốc sang Nhật Bản sau khi các thủ tục cần thiết được hoàn tất.

Trước đó, các quan chức Nhật Bản cho biết, nguồn dự trữ đất hiếm của Nhật Bản có thể cạn vào tháng 3 hoặc tháng 4/2011, nếu không nhận được đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Chen Jian, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết Trung Quốc sẽ không hạ mạnh hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm cho năm 2011. Tháng 10/2010, xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc giảm tới 77% so với tháng trước đó.

Chuyên gia phân tích Peng Bo thuộc Guosen Securities cho rằng, việc Trung Quốc cắt giảm hạn ngạch đất hiếm trong khoảng thời gian từ tháng 7 - 12/2010 là để đảm bảo nguồn cung đất hiếm nội địa.

Liên quan tới bán đảo Triều Tiên, hôm qua, Hàn Quốc tuyên bố sẽ đảm bảo đủ thanh khoản bằng đồng Won và ngoại tệ cho hệ thống tài chính nếu các thị trường rơi vào tình trạng bất ổn sau vụ tấn công của Triều Tiên.

Trong thông báo sau cuộc họp khẩn của các quan chức Bộ Tài chính, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ổn định hệ thống tài chính nếu cần thiết.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Yim Jong-yong, Chính phủ dự báo bất kỳ tác động nào của vụ đụng độ lên hệ thống tài chính cũng chỉ mang tính chất tạm thời.

Nguồn: Stockbiz

ĐỌC THÊM