Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Hà Nội cảm nhận dư chấn

Tối 24/3, một trận động đất 7 độ richter xảy ra tại biên giới Thái Lan và Myamar đã gây dư chấn tại một số vùng của Hà Nội. Mặc dù dư chấn chỉ gây rung lắc nhẹ ở những toà nhà cao tầng, nhưng cũng gây ra ít nhiều sự hoảng hốt trong dân chúng.

Theo các hãng tin quốc tế, trận động đất trên đã làm ít nhất 10 người đã thiệt mạng trong các vụ lở đất và sập nhà ở các thị trấn Tachileik và Tarpin, bang Shan miền đông bắc Myanmar.

Cơ quan Khí tượng Thủy văn Myanmar cho hay, trận động đất đã ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở nước này và người ta có thể cảm nhận rung chấn mạnh ở thị trấn biên giới Tachilek và rung lắc nhẹ ở Taunggyi, Bago, Shwegyin, Naypido, Mandalay và Toungoo. Nhà chức trách Tachilek đã khuyến cáo người dân không nên ở trong nhà.

Ở Yangun, chỉ những người bên trong các tòa nhà cao tầng mới cảm nhận được sự rung lắc nhẹ và một số người đã ra khỏi các tòa nhà chung cư để đảm bảo an toàn.

Động đất cũng ảnh hưởng đến những khu vực rộng lớn ở Thái Lan, Trung Quốc và cả Việt Nam. Ít nhất 1 người đã thiệt mạng ở thành phố Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan, do sập tường nhà. Tại Bangkok, nơi cách tâm chấn 772km, người dân cũng có thể cảm thận được trận động đất khi các tòa nhà rung lắc.

Ở Việt Nam, theo đánh giá ban đầu của Viện Vật lý địa cầu, động đất này đã gây nên chấn động cấp 5 (theo thang MSK-64) tại Hà Nội, và gây chấn động cấp 6 ở một số nơi thuộc khu vực tây bắc Việt Nam. Nhiều người ở khu vực cảm nhận thấy trận động đất này, đặc biệt là ở các tòa nhà cao tầng.

Hôm qua (24/3), Australia và Singapore đã gia nhập vào nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cấp nhập khẩu thực phẩm từ các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, do lo ngại nhiễm xạ.

Trước đó, Mỹ và Hồng Kông cũng đã có hành động tương tự. Các sản phẩm bị cấm nhập khẩu bao gồm sữa, chế phẩm từ sữa, rau quả, hải sản và thịt. Cả Australia và Singapore đều cấm nhập khẩu các sản phẩm này từ 4 tỉnh Fukushima, Ibaraki, Gunma và Tochigi, riêng Hồng Kông có thêm tỉnh Chiba trong danh sách.

Trong khi đó, các cơ quan của Liên hợp quốc bao gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương Nông (FAO) đã đánh giá cao Nhật Bản trong công tác giám sát thực phẩm, đo lường phóng xạ trong thực phẩm và công bố kết quả rộng rãi.

Cũng liên quan tới Nhật Bản, giới phân tích dự báo, kim ngạch xuất khẩu của nước này sẽ giảm mạnh trong những tháng tới, khi các công ty ngừng sản xuất sau thảm họa động đất kinh hoàng mới đây và giờ đang phải đương đầu với những khó khăn sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Gần hai tuần sau thảm họa, một số tập đoàn như Panasonic, Fujitsu và NEC... của Nhật Bản đang khởi động lại dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, một số công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động cung ứng phụ tùng bị ảnh hưởng. Sony tạm ngừng hoạt động 5 nhà máy, trong lúc Toyota và Honda đều cho biết sẽ không tiếp tục sản xuất xe hơi cho đến ít nhất là tuần sau.

Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành hoạt động của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, cảnh báo không thể cung ứng đủ điện, bởi 13 nhà máy điện vẫn chưa hoạt động và vấn đề thiếu điện ở miền Đông Nhật Bản có thể còn kéo dài nhiều tháng.

