Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Nguy cơ sa lầy

Fitch Ratings đã hạ mức tín nhiệm nợ của Ireland từ A+ xuống AA- và chỉ số lòng tin của người tiêu dùng ở nước này tiếp tục giảm.

Cùng với việc hạ mức tín nhiệm, Fitch còn đánh giá mức tín nhiệm của Ireland có triển vọng tiêu cực và cho rằng sự phục hồi kinh tế mong manh của nước này là không ổn định. Theo Fitch, việc hạ cấp tín nhiệm phản ánh chi phí tài chính ở Ireland đã vượt quá dự kiến cùng với nỗ lực tái huy động vốn của chính phủ đối với các ngân hàng Ireland, đặc biệt là Ngân hàng Anglo Irish.

Đánh giá của Fitch về tình kinh tế Ireland đã tác động đến toàn khu vực đồng tiền chung euro với trái phiếu của Chính phủ Đức và phí bảo hiểm nợ của Hy Lạp tăng. Thông tin ảm đạm về tình hình kinh tế Ireland khiến giới đầu tư ngày càng lo ngại về khả năng trả nợ của chính phủ nước này cũng như triển vọng phục hồi của kinh tế châu Âu nói chung.

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cùng quyết định duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục, lần lượt là 1% và 0,5%. Như vậy, ECB đã giữ nguyên lãi suất tháng thứ 18 liên tiếp, trong khi BOE cũng duy trì lãi suất 20 tháng liên tiếp.

Ngoài ra, BOE còn giữ nguyên quy mô của chương trình mua trái phiếu trị giá 200 tỷ bảng Anh (tương đương 317 tỷ USD) như dự đoán chung. Dự kiến, biên bản cuộc họp của BOE sẽ được công bố vào ngày 20/10 tới. Theo dự đoán từ nhiều nhà kinh tế, biên bản cuộc họp của BOE sẽ cho thấy sự chia rẽ thành 3 hướng trong nội bộ 9 thành viên hội đồng.

Theo nguồn tin ngoại giao Liên minh châu Âu (EU), cuộc hội đàm cấp cao với Trung Quốc tại Brussels (Bỉ) đã không suôn sẻ và không hàn gắn được bất đồng về thương mại.

Thông báo cuối cùng sau hội đàm không đề cập những nội dung chính được thảo luận như tiền tệ, thương mại và tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi trong các thể chế toàn cầu. Cuộc họp báo chung giữa các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc, dự kiến được tổ chức sau hội đàm, cũng đã bị hủy bỏ với lý do "lịch trình làm việc."

Ngay khi bắt đầu hội đàm, cả Chủ tịch thường trực EU Herman Van Rompuy và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đều công khai thừa nhận những bất đồng còn tồn tại giữa hai bên. Tuy nhiên, ông Ôn Gia Bảo khẳng định những bất đồng đó không liên quan đến việc duy trì lợi ích cơ bản của hai phía.

Trong khi Chủ tịch Rompuy nhấn mạnh những bất đồng trên không cản trở ý nguyện của hai bên nâng quan hệ đối tác EU-Trung Quốc lên tầm cao hơn, trái lại sẽ thúc đẩy đối thoại song phương để đạt được điều này. Cũng theo nguồn tin này, các nỗ lực của EU hối thúc Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ đã không nhận được phản hồi từ phía Bắc Kinh.

Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, dự trữ ngoại tệ của nước này tính vào thời điểm cuối tháng 9/2010 đã lên tới 1.109,59 tỷ USD, tăng 39,44 tỷ USD so với tháng 8. Đây là mức dự trữ ngoại tệ cao nhất trong lịch sử nước này. Kỷ lục trước đó là 1.073,71 tỷ USD vào tháng 11/2009.

Lý do trực tiếp khiến dữ trữ ngoại tệ của nước này tăng là do Chính phủ Nhật Bản hôm 15/9 đã can thiệp vào thị trường tiền tệ, bán đồng yen và mua vào đồng USD để kìm hãm đà tăng giá của đồng Yên. Ngoài ra, đồng USD suy yếu so với đồng Euro cũng làm tăng giá trị đối với các tài sản tính bằng đồng Euro trong dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản.

Nhật Bản hiện là nước có dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, dự trữ ngoại tệ khổng lồ cho phép Tokyo giữ tỷ giá hối đoái ổn định để tạo môi trường thuận lợi cho nền kinh tế. Dự trữ ngoại tệ cũng là chỉ dấu về khả năng thanh toán nợ nước ngoài và khả năng bảo vệ đồng nội tệ.

Cũng liên quan tới Nhật Bản, đảng Dân chủ cầm quyền (DPJ) công bố đề xuất triển khai gói kích thích kinh tế trị giá 4.800 tỷ Yên (58 tỷ USD) để thúc đẩy nền kinh tế hiện đang tăng trưởng trì trệ trước tác động của đồng yen mạnh và giảm phát kéo dài.

DPJ khuyến nghị Chính phủ của Thủ tướng Naoto Kan thành lập quỹ đầu tư quốc gia bằng dự trữ tiền tệ dồi dào, tuy không nói rõ chi tiết. Chính phủ dự định sẽ sử dụng các quỹ thặng dư tài khóa 2009 và thặng dư doanh thu thuế trong tài khóa 2010 để lấy kinh phí cho gói kích thích kinh tế trên.

Gói kích thích kinh tế này cũng đưa ra đề xuất tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các công ty vừa và nhỏ vốn đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc đồng Yên mạnh lên. Dự kiến, Nhật Bản sẽ thông qua gói kích thích kinh tế vào hôm nay (8/10), sau đó sẽ đệ trình ngân sách bổ sung lên quốc hội để đảm bảo nguồn quỹ cần thiết thực hiện gói kích thích kinh tế.

Viễn cảnh về thị trường dầu mỏ khá xấu, do kho dự trữ xăng và các chế phẩm chưng cất của Mỹ sụt giảm, trong khi kho dự trữ dầu thô tăng khiến nguồn cung dôi dư.

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 7/10, giá dầu thô ngọt nhẹ New York giao tháng 11/2010 tăng 51 xu lên 83,74 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 41 xu, đạt 85,47 USD/thùng.

Commonwealth Bank of Australia nhận định các nhà giao dịch tập trung chủ yếu vào hiện tượng kho dự trữ xăng và các chế phẩm chưng cất của Mỹ sụt giảm, và có phần "lơi là" đối với thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn tiên lượng.

Theo báo cáo về dự trữ nhiên liệu của Bộ Năng lượng Mỹ (DoE), trong tuần trước, dự trữ xăng của Mỹ giảm 2,6 triệu thùng, trong khi các chuyên gia phân tích dự đoán mức giảm là 300.000 thùng. Dự trữ nhiên liệu chưng cất giảm 1,1 triệu thùng. Trong khi, dự trữ dầu thô tăng tới 3,1 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự báo và hiện ở mức 360,9 triệu thùng.

Nguồn: Stockbiz

ĐỌC THÊM