Theo tờ báo trên, so với châu Âu, các nền kinh tế châu Á chịu ảnh hưởng lớn hơn khi giá dầu tăng cao, do lương thực và năng lượng chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực này. Một khi giá lương thực và năng lượng tăng quá nhanh, CPI sẽ bị tác động mạnh. Bên cạnh đó, nhu cầu năng lượng tại châu Á đang có xu hướng gia tăng.
Năm ngoái, Malaysia là quốc gia đầu tiên tại châu Á tăng lãi suất, nhờ đó, kinh tế nước này đã đạt mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2010, mức cao nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, số liệu kinh tế này chứng tỏ Ngân hàng Trung ương Malaysia trong giai đoạn trước chưa áp dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ một cách thích đáng. Sắp tới, Ngân hàng Trung ương Malaysia có thể sẽ quyết định tăng lãi suất.
Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) nâng lãi suất thêm 0,25% lên 3% như dự báo nhằm kiểm soát lạm phát. Đây là lần thắt chặt chính sách thứ hai của BOK trong năm nay sau sự tạm ngừng trong tháng 2. Lạm phát tháng 02 của Hàn Quốc đã tăng tốc lên 4,5% từ mức 4,1% trong tháng 1, vượt mức trần 4% của BOK.
Theo dự báo của giới phân tích, lãi suất sẽ tiếp tục lên cao vào cuối năm nay. BOK cho biết, nền kinh tế đang nhận được sự hỗ trợ từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư thiết bị y tế. Dù vậy, cơ quan này lưu ý, các rủi ro đối với triển vọng kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, chẳng hạn như giá dầu cao và mối quan ngại về khủng hoảng nợ công Eurozone.
Trước đó một ngày, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cũng nâng lãi suất thêm 0,25% lên 2,5% như dự báo. Đây là lần thứ 2 trong 3 tháng, BOT nâng lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát.
Còn theo thông báo của Ngân hàng Trung ương Philippines cho biết, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 của nước này đã vượt mức dự kiến. Vì vậy, ngân hàng này đang xem xét để quyết định có cần phải áp dụng các biện pháp khống chế lạm phát hay không. Bộ phận phân tích thị trường dự báo, Ngân hàng Trung ương Philippines cũng chuẩn bị phải tăng lãi suất.
Trong khi đó, theo chuyên gia Ba Shusong tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, một cơ quan cố vấn nổi tiếng của Chính phủ Trung Quốc, quốc gia này có thể sẽ sử dụng các công cụ như tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thường xuyên hơn, nếu thặng dư thương mại và dòng vốn vào vào nước này tiếp tục duy trì ở mức cao.
"Điều chỉnh lãi suất chủ yếu phụ thuộc vào xu hướng lạm phát. Nếu chúng ta tin tưởng lạm phát đi xuống trong sáu tháng cuối năm, thì ít có khả năng lãi suất tăng cho cả năm,” Ba Shusong nói với tờ Shanghai Securities.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã nâng lãi suất và dự trữ bắt buộc nhiều lần trong vài tháng qua nhằm chống lại lạm phát, vốn đã đạt tốc độ theo năm là 4,9% vào tháng 1 và dự kiến giảm xuống 4,7% trong tháng 2.
Giáo sư Nouriel Roubini thuộc trường Đại học New York, người đã từng có dự báo chính xác về cuộc khủng khoảng tài chính thế giới vừa qua, cho rằng giá dầu mỏ tăng mạnh thời gian gần đây có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới và có thể khiến tình trạng lạm phát tại các thị trường mới nổi trở nên mất kiểm soát.
Mặc dù vậy, theo Ngân hàng Phát triển châu Á, các nền kinh tế châu Á có thể chống đỡ được tình hình lạm phát hiện nay.
Tổ chức định mức tín nhiệm nợ Moody’s hôm qua đã hạ 1 bậc xếp hạng tín nhiệm của Tây Ban Nha từ Aa1 xuống Aa2 với triển vọng tiêu cực. Cơ quan này dự báo, kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng của Tây Ban Nha sẽ tốn kém hơn so với ước tính hiện nay của Chính phủ và khiến nợ công ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, Moody’s còn lo ngại về khả năng cải cách hệ thống tài chính công của Chính phủ Tây Ban Nha trong bối cảnh quyền kiểm soát tình hình tài chính khu vực của Chính phủ nước này bị giới hạn, cũng như đà tăng trưởng kinh tế vừa phải trong ngắn và trung hạn”.
Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Tây Ban Nha đã tăng kỷ lục lên 5,51%, trong lúc lãi suất trái phiếu chính phủ của Italy tăng trên 5%, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2008; của Ireland lên 9,58% và Hy Lạp là 12,9%.
