Giá lương thực và dầu mỏ tăng cao sẽ tác động tới tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực, và có thể đẩy 42 triệu người lâm vào cảnh đói nghèo, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc bộ phận kinh tế vĩ mô và phát triển của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) cho hay.
Theo kết quả khảo sát về tình hình kinh tế xã hội năm 2011 của ESCAP, nếu giá lương thực tăng 27% và giá dầu mỏ tăng lên 105 USD/thùng, GDP của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị sụt giảm trung bình khoảng 0,47 điểm phần trăm.
Các nước khu vực sẽ bị tác động mạnh do sức ép lạm phát là Malaysia, Philippines và Thái Lan, với GDP của ba nước này sẽ giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm so với điều kiện giá cả không biến động mạnh.
Kinh tế Thái Lan năm nay có thể tăng trưởng 4,5%, so với mức tăng 7,8% năm ngoái. Trong trường hợp giá dầu mỏ tăng lên 115 USD/thùng, GDP của Thái Lan và các nước khác trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Trong phiên giao dịch ngày 9/5 trên thị trường châu Á, giá dầu đã tăng trở lại, sau khi sụt giảm mạnh hồi tuần trước. Chiều cùng ngày, tại sàn Singapore, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 6/2011 tăng 1,47 USD lên 98,65 USD/thùng; còn giá dầu Brent cùng kỳ hạn tăng 1,73 USD lên 110,86 USD/thùng.
Tiếp đó, chốt phiên New York, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 6 tăng 5,37 USD, tương đương 5,5%, lên 102,55 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu loại này lên tới 103,4 USD/thùng. Với mức tăng hôm qua, giá dầu hợp đồng giao sau đã trở lại vùng 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ ngày 4/5.
Victor Shum, nhà phân tích của công ty tư vấn Purvin and Gertz, có trụ sở tại Singapore, nhận định, giá dầu tăng trở lại một phần là do hoạt động mua vào mang tính kỹ thuật của một số nhà giao dịch, sau khi thấy giá dầu sụt quá nhanh và quá mạnh trong tuần trước.
Bên cạnh đó, thị trường "vàng đen" còn được hỗ trợ bởi thông tin tích cực từ thị trường việc làm của Mỹ. Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 4/2011, nước này đã tạo thêm được 244.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2009.
Theo nhà phân tích Shum, thị trường đang "hoan nghênh" những số liệu đó, vì vậy giá dầu đã phục hồi trở lại và sự "lao dốc" trong tuần trước chỉ là tạm thời.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar, Mohammed Saleh al-Sada, cho biết cuộc họp sắp tới của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ không đưa ra bất cứ thay đổi lớn nào, đồng thời khẳng định nguồn cung cũng như hoạt động sản xuất dầu thô đều đang ở tình trạng tốt.
Ông Saleh al-Sada nói: "Chúng tôi cho rằng các điều kiện cơ bản hiện nay đều rất tích cực và nguồn cung sẽ không bị thiếu hụt".
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Iraq, Hussain al-Shahristani, cho biết, nước này sẽ không giảm sản lượng xuống dưới 12 triệu thùng dầu/ngày. Thêm vào đó, Iraq cũng khẳng định không có chuyện thương lượng lại hợp đồng với các công ty dầu khí quốc tế để giảm mục tiêu sản lượng cá nhân.
Ông Shahristani cho biết thêm: "Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với năng lực sản xuất được công bố vào khoảng 12 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, việc sẽ sản xuất bao nhiêu thực sự phụ thuộc vào tình hình thị trường quốc tế và nhu cầu thị trường."
Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan Chase nâng dự báo giá dầu Brent từ 110 USD lên 120 USD/thùng, giá dầu giao ngay miền Tây Texas từ 99 USD lên 109,50 USD/thùng, do OPEC và các nhà sản xuất khác không đáp ứng được nhu cầu tăng và người tiêu dùng cần thời gian để đối phó với giá cả tăng cao.
Dự báo cho giá của năm 2012 tăng từ 114 USD lên 120 USD/thùng. JP Morgan dự báo nguồn cung thấp hơn nhu cầu 600.000 thùng/ngày trong quý 3, ngay cả khi OPEC tăng sản lượng thêm 1,2 triệu thùng/ngày trong những tháng tới.
Mức chênh lệch có thể thu hẹp xuống 300.000 thùng/ngày trong quý 4, nếu Saudi Arabia tăng sản lượng lên 9,5 triệu thùng/ngày, Angola lên 1,7 triệu thùng và Iraq lên 3 triệu thùng. Sản lượng từ 3 nước thành viên OPEC này trong tháng 3 lần lượt là 8,66 triệu, 1,56 triệu và 2,69 triệu thùng/ngày.
Giới phân tích nhận định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 4/2011, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 11/5 tới, có thể sẽ tương đương hoặc giảm so với mức tương ứng của tháng 3/2011, chủ yếu nhờ vào những chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ nước này.
Tuy nhiên, tờ China Securities hôm 9/5 nhận định rằng, tỷ lệ lạm phát của quốc gia Đông Bắc Á này sẽ vẫn duy trì ở mức trên 5%, khi mà giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp và đầu tư vào sản cố định không có xu hướng giảm.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong tháng 3/2011, CPI, thước đo chính đánh giá lạm phát của nước này, đã tăng 5,4% so với năm trước đó, chủ yếu là do giá thực phẩm cũng như tỷ lệ lạm phát nhập khẩu tăng cao, còn tỷ lệ lạm phát của Trung Quốc trong quý 1 năm nay ở mức 5%.
