Hôm qua, Trung Quốc đã tiến thêm một bước trong kế hoạch quốc tế hóa đồng bản tệ, mở rộng phạm vi sử dụng của đồng tiền này trong thương mại và tài chính toàn cầu, bằng việc cho phép Nhân dân tệ giao dịch hối đoái với đồng Rúp của Nga.
Động thái trên được coi là sẽ giúp "tạo thuận tiện cho hoạt động thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga, cũng như giúp phát triển hoạt động thanh toán thương mại bằng đồng Nhân dân tệ", tuyên bố trên trang web của Ủy ban giao dịch ngoại hối Trung Quốc (thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) cho biết.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ tính toán tỷ giá tham chiếu hàng ngày, dựa trên mức trung bình từ nhóm ngân hàng thương mại được chỉ định, với vai trò như các nhà tạo lập thị trường.
"Tốc độ quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ đang tăng dần lên. Việc cho phép giao dịch trực tiếp giữa đồng Nhân dân tệ và đồng Rúp Nga sẽ giúp cho hoạt động thương mại giữa hai nước thêm sôi động hơn", Zhao Qingming, chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, nhận định.
Trung Quốc đang cho phép sử dụng đồng Nhân dân tệ rộng rãi hơn trong các hoạt động giao dịch xuyên quốc gia, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào USD, sau khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo hồi tháng 3 bày tỏ lo lắng về việc nước này đang nắm giữ quá nhiều tài sản bằng đồng bạc xanh.
Việc thu mua các tài sản bằng USD nhằm kiềm chế sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ đã đẩy dự trữ ngoại hối quý 3 của Trung Quốc thêm 194 tỷ USD, lên mức kỷ lục 2.650 tỷ USD. Với 70% trong số này đều bằng USD, nên việc Trung Quốc muốn đa dạng hóa nguồn tiền, nhất là trong bối cảnh đồng USD suy yếu, là điều dễ hiểu.
Nhà kinh tế Qu Hongbin của ngân hàng HSBC từng cho rằng, Nhân dân tệ sẽ trở thành 1 trong 3 đồng tiền mạnh của thế giới vào năm 2012, với giao dịch thương mại lên tới 2.000 tỷ mỗi năm. Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ sẽ trở thành một lưu ý hàng đầu trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo Bắc Kinh, ông này nhấn mạnh.
Hồi tháng 6 năm nay, Trung Quốc đã hủy bỏ chế độ neo tỷ giá đồng Nhân dân tệ vào USD, đồng thời kéo dài kế hoạch khuyến khích doanh nghiệp nội địa sử dụng Nhân dân tệ để giao dịch thương mại xuyên biên giới.
Cũng trong tháng 6, PBOC đã thúc đẩy mở rộng chương trình thương mại sử dụng Nhân dân tệ trong giao dịch mua bán xuyên biên giới ở 20 tỉnh thành nội địa với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư dùng Nhân dân tệ thay cho USD.
Tiếp đó, trong tháng 7, Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ rào cản đối với dòng lưu chuyển Nhân dân tệ tại Hồng Kông, cho phép các tổ chức tài chính tại đặc khu hành chính tự do định giá Nhân dân tệ và tạo ra sản phẩm đầu tư, để thu hút các doanh nghiệp quốc tế mở tài khoản bằng Nhân dân tệ để giao dịch thương mại với Trung Quốc.
Đến tháng 8, Trung Quốc đồng ý cho một số ngân hàng và tổ chức tài chính lớn của châu Á đầu tư vào thị trường trái phiếu của nước này. Cũng trong tháng này, hôm 19/8, Trung Quốc đã cho phép đồng Ringgit của Malaysia được chính thức giao dịch chuyển đổi với đồng Nhân dân tệ.
Gần đây nhất, trong tháng 9, theo các báo Financial Times và Straits Times, Singapore đã ký thỏa thuận trao đổi tiền tệ với Trung Quốc trị giá 22,68 tỷ USD (152 tỷ Nhân dân tệ), để rót cho các tổ chức tài chính, tín dụng nhỏ ở Singapore vay trong giao dịch và đầu tư với Trung Quốc. Ngân hàng Trung ương Malaysia (MCB) cũng đã mua trái phiếu bằng Nhân dân tệ để làm tài sản dự trữ.
Trên thực tế, theo tờ Le Monde của Pháp, hai năm qua Trung Quốc đã triển khai một chính sách ngoại giao tiếp thị cho đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc đã ký kết hàng loạt thỏa thuận giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ với Hồng Kông, Argentina, Belarus, Iceland, Indonesia, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc nhằm tạo thuận tiện cho việc dùng Nhân dân tệ trong giao dịch thương mại.
