Đồng Euro vẫn đáng tin cậy cho dù khủng hoảng nợ đã làm dấy lên những lo ngại về tương lai đồng tiền này, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet, nhận định.
Theo ông Trichet, "đồng Euro không bị nguy hiểm và là một đồng tiền đáng tin cậy trong 12 năm qua cũng như trong những năm tới".
Ông hối thúc chính phủ các nước châu Âu thực hiện một "bước nhảy định lượng" hướng tới cải cách và chỉnh đốn ngân sách để tránh chìm sâu hơn vào khủng hoảng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu, Liên minh châu Âu và 16 thành viên Khu vực đồng tiền chung Euro đang vật lộn để chống lại cuộc khủng hoảng do "núi" nợ quốc gia ở một số nước trong khu vực gây ra.
Tuy nhiên, việc chính phủ các nước cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để giảm mức thâm hụt ngân sách, đã làm dấy lên những lo ngại rằng, tình trạng "thắt lưng buộc bụng" sẽ làm chậm tăng trưởng và khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn.
Hôm qua, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã đề xuất thành lập một thị trường giao dịch trái phiếu chung cho toàn khu vực trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng Euro.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Luxembourg Jean-Claude Juncker và Bộ trưởng Bộ Tài chính Italy Giulio Tremonti đã kêu gọi nhanh chóng cho ra đời loại trái phiếu chủ quyền châu Âu.
Mục đích của việc phát hành loại trái phiếu mới này là nhằm phát đi thông điệp tới các thị trường cũng như người dân châu Âu về vai trò không thể thay thế của đồng Euro.
Theo hai ông, kế hoạch này sẽ dẫn tới việc thành lập một thị trường toàn cầu cho các trái phiếu của châu Âu, điều theo đó sẽ giúp bảo vệ các nước khỏi làn sóng đầu cơ và thu hút thêm luồng vốn chảy vào châu lục này.
Hai ông tin rằng đề xuất này sẽ là một sự ứng phó mạnh mẽ, đáng tin cậy và kịp thời đối với cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.
Tuy nhiên, Đức đã bác bỏ khả năng trái phiếu chủ quyền châu Âu sẽ sớm ra đời. Điều này cho thấy sự chia rẽ tại khu vực đồng Euro về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng đang đe dọa đồng tiền này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, việc cho ra đời loại trái phiếu chung như vậy tại khu vực đồng Euro là không khả thi nếu không có những thay đổi cơ bản trong khung pháp lý của châu Âu.
Theo ông, điều có ý nghĩa sống còn đó là chính phủ các nước có các sáng kiến để bảo đảm các quy định về tài chính và nếu không họ sẽ phải chịu sự trừng phạt.
Cũng liên quan tới châu Âu, hôm qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm nợ Moody's đã hạ 2 bậc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu nội tệ và ngoại tệ của Hungary từ Baa1 xuống Baa3, cấp độ đầu tư thấp nhất với triển vọng tiêu cực.
Nguyên nhân chính theo Moody’s là do mối lo ngại về sự bình ổn tài chính trung và dài hạn của nước này. Bên cạnh đó, các chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách thông qua các biện pháp tạm thời có thể không bền vững.
Trước đó, Standard & Poor’s và Fitch Ratings cũng hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Hungary xuống cấp độ đầu tư thấp nhất.
Hôm 29/11, Ngân hàng Trung ương Hungary đã tuyên bố nâng lãi suất cơ bản của nước này từ 5,25% lên thêm 25 điểm, đạt mức 5,50%. Đây là lần thứ nhất Ngân hàng Trung ương Hungary nâng lãi suất cơ bản kể từ hai năm qua.
Ủy ban Tiền tệ Ngân hàng trung ương Hungary cho biết, rủi ro lạm phát không ngừng tăng cao là lý do cơ quan đưa ra quyết định như vậy. Nhằm giảm rủi ro lạm phát, Ngân hàng trung ương trong mấy tháng tiếp theo có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất cơ bản.
