Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Đòn cân não nguy hiểm

Kinh tế thế giới đã trải qua một ngày đầu tuần căng thẳng với không khí chiến tranh cận kề trên bán đảo Triều Tiên, khi quân đội Hàn Quốc quyết định tập trận bắn đạn thật trên đảo YeonPyeung, cách đường giới tuyến NLL trên biển Hoàng Hải với CHDCND Triều Tiên chỉ hơn chục km.

Việc Hàn Quốc quyết định tiến hành tập trận bắn đạn thật trên hòn đảo từng bị CHDCND Triều Tiên pháo kích hôm 23/11, đã làm dấy lên lo ngại sẽ xảy ra thêm những đụng độ mới giữa quân đội hai miền. Mặc dù cuộc tập trận chỉ diễn ra từ 14h30 cho tới 16h cùng ngày, nhưng những tác động của nó đối với tâm lý người dân thế giới quả rất lớn.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã ra lệnh cho công chức sẵn sàng trong tư thế của tình trạng khẩn cấp. Từ 9 giờ sáng ngày 20/12, một bầu không khí lo lắng lan tỏa trên các khu vực miền Bắc và Trung đất nước sau khi Hàn Quốc công bố quyết định vẫn tiến hành tập trận bắn đạn thật bất chấp sự đe dọa của CHDCND Triều Tiên.

Ngoài điểm nóng trực diện là 5 hòn đảo giáp giới tuyến trên vùng biển Hoàng Hải, trong đó có YeonPyeong, thủ đô Seoul, sân bay quốc tế Incheon là những mục tiêu được cho là bị đe dọa cao nhất. Một quan chức quân sự cấp cao giấu tên nói rằng Hàn Quốc đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất để đối phó với bất cứ hành động khiêu khích nào có thể và đang giám sát chặt chẽ động thái của quân đội Triều Tiên.

Các kênh truyền hình YTN, KBS, MBC liên tục phát các bản tin đặc biệt với các hình ảnh các dàn hỏa tiễn nhả đạn, tàu chiến di chuyển, binh sĩ xung phong. Tin tức nói rằng, quân đội đã triển khai tàu khu trục thế hệ Aegis mang tên "Sejong đại đế," trọng tải 6.700 tấn, trang bị tên lửa đất đối không và một tàu chiến khác với trọng tải 4.500 tấn tới Hoàng Hải, tăng cường thêm các vị trí pháo K-9 trên đảo YeonPyeong; đồng thời đặt các máy bay chiến đầu F-15K trong tình trạng sẵn sàng tại căn cứ ở thành phố Daegu.

Trung Quốc và Nga đã một lần nữa lên tiếng kêu gọi hai miền Triều Tiên kiềm chế và tránh các hành vi kích động xung đột. Phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nhấn mạnh: "Trung Quốc luôn kiên định lập trường hòa bình và ổn định phải được duy trì trên bán đảo Triều Tiên. Đây là mục tiêu mà từ trước tới nay chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình để đạt được."

Khi được hỏi về cuộc tập trận của Hàn Quốc, ông Thôi Thiên Khải nhấn mạnh: "Không quốc gia nào có quyền xúi giục hay kích động xung đột hoặc chiến tranh, cũng như không ai có quyền gây đổ máu giữa những người dân của hai miền Triều Tiên". Ông cho rằng, đối thoại - thỏa hiệp là biện pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, phía Nga chỉ trích cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc đã "thêm dầu" vào "ngọn lửa" căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Bán đảo Triều Tiên đang ở bên bờ vực xung đột vũ trang và do đó tất cả các bên cần kiềm chế tối đa, không cho phép các hành động có thể gây thêm căng thẳng". Nguồn tin này cho rằng cuộc tập trận của Hàn Quốc đã đi ngược lại với tiêu chí nêu trên, đặc biệt là khi Seoul sử dụng đạn thật.

Chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần trong phiên giao dịch ngày 20/12. Riêng thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã có phiên giao dịch sụt giảm do tâm lý lo lắng của các nhà đầu tư. Chỉ số chứng khoán Kospi tính chung toàn phiên chỉ giảm 6,02 điểm, xuống còn 2.020,28 điểm song trong toàn phiên giao dịch có thời điểm KOSPI đã giảm tới gần 30 điểm, xuống 2.009,39 điểm.

Tỷ giá trao đổi giữa won và USD cũng có thời điểm tăng vọt lên 1171 won/1USD so với giá kết thúc của phiên giao dịch cuối tuần trước là 1154 won/1 USD. Bộ Tài chính đã ra thông cáo khẳng định đang theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và có sự can thiệp kịp thời để ổn định thị trường trước những rủi ro địa chính trị do cuộc tập trận bắn đạn thật gây nên".

Giá vàng giao tháng 2 trên sàn COMEX tại New York tăng 6,90 USD/oz lên 1.386,10 USD/oz. Mức cao nhất trong ngày của giá vàng là 1.388,90 USD/oz và mức giá thấp nhất là 1.376,60 USD/oz. Theo bảng thanh toán trực tuyến Kitco, giá vàng giao ngay tăng hơn 9 USD/oz. Trong khi, chỉ số đồng USD tăng 0,31% lên 80,62 USD, đồng Euro trượt 0,49%.

Theo đài RFI, năm 2011 và 2012 có thể coi là thời gian thử thách gay go nhất đối với số phận đồng Euro nói riêng và tương lai của Liên minh châu Âu (EU) nói chung, vì Pháp và Đức, hai đầu tàu kinh tế và chính trị của khối, bước vào các năm chuẩn bị tranh cử các chức vụ quan trọng nhất là tổng thống và quốc hội.

