Chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, Chủ tịch hãng nghiên cứu Roubini Global Economics, nhận định kinh tế toàn cầu trong 10 năm tới sẽ đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng tài chính nữa.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC hôm 27/9, ông Roubini cho rằng, "chưa có sự thay đổi căn bản nào, cho dù Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cải tổ ngành tài chính. Theo tôi, mọi thứ vẫn còn quá ít ỏi và muộn màng".
Thậm chí, theo ông, nếu kinh tế thế giới không suy thoái kép, thì mức độ ảnh hưởng vẫn có thể cảm nhận được. “Chúng ta đang ở giai đoạn tương tự suy thoái. Nếu số liệu kinh tế xấu đi, chứng khoán sẽ điều chỉnh và bất ổn cùng tâm lý tránh rủi ro tăng lên, tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu”, ông nhận định.
“Với tốc độ cung tiền dễ dàng như hiện nay, ở mức độ nào đó, bong bóng tài sản và tín dụng đã hình thành tại một số khu vực trên thế giới, như khu vực các nền kinh tế mới nổi”.
Trong bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho rằng, khủng hoảng tài chính đã khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn dự báo, dù nước này đã dùng hơn 1.000 tỷ USD mua trái phiếu để giảm lãi suất.
“Bằng việc mua lại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và trái phiếu Bộ Tài chính, chúng tôi đã hỗ trợ cho nền kinh tế. Chúng tôi tránh được cái gọi là sự đi xuống trên quy mô toàn cầu", ông nói. "Tuy vậy, khủng hoảng đã đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái sâu trong nửa sau năm 2008 và đầu năm 2009, chúng ta đang trong quá trình phục hồi chậm hơn so với mong muốn”.
Hôm 27/9, một số ngân hàng trung ương châu Âu đã gần như ngừng bán vàng từ nguồn dự trữ của họ để đánh giá lại mặt hàng quý hiếm này. Ngân hàng trung ương của Thụy Điển, Ireland và Slovenia tuyên bố không có kế hoạch bán vàng, trong khi Thụy Sĩ nhắc lại tuyên bố trước đó với nội dung tương tự.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ tác động mạnh đến giá vàng thế giới, một phần do thị trường mất đi một nguồn cung lớn, phần khác do ảnh hưởng về tâm lý đối với nhà đầu tư. Bằng chứng rõ ràng là giá vàng ngày 25/9 đã lên đến mức cao kỷ lục 1.300 USD/oz.
Tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lại tăng lên, khi Trung Quốc công bố áp thuế chống bán phá giá 105,4% trong 5 năm với thịt gà lông trắng nhập khẩu từ Mỹ, còn Hạ viện Mỹ bỏ phiếu biểu quyết đạo luật "Điều chỉnh tiền tệ vì thương mại công bằng".
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn nhất của Mỹ. Năm 2008, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc 584.000 tấn sản phẩm thịt gà, tăng 12% so năm trước đó. Nửa đầu năm 2009, Trung Quốc nhập khẩu 305.000 tấn thịt gà từ Mỹ, chiếm 89% tổng số thịt gà nhập khẩu của Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, vụ tranh chấp thương mại mới này có thể sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ căng thẳng giữa 2 bên. Thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ ra Mỹ bán phá giá sản phẩm thịt gà vào thị trường Trung Quốc khiến ngành công nghiệp thịt gà của Trung Quốc bị thiệt hại đáng kể.
Ngoài vấn đề mới nhất, Mỹ-Trung còn tranh chấp về sản phẩm ống thép, phim ảnh, sách... và cáo buộc đối phương thực hiện chủ nghĩa bảo hộ với hàng hóa trong nước có thể làm chậm thời gian phục hồi kinh tế thế giới.
Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 27/9 công bố báo cáo sơ bộ về tình hình ngoại thương của nước này. Theo đó, trong tháng 8, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thặng dư thương mại vẫn giảm tới 37,5%.
Báo cáo cho hay, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 của Nhật Bản đạt 5.224,1 tỷ yen (61,9 tỉ USD), tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đây là tháng thứ 6 liên tiếp tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 8 tăng 17,9% lên mức 5.120,9 tỷ yen. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản tăng. Như vậy, thặng dư thương mại của Nhật Bản trong tháng 8 chỉ đạt 103,2 tỷ yen, giảm 37,5% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2009 thặng dư thương mại của nước này giảm.
Trong khi đó, theo các báo Nhật Bản ngày 27/9, một số hải quan của Trung Quốc bắt đầu kiểm tra chặt hơn đối với hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản cũng như nhập khẩu từ Nhật Bản. Điều này ở mức độ nào đó đang làm chậm trễ quá trình vận chuyển.
Nhật báo Mainichi dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết, hải quan Thượng Hải ngày 21/9 thông báo cho một công ty vận tải lớn của Nhật Bản sẽ lấy mẫu kiểm tra tất cả hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì chỉ kiểm tra 30% hàng hóa như bình thường.
Hải quan Bắc Kinh và các địa phương khác cũng tăng cường kiểm tra, hàng hóa bao gồm xe ô tô và các linh kiện điện tử. Tờ Yomiuri cho biết thêm, hải quan các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông và Liêu Ninh cũng lấy mẫu kiểm tra tất cả hàng hoá xuất nhập khẩu liên quan đến Nhật Bản.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản kể từ năm 2009. Theo báo cáo mới nhất công bố hôm 27/9, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc trong tháng 8 tăng 18,5% lên mức 1.048,1 tỷ Yên, trong khi nhập khẩu tăng tới 20% lên mức 1.117,6 tỷ Yên. Như vậy, cán cân thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc thâm hụt lần đầu tiên trong 2 tháng qua.
Nguồn: vneconomy