Với mục tiêu tái thiết nền kinh tế Mỹ, đưa quốc gia ra khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ sau Đại suy thoái 1930, trong báo cáo ngân sách năm 2012, Tổng thống Barack Obama đã coi Ấn Độ "như một trong những thị trường mới nổi quan trọng nhất và đầy hứa hẹn trên thế giới".
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trình Quốc hội nước này kế hoạch chi tiết chi 3.730 tỷ USD từ ngân sách liên bang trong tài khóa 2012 (bắt đầu từ ngày 1/10 tới), chủ yếu cho các chương trình liên quan tới hạ tầng cơ sở và giáo dục, đồng thời cam kết hạn chế chi cho một số chương trình khác của chính phủ nhằm giảm 1.100 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới.
Chính quyền Obama đề nghị Quốc hội phê chuẩn chi ngân sách 2012 cho Bộ Quốc phòng 656 tỷ USD (giảm 2,7% so với mức 674 tỷ USD của tài khóa 2011), trong đó có 118 tỷ USD cho các hoạt động quân sự ở Afghanistan và Iraq; cho ngành giáo dục là 77,4 tỷ USD (tăng 11% so với tài khóa hiện hành); và 55 tỷ USD cho Bộ Ngoại giao (tăng 22% so với mức 44,9 tỷ USD trong tài khóa hiện hành).
Chính quyền cũng đề xuất tăng chi cho một số lĩnh vực, như 148 tỷ USD cho việc phát triển và nghiên cứu y sinh học; tăng gấp đôi chi ngân sách cho việc sử dụng hiệu quả năng lượng, chi cho kế hoạch đường sắt cao tốc và một số lĩnh vực khác mà Tổng thống Obama cho là cần thiết để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Đáng chú ý, dự thảo ngân sách đã coi "Ấn Độ là một trong những thị trường mới nổi quan trọng nhất và đầy hứa hẹn trên thế giới, mở ra một cơ hội rất lớn cho các công ty Mỹ tăng sản lượng hàng hóa và dịch vụ. Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, nhân chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 11 năm ngoái của ông Obama, giao dịch thương mại hai chiều đã đạt 14,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Mỹ đạt 9,5 tỷ USD, hỗ trợ được hơn 53.000 việc làm cho người dân Mỹ.
Các vấn đề hợp tác xuyên biên giới, củng cố sự mở rộng chiến lược hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ, góp phần tăng trưởng và phát triển kinh tế ở cả 2 nước. Sự xuất hiện của một thị trường toàn cầu bao gồm các nền kinh tế ngày càng tăng trưởng như Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho nước Mỹ.
Nhà Trắng dự kiến thâm hụt liên bang của Mỹ có thể lên tới 1.650 tỷ USD trong năm tài khóa này. Mỹ đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề tài chính trong nước, nên việc tìm kiếm những đối tác thương mại và xây dựng quan hệ kinh tế với các thị trường mới nổi như Ấn Độ là một vấn đề rất được quan tâm trong buổi công bố kế hoạch ngân sách của Nhà Trắng.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, Tổng thống Obama dự định giảm chi cho hơn 200 chương trình không liên quan tới an ninh nhằm giảm thâm hụt 400 tỷ USD trong 10 năm tới, riêng trong tài khóa 2012 đặt mục tiêu giảm được 33 tỷ USD.
Trong số các chương trình này, mức giảm lớn nhất là 2,5 tỷ USD hỗ trợ việc khôi phục môi trường tại Hồ Lớn; 1 tỷ USD cho việc xây dựng các sân bay lớn, gần 1 tỷ USD cho các chương trình xử lý nước và xây dựng cơ sở hạ tầng tại các bang và 650 triệu USD cho việc cải cách các trường học công.
Kế hoạch của Tổng thống Mỹ cũng đề xuất chấm dứt giảm 12 loại thuế áp dụng cho các công ty xăng, dầu và than để tăng thu ngân sách 46 tỷ USD trong 10 năm. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ một số mục tiêu do Tổng thống Obama đề ra, như đến năm 2015 đưa vào sử dụng 1 triệu xe hơi chạy bằng điện và đến năm 2035 tăng gấp đôi tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch.
Trong 5 năm tới, ngân sách dành cho chi tiêu quốc phòng sẽ giảm 78 tỷ USD, chủ yếu cho các chương trình vũ khí không quan trọng như máy bay C-17, động cơ cho máy bay chiến đấu Joint Strike Fighter và phương tiện vận chuyển cho lực lượng lính thủy đánh bộ.
Với mức thâm hụt dự kiến trong tài khóa 2012 giảm xuống còn 1.101 tỷ USD, ngân sách của Mỹ đạt mức thâm hụt kỷ lục trong bốn năm liên tiếp, vượt mức 1.000 tỷ USD/năm. Đến năm 2015 thâm hụt ngân sách giảm từ mức 10,9% trong năm tài khóa 2011 hiện nay xuống mức 3,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tổng thống Obama coi dự thảo ngân sách mới là "một sự hy sinh và lựa chọn khó khăn". Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện, ông Harry Reid ca ngợi kế hoạch ngân sách năm 2012 của ông Obama là "một kế hoạch dài hạn mang tính trách nhiệm cao nhằm giảm 1/2 thâm hụt ngân sách trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống, trong khi vẫn đầu tư thêm vào những lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế như giáo dục."
