“Sự sụp đổ theo kiểu hiệu ứng domino rất có khả năng sẽ xảy ra đối với hệ thống ngân hàng và các nền kinh tế châu Âu, nếu các nhà lãnh đạo khu vực này không kịp thời có những biện pháp ứng phó cuộc khủng hoảng nợ công”, ngân hàng Citigroup cảnh báo.
Tờ Điện tín của Anh dẫn lời giáo sư Willem Buiter, chuyên gia kinh tế trưởng của Citigroup, cho rằng, khủng hoảng nợ công đang có dấu hiệu trầm trọng hơn ở châu Âu, tăng thêm sức ép lên hệ thống tài chính ở châu lục này, trong lúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và chính phủ các nước vẫn đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
"Nhiều khả năng phải đợi tới tháng 3/2011, khi Liên minh châu Âu nhóm họp, mới biết chắc các nhà lãnh đạo châu lục này có cùng hành động hay không. Tuy nhiên, tôi không chắc các ngân hàng và nền kinh tế đang khủng hoảng sẽ ra sao trong thời gian từ nay đến đến đó”, ông Buiter nhận định.
Theo Mark Schofield, một quan chức khác thuộc Citigroup, Bồ Đào Nha sẽ là nước đầu tiên cần châu Âu giúp đỡ, tiếp đó là Tây Ban Nha. Tổng giá trị 2 gói cứu trợ này ước khoảng 580 triệu USD. Cùng với số tiền được bỏ ra trước đó để cứu Hy Lạp và Ireland, lượng tài chính mà EU cần tới để giải quyết căn bệnh nợ công sẽ là một con số khổng lồ.
"Tái cấu trúc nợ công tại châu Âu là điều không tránh khỏi. Một vài quốc gia có thể tự xoay sở, nhưng phần lớn còn lại thì không. Và nếu các Chính phủ không ra tay kịp thời, nợ công sẽ trở thành một bệnh dịch ở cấp độ toàn châu lục”, Mark Schofield nhận định.
Trong khi đó, tờ Nam Đức của Đức hôm qua đưa tin, một số nước Khu vực đồng Euro (Eurozone) đang đề xuất thiết lập cơ chế cứu trợ dài hạn trong khu vực, bao gồm việc thành lập một thể chế cho vay mới và độc lập. Đề xuất do Đức soạn thảo và nhận được sự ủng hộ của Pháp, Phần Lan, Ireland và Hà Lan.
Theo văn bản của Chính phủ Đức mà báo Nam Đức tiếp cận được, thể chế mới mang tên Quỹ ổn định, tăng trưởng và đầu tư châu Âu. Quỹ này sẽ tồn tại song song, nhưng độc lập với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và có khả năng cho vay không hạn định.
Những nước cần vay tiền từ quỹ mới phải tuân thủ một số điều kiện nghiêm ngặt, đồng thời phải có khả năng thế chấp bằng tài sản giá trị như vàng hoặc trái phiếu tư nhân. Các "tác giả" quỹ mới dự định công bố đề xuất của họ tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (EU) vào giữa tháng Giêng tới.
Một ngày trước đó, ECB cho biết sẽ cung cấp các khoản vay 3 tháng với tổng giá trị 149,5 tỉ Euro (khoảng 196,8 tỉ USD) cho các ngân hàng trong khu vực EU để giải quyết nhu cầu thanh khoản trong thời điểm cuối năm. ECB nói đã có 270 ngân hàng xin vay 3 tháng với lãi suất bình quân theo lãi suất cơ bản của ECB.
Tình hình tài chính hiện nay của Ireland, Tây Ban Nha và Hy Lạp vẫn khiến khu vực này lo lắng. Phương tiện truyền thông Bồ Đào Nha cho biết, Trung Quốc chuẩn bị mua 4-5 tỉ Euro trái phiếu chính phủ của Bồ Đào Nha trong quí 1/2011 để giúp Bồ Đào Nha ra khỏi áp lực khủng hoảng nợ.