Tuy nhiên, Bộ Kinh tế Hungary bày tỏ, Chính phủ nước này không tán thành quyết định đối với việc tăng lãi suất của Ngân hàng. Bộ Kinh tế cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hungary chỉ đạt 1%.
Ủy ban ngân sách Hungary trước đó cho biết, thuế đặc biệt công ty sẽ được bù đắp khoản lỗ vốn thu nhập từ việc cắt giảm thuế thu nhập trong năm nay và năm tới, tuy nhiên, cần phải áp dụng nhiều biện pháp hơn nữa để duy trì mức ổn định tài chính trung kỳ.
Báo cáo dự báo mới nhất do ngân hàng Hungary công bố cho biết, tăng trưởng GDP năm nay, năm tới và năm sau đó lần lượt là 1,1%; 3,1%; 4%, tỷ lệ lạm phát lần lượt này 4,9%; 4%; 3,3%.
Hôm qua, vòng đàm phán thứ 4 về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khai mạc tại Auckland, với sự tham gia của các nhà ngoại giao đến từ New Zealand, Mỹ, Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Peru, Singapore và Việt Nam.
Theo hãng tin NZPA, nhiều tổ chức công đoàn ở New Zealand đã phản đối đề xuất TPP, do cho rằng hiệp định này sẽ tước bỏ những tài sản chiến lược của New Zealand và mở cửa cho đầu tư nước ngoài tràn vào.
Hiện có lo ngại cho rằng rất nhiều chính sách của New Zealand có thể sẽ bị các tập đoàn quốc tế hủy hoại dưới danh nghĩa TPP khi những nhóm kinh doanh của Mỹ thúc đẩy đưa vào hiệp định một tiến trình khởi kiện nhà nước.
Điều này có nghĩa là các tập đoàn như công ty thuốc lá Phillip Morris có thể kiện Chính phủ New Zealand về các chính sách cấm hút thuốc nếu họ tin rằng điều đó ảnh hưởng đến các quyền đầu tư của mình.
Vòng đàm phán đầu tiên trong khuôn khổ TPP đã diễn ra đầu năm 2010 tại Melbourne của Australia, với mục tiêu hướng tới việc mở rộng thoả thuận thương mại nhóm P4 trước đó, bao gồm New Zealand, Brunei, Chile và Singapore cùng với Mỹ, Australia, Peru và Việt Nam.
Hai vòng đàm phán tiếp theo diễn ra ở Mỹ trong tháng 6 và Brunei trong tháng 10. Tại Hội nghị APEC ở Nhật Bản vừa qua, các đối tác TPP đã nhất trí để Malaysia tham gia đàm phán.
Theo kế hoạch, sẽ có bốn vòng đàm phán về TPP trong một năm và thỏa thuận của 9 nước nói trên, sau đó có thể sẽ được mở rộng ra với những quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận các nguyên tắc chung.
Liên quan tới kinh tế Trung Quốc, Cố vấn Ngân hàng Trung Quốc (PBOC) Li Daokui cho biết Trung Quốc có thể nâng tỷ lệ dự trữ đối với các ngân hàng trong nước vào đầu năm 2011 để hạn chế dòng vốn và kiểm soát lãi suất cho vay.
Theo ông Li, lãi suất sẽ tăng dần dần vào năm 2011 và các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ nghiên cứu các điều kiện kinh tế toàn cầu. Nhận định của ông được đưa ra sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ thận trọng.
Ông Li cũng thúc giục Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp tiết kiệm vào thị trường vốn để tránh các rủi ro tài chính và phát triển thị trường này.
Liên quan tới kinh tế Mỹ, Tổng thống Barack Obama hôm qua cho hay đã đạt được một thỏa thuận với đảng Cộng hòa về cách thức kéo dài chương trình cắt giảm thuế.
Theo ông, các điều khoản mà hai bên đạt được là cắt giảm 2% thuế thu nhập vào năm 2011, kéo dài chương trình trợ cấp thất nghiệp thêm 13 tháng, và mở rộng chương trình cắt giảm thuế cho tất cả người dân Mỹ trong vòng 2 năm.
Nguồn: Vneconomy