Tuy nhiên, trước những nỗ lực như vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn cho rằng, đồng Nhân dân tệ chưa đáp ứng tiêu chí “có thể sử dụng rộng rãi” để được thêm vào rổ tiền tệ tính giá trị Quyền rút vốn đặc biệt. Tuần trước, IMF đã hạ tỷ lệ phân bổ của USD và Yên Nhật, đồng thời tăng tỷ lệ Euro trong rổ tiền tệ định giá SDR.
Theo quyết định trên, rổ các đồng tiền dự trữ thế giới vẫn bao gồm USD, Euro, Bảng Anh và Yên Nhật, song có sự thay đổi về tỷ lệ: đồng USD và đồng Yên giảm, trong khi đồng Euro và Bảng Anh tăng lên. Tuy nhiên, sau khi bị giảm tỷ lệ, đồng USD vẫn sẽ duy trì vị trí mạnh nhất (chiếm gần 42%), tiếp theo là Euro (37,5%), Bảng Anh (hơn 11%) và Yên Nhật (dưới 10%).
Theo định chế này, việc thêm Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ để tính giá trị Quyền rút vốn đặc biệt SDR cần được tiếp tục xem xét. Mặc dù Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa dịch vụ lớn thứ 3 thế giới trong vòng trung bình năm và đã tiến hành các bước để tăng cường việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế, song đồng tiền này vẫn chưa đáp ứng tiêu chí có thể được sử dụng rộng rãi.
Phát biểu trên tờ Moscow Voice, ông Alexandr Yakovlev, Trưởng ban phân tích của hãng RBC (Nga) cho rằng, “Trung Quốc là một nền kinh tế phát triển mạnh, nhưng vẫn tồn tại nhiều vấn đề như kinh tế phát triển nóng, mất cân bằng thương mại... Thực tế, trong giai đoạn đột phá một thập kỷ gần đây, kinh tế Trung Quốc chưa trải qua cuộc khủng hoảng lớn nào. Chẳng sớm thì muộn, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng”.
Trong một diễn biến khác, Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) vừa giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 của nước này từ mức 4,4% xuống 4,2%. Theo KDI, việc điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng 2011 là dựa vào những thay đổi về tình hình kinh tế thế giới, bao gồm cả động thái siết chặt tiền tệ mới đây của Trung Quốc.
Chủ tịch KDI Hyun Oh-seok cho hay, việc hạ thấp dự báo tăng trưởng không có nghĩa là kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng chậm mà trái lại đang trên đà hồi phục nhanh và không gây ra tình trạng lạm phát. Chính vì thế, các chính sách trong tương lai cần phải tập trung vào thúc đẩy động lực tăng trưởng thông qua tái cơ cấu nhiều lĩnh vực.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng đầu tư lớn đều dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2011 thấp hơn ngưỡng 4,5%. Trong năm 2010 này, KDI dự kiến GDP của Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng khoảng 6,2% so với mức dự kiến 5,9% hồi tháng 5.
Liên quan tới thị trường vàng, Giám đốc điều hành Hội đồng Vàng thế giới Ajay Mitra đã lên tiếng phản bác thông tin cho rằng, thị trường vàng đang xuất hiện bong bóng. Theo ông này, không tồn tại bong bóng trên thị trường vàng chừng nào kim loại này còn được quan tâm. Nhà đầu tư chứng khoán nếu lo lắng về thị trường sẽ tìm đến vàng.
Từ đầu năm tới nay, giá vàng quốc tế đã tăng 24% và đang hướng tới năm thứ 10 tăng giá liên tiếp. Hôm 9/11, giá vàng quốc tế đã lập mức cao nhất mọi thời đại, 1.424,60 USD/ounce. Theo ông Ajay Mitra, từ tháng 1 đến hết tháng 9, nhu cầu vàng tại Ấn Độ đã tăng tới 79% lên 650,4 tấn.
Còn theo ông Michael Pento, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Euro Pacific Capital ở New York, “những ai đang bán vàng là hoàn toàn sai lầm. Sự tăng giá không ngừng của vàng sẽ chấm dứt khi lãi suất dương và còn lâu điều đó mới đến. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tin rằng, họ sẽ phải in thêm tiền để giữ lãi suất không tăng và cứu nền kinh tế”.
Nguồn: VnEconomy