Hôm qua, Quốc hội Hy Lạp thông qua dự toán ngân sách năm 2011 với 156 phiếu thuận và 142 phiếu chống. Theo đó, Hy Lạp sẽ cắt giảm chi tiêu 14 tỉ Euro trong năm tới, bao gồm giảm ngân sách của hệ thống y tế quốc gia, tái cấu trúc doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, tăng thuế doanh nghiệp từ 11% lên 13%...
Cũng liên quan tới Hy Lạp, hãng tin Bloomberg đã đâm đơn kiện ECB vì không công bố hai tài liệu về cách Hy Lạp sử dụng các công cụ phái sinh để che giấu thâm hụt ngân sách và gây ra cuộc khủng hoảng nợ công khu vực.
Bloomberg yêu cầu Tòa án tối cao Liên minh châu Âu tại Luxembourg đảo ngược quyết định của ECB về việc không công bố hai tài liệu nội bộ do hội đồng điều hành gồm 6 thành viên của ECB soạn thảo tại Frankfurt (Đức) trong năm nay.
Theo thông tin trên trang bìa của tài liệu đề ngày 3/3 mà Bloomberg có được, nội dung của hai tài liệu trên chỉ ra cách thức mà Hy Lạp đã sử dụng các công cụ hoán đổi để giấu các khoản vay mượn của nước này.
Cũng theo nội dung trang bìa trên, lần đầu tiên mà các quan chức ECB phát hiện ra sự bất thường trong hoạt động của các công cụ phái sinh này là vào tháng 4/2009, 7 tháng trước khi khủng hoảng tại Hy Lạp bùng nổ.
Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet là người nắm giữ các tài liệu trên sau khi EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tung ra gói giải cứu 110 tỷ EUR (tương đương 144 tỷ USD) cho Hy Lạp.
Hôm 21/10, ông Trichet đã từ chối đề nghị cung cấp tài liệu cho Bloomberg vì cho rằng thông tin trong hai tài liệu trên sẽ làm xói mòn niềm tin của công chúng về tính hiệu quả của các chính sách kinh tế. Theo ông, việc công bố trong bối cảnh thị trường rất dễ bị tác động là hết sức tiêu cực và có thể dẫn đến sự bất ổn và biến động.
Tuy nhiên, theo Bloomberg Finance LP, công ty mẹ của hãng tin Bloomberg News thì ECB nên công bố hai tài liệu này nhằm giúp các Chính phủ tránh vết xe đổ của Hy Lạp và cho thấy cách thức mà các nhà chức trách EU đã sử dụng để ứng phó khi có được thông tin về các công cụ hoán đổi.
Trong đơn kiện, Bloomberg cho biết, hiện EU vẫn còn phụ thuộc vào các quốc gia thành viên trong cách tiếp cận một cách công khai và minh bạch về mức nợ của các quốc gia này. Nếu như trước đây Hy Lạp không thể tiến hành được cách thức trên thì ECB cần phải công bố các thông tin trên trước sự quan tâm sâu sắc của công chúng.
Ông Michael Spence, người đạt giải Nobel kinh tế năm 2001 cho rằng: “Không phải điều gì cũng có thể công bố được nhưng thị trường cần phải biết thông tin trong hai tài liệu này”. Người phát ngôn của ECB từ chối bình luận về vụ kiện trên.
Liên quan tới nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giới phân tích cho rằng, kinh tế Đức đã hồi phục mạnh mẽ trong năm 2010, song vẫn đối mặt với nhiều nguy cơ trong năm 2011.
Theo báo cáo của Hội đồng kinh tế nhà nước, kinh tế Đức có thể đạt tăng trưởng 3,7% năm 2010, nhưng sau đó sẽ giảm xuống 2,2% năm 2011, với thâm hụt ngân sách và tỷ lệ thất nghiệp đều giảm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất năm 1990.
Ngoài xuất khẩu gia tăng, tỷ lệ tăng trưởng cao của Đức còn nhờ vào nhu cầu trong nước tăng mạnh sau khi suy giảm trong thời kỳ khủng hoảng. Bộ trưởng Kinh tế Đức Rainer Bruederle khẳng định: "Ngoài xuất khẩu, nhu cầu nội địa tăng cao là động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế".