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm qua đã quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng, theo đó, tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0 - 0,1% được áp dụng từ tháng 10/2010, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. BOJ cũng nâng triển vọng kinh tế lần đầu tiên trong 9 tháng qua do sự cải thiện của lĩnh vực xuất khẩu và sản xuất nhờ đà tăng trưởng của các nước khác.
Tuần trước, Thống đốc BOJ Masaaki Shirakawa cho rằng, sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản có vẻ đã ngưng lại kể từ mùa Thu năm 2010 và dự báo nền kinh tế Nhật sẽ cải thiện sớm nhất là trong quý này sau khi các báo cáo cho thấy nhu cầu ở nước ngoài đang tăng tốc.
Theo BOJ, có những dấu hiệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đang trở lại xu hướng tăng. Số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cho biết, giá trị sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 12/2010 tăng 3,3%, cao hơn 0,2% so với mức tăng công bố trước đó.
Trong khi đó, theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, chi tiêu thực tế bình quân tháng của các hộ gia đình nước này trong năm 2010 đã tăng 0,3% so với năm trước đó. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng trong vòng ba năm qua.
Ông Chotaro Morita, chiến lược gia hàng đầu của Barclays Capital Japan tại Tokyo cho biết: “Các số liệu công bố kể từ đầu năm tới nay cho thấy nền kinh tế đang phục hồi. Đây chính là cơ sở giúp các quan chức BOJ thêm tự tin hơn trong thông báo của mình”. Mặc dù vậy, chi tiêu tiêu dùng bình quân tháng của các hộ gia đình vẫn giảm 0,5% so với năm trước. Điều này cho thấy “căn bệnh thiểu phát” vẫn đang ám ảnh nền kinh tế Nhật Bản.
Các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng Euro (Eurozone) tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) đã quyết định tăng gần gấp đôi khả năng cho vay thực của Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM). Cuộc họp cũng thảo luận những lựa chọn nhằm tăng cường quỹ cho vay ngắn hạn, tên chính thức là Cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF), song không đạt đồng thuận về vấn đề này.
Phát biểu sau cuộc họp, người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker cho biết, ESM sẽ "ra mắt" vào ngày 1/1/2013 và có khả năng cho vay thực lên tới 500 tỷ Euro. Quy mô của ESM sẽ được xem xét 2 năm một lần. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ tham gia ESM, nhưng tổ chức này chưa thông báo phần đóng góp của mình. Các nước ngoài Eurozone có thể tham gia ESM trên cơ sở tự nguyện.
Ra đời để thay thế EFSF hết hiệu lực vào giữa năm 2013, nhưng ESM hiện chỉ có khả năng cho vay thực khoảng 250 tỷ Euro. Phần còn lại được sử dụng như tài sản thế chấp nhằm giúp các nước Eurozone vay mượn trên thị trường với giá rẻ hơn giá họ cho vay lại.
Lãnh đạo tài chính Eurozone đưa ra quyết định trên trong bối cảnh sức ép đối với thị trường trái phiếu khu vực này lại gia tăng và Liên minh châu Âu (EU) đứng trước thời hạn chót phải kết thúc các cuộc thương lượng về quy mô, phương thức và phạm vi áp dụng ESM tại cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức này vào ngày 25/3 tới.
Hội nghị các chuyên gia về đầu tư và phát triển tại Geneva, Thụy Sĩ, nhận định đối tác mới với các mô hình đổi mới giữa nhà nước và giới kinh doanh đang hình thành sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua. Các chuyên gia tham dự cho rằng, UNCTAD cần thúc đẩy các hoạt động kinh tế thế giới theo hướng này, vì đây là lựa chọn khả thi và mở ra các cơ hội đối tác mới đẩy nhanh phục hồi và tăng trưởng toàn cầu.
Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đầu tư công trong các chương trình phát triển quốc gia, cũng như vai trò sống còn của quá trình hoạch định chính sách một cách dân chủ phổ quát để xác định tầm nhìn phát triển quốc gia nhất quán với chiến lược phát triển quốc gia.
Các chuyên gia kêu gọi UNCTAD hỗ trợ thế giới đang phát triển thúc đẩy các mô hình đối tác mới được xác định này để mở ra những cơ hội đầu tư mới từ nhà nước và giới kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng như cơ sở hạ tầng, hạn chế các ảnh hưởng và thích nghi với biến đổi khí hậu, thúc đẩy giáo dục, nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp, tăng cường đầu tư Nam-Nam.
Do mức độ đầu tư thấp ở hầu hết các nước đang phát triển, cần tăng đầu tư công không chỉ nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết mà còn thúc đẩy tăng đầu tư từ giới kinh doanh cả trong và ngoài nước vốn bị hạn chế do cơ sở hạ tầng yếu kém, chuyển giao dịch vụ không hiệu quả và thiếu lao động trình độ cao.
Nguồn: Vneconomy