Trước khi xảy ra động đất và sóng thần, theo các dữ liệu kinh tế công bố ngày 23/3, xuất khẩu của nước này trong tháng 2 đã tăng 9% so với năm ngoái, đạt gần 5.589 tỷ Yên (tương đương 70 tỷ USD). Đây là tháng thứ 15 liên tiếp xuất khẩu của Nhật Bản tăng, chủ yếu là ôtô và thép.

Bộ Tài chính Nhật Bản cũng cho biết, cán cân thương mại của nước này trong tháng 2 vừa qua đã quay trở lại thặng dư, phản ánh sự hồi phục kinh tế toàn cầu trước khi xảy ra thảm họa kép ở Nhật Bản. Cụ thể, xuất siêu của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng 2,5% lên tới 654 tỷ Yên, chủ yếu nhờ xuất khẩu sang châu Á.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang thúc đẩy vai trò mới trong tiến trình giúp các nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu; theo đó tăng cường vị thế của quỹ như là thể chế tín dụng quốc tế quan trọng nhất cho vay bằng đồng USD, euro và các ngoại tệ mạnh khác trong thời gian khủng hoảng.

IMF cũng đặc biệt chia sẻ với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về vai trò thể chế tín dụng cuối cùng mà các nước cần tìm đến trong các tình huống khẩn cấp.

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G-20) đã ủng hộ tích cực vai trò mới này của IMF. Trong vai trò mới này, IMF sẽ cung cấp các trao đổi ngoại hối ngắn hạn cho ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển để giúp xử lý các cơn sốc tài chính khiến các nước này thiếu ngoại tệ mạnh.

Biện pháp này sẽ làm giảm sức ép chính trị khiến các ngân hàng trung ương phải trao đổi tiền tệ với nhiều nước; đồng thời thuyết phục người đi vay không cần tích lũy quá nhiều ngoại tệ để đảm bảo an toàn tiền tệ trong thời gian khủng hoảng.

Các nhà lãnh đạo của nhóm 4 nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRIC: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) sẽ họp tại Trung Quốc vào giữa tháng 4 để thảo luận về cải cách kinh tế sau khủng hoảng tài chính, và đánh dấu sự gia nhập của Nam Phi.

Theo nghiên cứu mới nhất từ Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế của Trung Quốc, các nước BRIC dự kiến sẽ đóng góp tới 50% sự tăng trưởng của kinh tế thế giới vào năm 2030. BRIC sẽ đi đầu trong việc phục hồi kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh.

Sản lượng kết hợp của họ sẽ tăng từ 17% GDP toàn cầu trong năm 2010, lên 47% GDP toàn cầu vào năm 2030. Trung tâm trên cũng dự báo, đô thị hóa sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế mới nổi trong tương lai.

Liên quan tới khu vực châu Âu, hôm qua (24/3), tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s đã hạ ít nhất một bậc tín nhiệm tiền gửi và nợ ưu tiên trả trước của 30 ngân hàng Tây Ban Nha.

Các nguyên nhân chính của động thái trên theo Moody’s là áp lực tài chính ngày càng cao đối với nợ công của Tây Ban Nha và nhiều ngân hàng yếu kém, vai trò của nhiều ngân hàng địa phương và ngân hàng nhỏ trong hệ thống bị giảm sút do quá trình cải cách, cũng như khả năng hỗ trợ các ngân hàng khu vực và ngân hàng nhỏ trên khắp châu Âu ngày càng suy yếu.

Theo Moody’s, trong số 30 ngân hàng bị hạ bậc tín nhiệm, 15 ngân hàng bị cắt giảm 2 bậc, 5 ngân hàng bị hạ từ 3-4 bậc. Triển vọng đối với xếp hạng tiền gửi và nợ ưu tiên trả trước của hầu hết các ngân hàng vẫn còn đang được xem xét và phụ thuộc vào quá trình cải tổ hiện nay.

Nguồn: vneconomy

ĐỌC THÊM