Giám đốc truyền thông Hiệp hội bán lẻ Đức (HDE) Kai Falk nói rằng: "Các nhà bán lẻ đang rất lạc quan về mùa mua sắm Giáng sinh 2010. Dự kiến, trong tháng 11 và 12, doanh số bán sẽ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,5% trong cả năm 2010. Trong bối cảnh ngành bán lẻ Đức tương đối bão hòa, mức tăng 1,5% là rất ấn tượng".
Theo thống kê của HDE, trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, tăng trưởng của ngành bán lẻ Đức chỉ dao động trong biên độ -2 đến 2%, trong đó tồi tệ nhất là năm 2009, với mức suy giảm -2%. Bất chấp những khía cạnh khả quan trên, nền kinh tế Đức vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ đe dọa tốc độ tăng trưởng của nước này.
Dự báo mới nhất của Viện nghiên cứu Kinh tế thế giới Kiel (Ifw) cho biết, đến nay, sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Đức vẫn chưa bù đắp được hoàn toàn những thua lỗ trong thời kỳ suy thoái năm ngoái.
Và với tốc độ tăng trưởng chậm lại trong những quý tới, dự kiến tiến trình trở lại với giai đoạn phát triển đỉnh cao trước suy thoái phải đến giữa năm 2011 mới kết thúc, nhưng bất kỳ một sự rối ren tài chính nào cũng có thể phá huỷ tiến trình này.
Lãi suất thị trường tiền tệ Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua trước dự báo rằng tình trạng thiếu hụt vốn sẽ thêm trầm trọng do các ngân hàng tích trữ tiền mặt trước Tết Dương lịch. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn kỳ hạn 7 ngày tăng vọt 1.5% lên 5.67%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2007.
Mức lãi suất này tăng thậm chí sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bơm tổng cộng 26 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3.9 tỷ USD) vào hệ thống tài chính trong tuần này. Nhà phân tích trái phiếu Liu Junyu tại China Merchants Bank Co., ngân hàng lớn thứ 6 Trung Quốc, nhận định: “Các ngân hàng đang dự trữ tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền trong suốt kỳ nghỉ lễ và yêu cầu về tỷ lệ dư nợ/vốn huy động vào cuối tháng”.
Hôm qua, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn các khoản đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, để chống lại đầu cơ trên thị trường bất động sản nóng. Đây được cho là các quy định bổ sung cho văn bản chính thức đã được ban hành từ năm 2007 nhưng do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009 mà được nới lỏng.
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng các biện pháp để hạ nhiệt giá bất động sản từ tháng 9/2010 do lo ngại giá bùng phát và bong bóng nhà đất sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế.
Nhiều thành phố của Trung Quốc đã tiếp tục hạn chế các khoản đầu tư địa ốc ngoại trong những tháng gần đây, bằng cách cấm người nước ngoài mua nhiều nhà, và yêu cầu họ lưu trú tại Trung Quốc trong thời gian ít nhất một năm trước khi mua.
Kết quả khảo sát của 23 chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới thuộc CNNMoney dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Mỹ đạt 3,1% trong quý 4 năm nay. Theo các dự báo trước đó, quý 3/2010, nền kinh tế sẽ tăng trưởng 2,5% và thực tế đạt được 2,6%.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng năm 2011 kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, khoảng 3,3% so với dự báo trung bình 2,8% trước đó. Đồng thời họ cũng hi vọng trong năm 2012, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục chuyển động theo đúng quỹ đạo. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng năm 2012 sẽ đạt được 3,4%.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự phục hồi kinh tế này chưa thể cải thiện nhanh chóng thị trường việc làm trong một thời gian ngắn. Các nhà kinh tế kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ vào khoảng 9,7% trong tháng 12 này so với tỷ lệ 9,8% như hiện nay. Dự báo, cuối năm 2011 tỷ lệ thất nghiệp sẽ thấp hơn 9% và trong năm 2012 chỉ còn 8,2%.
Nguồn: Vneconomy