Như vậy, trong hơn 5 tháng qua, lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Italy đã tăng 1,3%, Tây Ban Nha tăng 1,5%. Còn Hy Lạp và Ireland, những nước đang phải nhận các gói cứu trợ vỡ nợ trong nhiều năm của Liên minh châu Âu (EU) và Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đều tăng 4%.
Trước đó, lãi suất trái phiếu chính phủ của Bồ Đào Nha trong phiên giao dịch ngày 9/3 đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ khi nước này gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Chính phủ nước này thừa nhận không thể chịu đựng mức lãi suất cao kéo dài nếu Liên minh châu Âu (EU) không hành động nhanh chóng.
Phát biểu trên Đài truyền hình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Carlos Pina cho biết lãi suất trái phiếu chính phủ của Bồ Đào Nha hiện vẫn cao và có thể còn cao hơn. Ông nêu rõ nước này không thể chịu đựng được nếu tình trạng này còn kéo dài.
Mặc dù khẳng định Lisbon đã làm hết sức mình để ổn định khu vực tài chính và chưa cần sự hỗ trợ từ bên ngoài, song Bộ trưởng Pina hối thúc EU có biện pháp nhanh chóng nhằm làm cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu linh hoạt hơn.
Lãi suất trái phiếu chính thời hạn 2 năm của Bồ Đào Nha hiện lên tới 5,993% so với mức 4,086% trong đợt phát hành hồi tháng Chín năm ngoái, cao hơn cả mức lãi suất 5,396% đối với trái phiếu thời hạn 3 năm phát hành tháng 1 vừa qua. Lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm cùng ngày có lúc lên đến 7,78%, cao kỷ lục trong Eurozone.
Kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn nhất của EU, Nabucco, nhằm giảm bớt sự lệ thuộc của EU vào các nguồn cung năng lượng của Nga, đang vấp phải nhiều thách thức và đứng trước nguy cơ thất bại.
Mạng Eurasia Review dẫn lời các chuyên gia và quan chức châu Âu cho biết tổng chi phí dự kiến cho tuyến đường ống dẫn khí đốt dài 3.300 km này hiện tăng mạnh.
Ngân sách EU dự chi ban đầu cho dự án là 7,9 tỷ Euro (11,1 tỷ USD), nhưng một nghiên cứu mới của công ty dầu khí BP (Anh) cho thấy khoản ngân sách này có thể tăng lên 14 tỷ Euro khi hoàn tất việc xây dựng. Số tiền phát sinh khó có thể huy động được, đặc biệt trong bối cảnh EU đang phải oằn mình chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ công.
Theo tổ chức cung cấp dữ liệu độc lập Eurekahedge (Singapore), tài sản của các quỹ đầu cơ đã vượt mức 1.700 tỷ USD, lần đầu kể từ 9/2008. Dữ liệu ban đầu cho thấy chỉ số quỹ đầu cơ Eurekahedge tăng 1,17% trong tháng 2, tháng thứ 8 tăng liên tiếp. Trong khi đó, hãng nghiên cứu HFR (Mỹ) cho biết, tài sản của các quỹ đầu cơ đang ở mức 1.920 tỷ USD, gần bằng mức đỉnh 1.930 tỷ USD trong năm 2008.
Kết quả khảo sát do ngân hàng Deutsche (Đức) thực hiện mới đây cho thấy, các quỹ đầu cơ có thể thu hút 210 tỷ USD dòng vốn đầu tư ròng trong năm nay. Đến cuối năm 2011, các quỹ đầu cơ sẽ nắm giữ tài sản trị giá 2.250 tỷ USD.
Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới (PIMCO) đã bán toàn bộ số nợ Chính phủ Mỹ mà họ nắm giữ, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2008, khi các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ ngày càng tăng. Người quản lý quỹ, ông Bill Gross cảnh báo, lợi tức trái phiếu sẽ tăng cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc QE2. Điều này sẽ làm giảm giá số trái phiếu mà quỹ này đang nắm giữ nên họ đã bán toàn bộ số trái phiếu đó.
PIMCO ước tính, FED đã mua 70% số trái phiếu phát hành kể từ khi gói QE2 bắt đầu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 30% còn lại. Ông Gross cho rằng, sẽ xảy ra nguy cơ sụt giảm nhu cầu tạm thời khi gói QE2 kết thúc vào tháng 6. Chính vì vậy, để thu hút sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư, lợi tức trái phiếu sẽ phải cao hơn, thậm chí là cao hơn khá nhiều so với trước đó.
VnEconomy