Những hoài nghi về khả năng thành công của gói kích thích kinh tế lần 2 trị giá 600 tỷ USD mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố hồi tuần trước, đang tăng lên và tác động mạnh tới xu hướng của các thị trường hàng hóa, từ vàng, dầu, cho tới chứng khoán, tiền tệ.
Thậm chí cả những quan chức thuộc FED cũng tỏ ra nghi ngờ kế hoạch này sẽ gây ra những vấn đề nằm ngoài dự tính. Phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội các thị trường tài chính và chứng khoán diễn ra ở New York, Kevin Warsh - một ủy viên của FED từng bỏ phiếu ủng hộ chương trình bơm tiền trên, cảnh báo chương trình này có thể gây ra những nguy cơ lớn, như lạm phát phi mã.
Theo ông Warsh, FED có thể phải xem xét lại kế hoạch này nếu đồng USD tiếp tục giảm giá hoặc giá hàng hóa tiếp tục tăng, khiến lạm phát tăng. Ông cũng kiến nghị Quốc hội cải cách mã thuế để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, coi đây là cách tiếp cận hiệu quả hơn nhiều trong mục tiêu kích thích kinh tế tăng trưởng.
Các đại diện khác của FED như James Bullard từ St. Louis, Thomas Hoenig từ tại Kanas City, cũng thừa nhận chương trình 600 tỷ của FED sẽ khiến lạm phát tăng cao. Đại diện FED tại Dallas Rechard Fisher còn cho rằng, biện pháp của FED chẳng khác nào in tiền để trả các khoản nợ của chính phủ.
Những nhận xét trên đã và đang tác động mạnh tới xu hướng các thị trường hàng hóa. Đêm qua, vàng chốt phiên ở mức 1,410.10 USD/ounce. Đầu phiên giao dịch, giá vàng giao tháng 12 tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới là 1.424,3 USD/ounce. Giá bạc cũng chạm mức cao 30 năm, đồng USD tiếp tục tăng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều sàn ở châu Á chứng kiến đợt bán tháo mạnh của nhà đầu tư.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi đang lo ngại phải đối mặt với bong bóng tài sản từ kế hoạch nới lỏng định lượng lần 2 này, một động thái sẽ đẩy mạnh dòng tiền nóng chuyển dịch về các thị trường này. Giới phân tích cho rằng, có thể phần lớn trong kế hoạch 600 tỷ sẽ "chảy" ra nước ngoài tìm kiếm lợi nhuận.
So với lãi suất của Nhật Bản, EU và Mỹ, lãi suất ngân hàng tại nhiều nền kinh tế châu Á rất cao. Do đó đồng USD chảy vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương là điều đương nhiên. Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ dự báo tỷ lệ lạm phát trung bình ở châu Á sẽ tăng từ 3,3% lên 4% vào năm 2011.
Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới, bà Sri Mulyani, đánh giá: “Một số dạng tài sản có khả năng sẽ trở thành những bong bóng. Gói nới lỏng định lượng lần 2 sẽ tạo ra nhiều dòng tiền đổ vào khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, vì đây là khu vực năng động và hấp dẫn với lợi nhuận cao”.
Theo bà Sri Mulyani, giá địa ốc ở Trung Quốc, Australia, và một số nơi ở châu Á sẽ bị tác động, các nền kinh tế này cần có các biện pháp kiểm soát dòng vốn... Còn theo Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, gói 600 tỷ USD là động thái cho thấy Mỹ đang đeo đuổi chính sách đồng USD yếu. Các nước Đông Nam Á có nền kinh tế dựa vào sản xuất và xuất khẩu sẽ là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Hiện tại, một số nền kinh tế tăng lãi suất để đương đầu với lạm phát. Trung Quốc vừa tăng 0,25% lãi suất và siết chặt hoạt động cho vay giữa lúc chỉ số giá tiêu dùng của nước này đang tăng mạnh nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia cũng vừa nâng lãi suất. Tại Hàn Quốc, tốc độ tăng giá tiêu dùng lớn hơn tốc độ tăng lãi suất. Trong tháng 10, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tại đây là 4,1% so với cùng kỳ năm 2009.
Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, giá bất động sản tại Trung Quốc đã tăng chậm lại trong tháng 10 sau khi chính phủ nước này nâng lãi suất và tăng cường các biện pháp ngăn chặn bong bóng tài sản tại nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Cụ thể, giá nhà ở tháng 10 tại 70 thành phố lớn tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn mức 9,1% trong tháng 9.
Trong năm nay, Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp giới hạn hoạt động mua nhà. Trong đó có việc ngừng cung cấp các khoản vay thế thấp đối với người mua nhà lần 3 và cam kết đẩy mạnh tốc độ áp dụng thử nghiệm thuế bất động sản trên toàn quốc. Tháng 10 vừa qua, nước này cũng nâng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm từ 2,25% lên 2,5%.
Ngân hàng Thế giới cho biết, mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn đang trong bối cảnh suy giảm nhưng tổng lượng kiều hối trên toàn thế giới tiếp tục tăng trong năm 2010, đạt 325 tỷ USD. Theo số liệu của tổ chức này, trong năm 2010, tổng lượng kiều hối trên toàn thế giới đã tăng 6% so với năm trước đó và sẽ tiếp tục tăng một cách đều đặn vào những năm tiếp theo.
Trong đó, các nước nhận được lượng kiều hối lớn nhất trong năm nay là Ấn Độ (55 tỷ USD), Trung Quốc (51 tỷ USD), Mexico (22,6 tỷ USD), Philippines (21,3 tỷ USD) và Pháp (15,9 tỉ USD). Ngân hàng Thế giới ước tính, lượng kiều hối sẽ tăng lên 6,2% trong năm 2011, đạt 346 tỷ USD và tiếp tục tăng lên đến 8,1% vào năm 2012, đạt 374 tỷ USD.
Nguồn: Vneconomy