Zhu Jianfang, Giám đốc kinh tế của công ty chứng khoán CITIC (Trung Quốc) dự báo, CPI của Trung Quốc trong tháng 4 năm nay sẽ tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2010, trong khi chỉ số giá sản xuất (PPI), thước đo lạm phát ở mức bán buôn, sẽ tăng tương ứng 7,3%, tương tự như mức tăng trong tháng 3/2011.
Trong một diễn biến khác, hôm qua, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tăng lên mức cao kỷ lục so với đồng USD, ngay trước khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa quan chức hai nước bắt đầu.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thiết lập tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 6,4988 Nhân dân tệ/USD, tăng 0,15% so với mức 6,5003 cuối tuần trước. Kể từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng gần 1,9% so với đồng bạc xanh.
Theo lời một quan chức Mỹ, ông David Loevinger, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này Timothy Geithner trong cuộc đối thoại song phương sẽ đề nghị, Trung Quốc nâng giá đồng Nhân dân tệ hơn nữa
Ngoài ra, ông Geithner dự đoán sẽ thúc giục Trung Quốc nới lỏng cá biện pháp kiểm soát hệ thống tài chính, mở cửa hơn cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm nước ngoài, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư mua các tài sản tài chính của Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với sức ép thương lượng lại các gói cứu trợ tài chính dành cho Ireland và Hy Lạp, sau khi Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ireland Pat Rabbitte ngày 8/5 tuyên bố bất kỳ sự nhượng bộ nào dành cho Athens phải dẫn đến những điều kiện vay mượn thuận lợi hơn đối với Dublin.
Phát biểu trên đài phát thanh RTE, ông Rabbitte cho biết muốn chứng kiến việc xem xét lại gói cứu trợ trị giá 85 tỷ Euro mà EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhất trí dành cho Ireland hồi tháng 11 vừa qua, cụ thể là giảm lãi suất cho vay.
Ông thông báo Dublin dự định thương lượng lại các điều kiện cho vay trong 3 năm EU và IMF triển khai gói cứu trợ này. Theo ông, EU và IMF phải cắt giảm lãi suất và giãn thời hạn thanh toán đối với các khoản vay của Ireland, và Ireland sẽ tiếp tục đàm phán để cải thiện các điều khoản của gói giải cứu trong 3 năm tới.
Hôm qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P cho rằng, Hy Lạp cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp quyết liệt để ổn định khoản nợ khổng lồ 327 tỷ Euro (tương đương 470 tỷ USD). Tổ chức này cho biết Athens có thể phải cắt giảm tới 70% mệnh giá trái phiếu, điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ nặng nề.
Theo đó, S&P hạ xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Hy Lạp từ BB- xuống B, chỉ cao hơn một bậc so với Pakistan; và hạ xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn của nước này từ B xuống C. S&P duy trì triển vọng tiêu cực đối với 2 mức xếp hạng mới. Động thái trên đã tác động xấu đến nhóm cổ phiếu ngân hàng Hy Lạp.
Cùng ngày, tổ chức định mức tín nhiệm Moody’s cũng ra lời cảnh báo sẽ hạ vài bậc tín nhiệm ngoại tệ và nội tệ của Hy Lạp, và đưa mức xếp hạng hiện nay của nước này là B1 vào diện xem xét hạ bậc, do mối lo lắng ngày càng sâu sắc rằng những người nắm giữ trái phiếu tư nhân sẽ bị thua lỗ nặng.
Cũng liên quan tới kinh tế châu Âu, Cơ quan Thống kê Đức (Destatis) cho biết, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 tăng 7,3% so với tháng trước lên 98,3 tỷ Euro (141,1 tỷ USD), mức cao nhất kể từ năm 1950. Trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu của Đức tăng 2,8%.
Destatis cho biết, nhập khẩu tháng 3 cũng tăng trưởng mạnh 3,1% so với tháng trước lên 79,4 tỷ Euro nhưng chậm hơn so với mức tăng 4% trong tháng trước. Do đó, thặng dư thương mại (chưa được điều chỉnh) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu mở rộng lên 17 tỷ Euro trong tháng 3, từ 11,9 tỷ trong tháng 2.
Trong hai ngày 9 - 10/5, tại Chieng Mai, Thái Lan, đang diễn ra Hội nghị cấp cao Á - Âu về an ninh lương thực nhằm thảo luận tình hình an ninh lương thực hiện nay và tương lai hợp tác giữa hai khu vực.
Phát biểu trong ngày khai mạc 9/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác Thái Lan Theera Wongsamut cho biết, nhiều vấn đề sẽ tác động tiêu cực tới an ninh lương thực như dân số gia tăng, tài nguyên thiên nhiên suy giảm, thiên tai ngày một nhiều, biến đổi khí hậu, giá nhiên liệu và các yếu tố đầu vào tăng giá.
Bộ trưởng Theera Wongsamut nhấn mạnh rằng, giá lương thực tăng cao năm 2008 đã làm gia tăng số người bị thiếu lương thực. Ngoài ra, thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu lương thực tại nhiều quốc gia.
Nguồn: Vneconomy