Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Hậu quả khôn lường

Chính sách nới lỏng tiền tệ chưa có tiền lệ mà các nước như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang thực hiện, sẽ gây ra "hậu quả khôn lường" nếu tiếp tục duy trì trong một thời gian dài, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Masaaki Shirakawa cảnh báo.

Theo ông Shirakawa, việc các nước phát triển đua nhau nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tạo ra bong bóng ở các nền kinh tế đang nổi bởi hành động đó gây ra sự chuyển dịch dòng vốn.

Ông chỉ rõ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay ở các nền kinh tế đang nổi dường như đang bị tác động trước việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển lãi suất bởi nó khuyến khích tình trạng chảy vốn khỏi các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Ông Shirakawa nhấn mạnh chỉ thực hiện chính sách tiền tệ dễ dãi không thể giải quyết được từng vấn đề. Riêng với kinh tế Nhật Bản, theo Thống đốc BoJ, cải cách là nhân tố không thể thiếu bởi cải cách có thể giúp thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc cải tổ các doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả và làm hồi sinh nền kinh tế.

Không chỉ ông Shirakawa, giới phân tích quốc tế cũng đang tỏ ra lo lắng về dòng tiền mặt ồ ạt chảy vào các nền kinh tế đang phát triển như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, có thể làm gia tăng những bất đồng tiền tệ vốn đã rất căng thẳng hiện nay và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, Guillermo Ortiz cũng cho rằng, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tìm cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế để gia tăng thanh khoản, lãi suất tại các nước này vẫn ở mức thấp kỷ lục, thì lượng tiền nói trên sẽ đổ sang các nền kinh tế đang nổi có lãi suất cao hơn.

Viện Tài chính Quốc tế ước tính, khoảng 825 tỷ USD sẽ chảy vào các thị trường đang nổi trong năm nay, tăng 30% so với năm 2009. Rủi ro lớn nhất từ dòng tiền "nóng" này là nó có thể gây ra tình trạng bong bóng bất động sản và tăng giá tiền tệ, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu.

Theo người đứng đầu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Haruhiko Kuroda, sẽ rất khó kiểm soát nếu dòng tiền mặt tiếp tục đổ vào các thị trường này. Thêm vào đó, hầu hết dòng tiền này được dành cho đầu tư ngắn hạn hay cho vay ngân hàng. Vì vậy, nếu xảy ra biến động tài chính, dòng tiền "nóng" có thể đảo chiều bất cứ lúc nào và khi đó "bong bóng" sẽ vỡ.

Nhắm riêng vào cuộc chiến tiền tệ, Giám đốc điều hành quỹ Templeton Emerging Markets Group, ông Mark Mobius cho rằng, căng thẳng tăng lên trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh tiền tệ quốc tế dâng cao đã khiến người ta nói đến biện pháp kiểm soát vốn, nhưng điều này có thể khiến thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng.

Trong khi, theo báo SGTT, các nền kinh tế mới nổi châu Á đã mắc kẹt trong cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi Trung Quốc đang khống chế chặt tỷ giá hối đoái của mình, đồng tiền ở các nước châu Á khác so với đồng đôla đã tăng giá nhanh hơn đồng nhân dân tệ, khiến hàng xuất khẩu của họ càng mất thế cạnh tranh so với hàng Trung Quốc.

Áp lực đè nặng lên vai các nhà hoạch định chính sách châu Á bây giờ là khống chế mức tăng giá tiền tệ của nước mình nhưng đồng thời vẫn quản lý được các tác động lạm phát đang tăng cũng như giá trị bất động sản và chứng khoán.

Ngân hàng DBS cho biết tỷ giá các loại tiền tệ châu Á từ tháng 1.2010 trung bình đã tăng 6% so với đồng đôla. Tỷ giá đồng ringgit Malaysia và đồng baht Thái tăng tới 9%. Trong khi đó, Nhân dân tệ chỉ tăng có 2%.

Hôm qua, giao dịch giữa đồng USD và đồng Yên Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm. Đồng USD giảm giữa lúc có những dự đoán FED sẽ bơm thêm tiền nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và cuộc họp của nhóm 7 nước phát triển (G7) đã không giúp giảm bớt những căng thẳng tiền tệ toàn cầu.

Trong phiên giao dịch buổi chiều, đồng USD giảm xuống 82,03 Yên, so với 82,06 Yên trong phiên giao dịch cuối tuần trước tại New York, trong khi đồng Euro giao dịch ở mức 1,3973 USD, so với 1,3926 USD. Đồng bạc xanh có lúc giảm xuống 81,37 yen - mức thấp nhất kể từ tháng 4/1995.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng HSBC, mặc dù xuất khẩu đang tăng trưởng chậm lại, nhưng châu Á đang duy trì và cố gắng nâng xuất khẩu tăng trưởng lên mức tối đa. Lãi suất thấp, nguồn vốn dồi dào đang hỗ trợ cho tăng trưởng của khu vực.

Dù số liệu gần đây có phần không mấy thuyết phục, nhưng chắc chắn rằng kinh tế vẫn đang tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế tại châu Á đơn giản chuyển sang giai đoạn bình ổn từ tốc độ tăng trưởng đáng lo vào đầu năm 2010.

Liên quan tới Trung Quốc, theo hãng tin Reuters, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa bất ngờ yêu cầu 6 ngân hàng thương mại lớn tạm thời tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm kiểm soát thanh khoản và duy trì tính linh hoạt khi nền kinh tế dần ổn định.

Các nhà băng này gồm ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC), ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (ICB), ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Bank of China, China Merchants Bank và China Minsheng Bank.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) yêu cầu 6 ngân hàng này tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5% lên 17,5%. Tuy nhiên, động thái trên mang tính chất tạm thời và chỉ kéo dài trong 2 tháng với mục đích rút tiền mặt ra khỏi nền kinh tế nhưng tránh thắt chặt chính sách quá mạnh. Sau đó, tỷ lệ này sẽ trở lại các mức bình thường như hiện nay.

Các công ty Trung Quốc đã đánh dấu sự trở lại thị trường dầu khí Mỹ lần đầu tiên sau vụ thất bại trong việc mua công ty Unocal năm 2005. Hôm qua, Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cho biết đã mua cổ phần trị giá 1,1 tỷ USD từ công ty khí đốt Mỹ Chesapeake Energy. Theo đó, CNOOC sẽ cấp 75% vốn cho dự án khai thác khí đốt tại phía Nam bang Texas của Mỹ.

Theo báo SGGP, hợp đồng mới của CNOOC dự kiến sẽ là tín hiệu tốt cho các công ty dầu khí khác của Trung Quốc xâm nhập lĩnh vực khai thác dầu khí tại Mỹ. Từ đầu năm tới nay, tổng giá trị hợp đồng khai thác của các công ty dầu khí Trung Quốc với các đối tác nước ngoài đạt 18,6 tỷ USD, vượt qua cả năm 2009 là 15,8 tỷ USD.

Trong khi đó, tờ “South China Morning Post” của Hồng Kông ngày 11/10 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama có kế hoạch dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 20 năm qua với Trung Quốc để cho phép xuất khẩu máy bay vận tải C-130 sang nước này giúp chống nạn tràn dầu.

Nguồn: Stockbiz

ĐỌC THÊM