Hiện nay, nhiều giới lo ngại là Bồ Đào Nha, Bỉ và Tây Ban Nha có thể đi theo "vết xe đổ" khủng hoảng như Hy Lạp, Ireland vào thời gian tới, vì các nước này đang ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách rất lớn, kinh tế suy thoái và nạn thất nghiệp cao. Trong đó đáng lo ngại nhất là Tây Ban Nha, một nước lớn và khá đông dân trong Khu vực đồng Euro (Eurozone).

Chính vì thế, các nước thành viên và cơ quan có trách nhiệm của EU đang tranh luận gay gắt về những giải pháp khả thi để giải quyết các trường hợp có thể xẩy ra và cũng để ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Lúc này chính là thời gian các nước thành viên EU, đặc biệt là hai đầu tàu Pháp-Đức, cần phải điều chỉnh, sửa chữa các khuyết điểm, khuyết tật của đồng euro và cơ cấu của EU.

Nói cách khác, các thành viên của EU, đặc biệt là các nước trong Eurozone, đang phải tiến hành song song hai lĩnh vực chính, đó là trước mắt tỉnh táo, vững vàng và rộng lượng giúp một số nước thành viên đang gặp khó khăn về tài chính để chính quyền các nước này lấy lại niềm tin với người dân, qua đó giúp kinh tế dần khôi phục trở lại và đồng Euro cũng được tin cậy và xã hội được ổn định.

Bên cạnh đó, các giới giữ trọng trách của EU cũng phải tìm ra được những mô thức mới trong việc tổ chức, các quyết sách nhằm ngăn ngừa hữu hiệu việc tái diễn những trường hợp khủng hoảng. Nghĩa là phải tiến từng bước tới có chung một chính sách về kinh tế, ngân sách, thuế khóa giữa các nước trong Eurozone.

Cũng liên quan tới châu Âu, giới phân tích và các nhà đầu tư cho biết, Pháp có nguy cơ mất mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA, sau khi một loạt quốc gia Eurozone bị hạ bậc tín nhiệm và đưa vào diện xem xét hạ bậc do khủng hoảng nợ công châu Âu. Hiện Pháp là nước nắm giữ nhiều trái phiếu của các quốc gia Eurozone nhất.

Ông Toby Nangle, người giám sát 46 triệu USD tài sản tại Baring Asset Management, London nhận định: “Từng quốc gia có thể lần lượt bị hạ bậc trong năm tới. Nếu Pháp bị mất mức tín nhiệm AAA, đây là một việc hết sức nghiêm trọng. Theo tôi, khả năng tụt bậc tín nhiệm sẽ không được phản ánh trên thị trường”.

Tuần trước, 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý sửa đổi các hiệp ước chung nhằm thành lập Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) vào năm 2013 nhằm ứng phó với khủng hoảng, thay thế Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 750 tỷ EUR được tạo ra vào tháng 05/2010.

Tuy nhiên, sau khi Hy Lạp và Ireland nhận được tiền giải cứu từ EFSF, lợi tức trái phiếu Chính phủ của các quốc gia khu vực vẫn tiếp tục leo thang. Ralf Ahrens, người quản lý khoảng 20 tỷ USD tài sản tại Frankfurt Trust cho biết: “Nếu các khó khăn của Eurozone không được giải quyết nhanh chóng, chi phí tái cấp vốn sẽ trở nên đắt đỏ hơn và các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ hạ bậc đánh giá đối với các quốc gia này.”

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã nhận thấy những tín hiệu này trên thị trường và Pháp đang đứng trước nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm rất cao”. Ông Padhraic Garvey, người đứng đầu bộ phận chiến lược nợ của các thị trường phát triển tại ING Bank NV, Amsterdam cho rằng Pháp rất dễ tụt bậc tín nhiệm nếu nước này không thực hiện các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách mạnh tay.

Theo ông Markus Ernst, chiến lược gia tín dụng tại UniCredit SpA, Munich, các ngân hàng Pháp là tổ chức nắm giữ nợ của các quốc gia Eurozone nhiều nhất. Điều này có thể dẫn đến các rủi ro hệ thống.

Trong khi đó, một số chuyên gia phân tích châu Âu cho rằng, nhà đầu tư sẽ không ngần ngại đổ tiền vào sàn chứng khoán Paris trong năm 2011. Lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng kinh tế lạc quan có thể giúp thị trường chứng khoán Pháp khởi sắc vào năm tới và xua tan mối lo ngại về khủng hoảng nợ châu Âu.

Theo các chuyên gia phân tích, thị trường chứng khoán Pháp có thể duy trì xu hướng tích cực vào năm tới và chỉ số CAC 40 có thể chạm mốc 4,000 điểm. Cuối tuần trước, chỉ số CAC 40 đóng cửa mốc 3,867.35 điểm.

Thời gian qua, nhà đầu tư mang tâm lý căng thẳng và đứng bên ngoài thị trường do lo sợ rằng khủng hoảng nợ châu Âu có thể vượt quá tầm kiểm soát sau khi Ireland theo chân Hy Lạp nhận gói cứu trợ vào tháng trước. Tuy nhiên, số liệu kinh tế Mỹ khởi sắc và triển vọng tươi sáng của nền kinh tế khu vực đã giúp thị trường chứng khoán Pháp lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư.

Ông Xavier de Villepion, chuyên gia phân tích của Global Equities nhận định: “Nhà đầu tư đã vượt qua nỗi lo sợ và sự lưỡng lự trong các tuần gần đây, và chờ đợi tin tốt lành để đưa ra quyết định đầu tư”. Ông dự báo chỉ số CAC 40 sẽ chạm mức 4,000 điểm vào đầu năm 2011 và 4,300 điểm vào cuối năm.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM