Tình trạng bán dồn, bán gấp diễn ra trên hầu khắp các thị trường hàng hóa quốc tế trong phiên giao dịch ngày 5/5, đẩy giá hàng loạt mặt hàng từng tăng trưởng mạnh mẽ vài tuần qua, trở lại các mức thấp không ngờ. Tâm lý hoảng loạn phủ khắp.
Trên thị trường chứng khoán, các chỉ số thị trường Mỹ rớt điểm phiên thứ 4 liên tiếp ngay trước thềm Mỹ công bố số liệu chính thức về thị trường việc làm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ mạnh nhất trong 3 chỉ số chính, hơn 1% xuống 12.584,17 điểm.
Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn Phố Wall nhảy vọt 6,6% lên 18,2 điểm, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 28/3, vượt xa đường trung bình trong 50 ngày.
Khối lượng giao dịch bùng nổ trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq với khoảng 9,26 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, vượt xa mức giao dịch trung bình từ đầu năm tới nay cũng như mức trung bình của năm 2010.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu hợp đồng tại Mỹ và tại London đồng loạt rớt xuống dưới các ngưỡng cản vài tuần qua. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York đứng ở 99,8 USD/thùng; dầu Brent Biển Bắc tại London xuống 110,8 USD/thùng.
Thị trường các kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim, palladium hợp đồng giao sau cũng giảm giá mạnh chưa từng có. Cụ thể, vàng giảm hàng chục USD/ounce, bạc hạ 8%, bạch kim hạ 2,6%, palladium trượt 4,8%.
Các số liệu yếu kém tại châu Âu và Mỹ đã làm gia tăng mối quan ngại về đà phục hồi của nền kinh tế và tác động mạnh đến giá cả các loại hàng hóa trong tuần qua. Số đơn đặt hàng công nghiệp tại Đức bất ngờ giảm trong tháng 3, trong khi số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ chạm mức cao nhất trong 8 tháng.
Áp lực với thị trường dầu còn bởi việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ đang xem xét nâng trần sản lượng chính thức trong cuộc họp tháng 6 tới, còn với giá kim loại quý là từ việc sàn Comex thuộc Sở giao dịch New York nâng phí giao dịch kim loại với các nhà đầu cơ.
Trong khi đó, theo số liệu vừa công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kể từ tháng 1 tới nay, Mexico đã mua vào 93,3 tấn vàng nhằm gia tăng nguồn dự trữ. Cùng lúc, ngân hàng trung ương nước này cho biết đã mua 100 tấn vàng trong các tháng vừa qua.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 3, Nga tăng lượng vàng dự trữ thêm 18,8 tấn lên 811,1 tấn, Thái Lan cũng mua thêm 9,3 tấn lên 108,9 tấn. Tuy nhiên, Kazakhstan lại giảm lượng vàng nắm giữ bớt 1,55 tấn xuống 67,3 tấn trong tháng 3.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các nhà hoạch định chính sách ở nước này cần phải nâng trần nợ thêm 2.000 tỷ USD để đảm bảo cho việc Chính phủ có thể vay mượn đến khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012.
Hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đồng loạt giữ nguyên lãi suất ở mức 1,25% và 0,5%. Tháng trước, ECB đã nâng lãi suất lên mức này nhằm ngăn chặn lạm phát.
Bên cạnh quyết định giữ nguyên lãi suất, BOE còn duy trì quy mô của chương trình mua tài sản trị giá khoảng 330 tỷ USD, bất kể lạm phát ở quốc gia châu Âu này đang đứng ở mức 4%, gấp đôi mức trần của BOE.
Nguyên nhân là do mối hoài nghi về đà phục hồi của nền kinh tế sau khi nhận được loạt số liệu ảm đạm trong tuần này. Theo đó, đà tăng trưởng lĩnh vực sản xuất xây dựng và dịch vụ đồng loạt suy yếu.
Theo Viện nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia Anh (NIESR), các thống kê mới đây tiếp tục làm tăng gam màu xám trong bức tranh kinh tế nước này, do giá cả leo thang, thuế tăng cao và việc chính phủ cắt giảm chi tiêu đang ảnh hưởng đến tâm lý cũng như chi tiêu của người dân.
NIESR cho rằng thu nhập thực tế sau thuế của các gia đình Anh dự báo sẽ giảm 1,3% trong năm nay, do lạm phát leo lên mức trung bình 4,5% trước khi giảm xuống 1,9% vào năm 2012, thời điểm mà tác động của việc giá dầu tăng cao và chính sách tăng thuế giá trị gia tăng đã dịu bớt.
Khu vực nhà đất đang là trở ngại lớn đối với tăng tưởng kinh tế Anh, với giá bất động sản dự báo sẽ giảm khoảng 10%, thậm chí còn cao hơn trong vòng năm năm tới, do lãi suất tăng cao hoặc các ngân hàng siết chặt các quy định cho vay.
Trong bối cảnh đó, NIESR đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh từ mức 1,5% xuống còn 1,4% trong năm 2011 và 2% trong năm 2012. Trong khi đó, Văn phòng chịu trách nhiệm về ngân sách (OBR) của Chính phủ đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Anh lần lượt trong năm 2011 và 2012 là 1,7% và 2,5%.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) nâng lãi suất từ 2,75% lên 3% đúng như dự báo của 7/16 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của hãng tin Bloomberg, nhằm ngăn lạm phát leo thang. BNM cũng nâng dự trữ bắt buộc từ 2% lên 3% từ ngày 16/5 tới.
Thống đốc BNM, Zeti Akhtar Aziz, đã quyết định tăng lãi suất trở lại sau khi tạm ngưng kể từ tháng 7/2010 vì lạm phát tăng tốc lên mức cao 23 tháng. Theo BNM, kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 5 - 6% trong năm nay, trong khi lạm phát tăng tốc từ 2,5 - 3,5%, vượt xa mức 1,7% trong năm ngoái.
Theo báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá thực phẩm của 55 loại hàng hóa tăng lên 232 điểm trong tháng 4 từ mức 231 điểm trong tháng 3. Chỉ số này đã chạm mức kỷ lục 237,2 điểm trong tháng 2, trước khi giảm 2,6% trong tháng 3.
FAO dự báo, sản lượng thực phẩm sẽ tăng 70% trong giai đoạn từ 2010 - 2050 khi dân số thế giới tăng lên 9 tỷ người. Bên cạnh đó, thu nhập ngày càng cao sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt và sữa.
Cũng trong ngày 5/5, Nga và các đối tác đã lắp đặt xong đoạn đường ống dẫn khí đốt chạy qua biển Baltic của dự án "Dòng chảy phương Bắc". Dự án này gồm hai tuyến đường ống, được khởi công ngày 9/4/2010, cho phép vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức và từ đó tới các nước Tây và Bắc Âu khác.
Theo thiết kế, tuyến đường ống đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay với công suất 27,5 tỷ m3/năm, còn tuyến đường ống thứ hai có cùng công suất sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2012.
Dự án do các tập đoàn và công ty Gazprom (Nga), Wintershall Holding và E.ON Ruhrgas (Đức), GDF Suez (Pháp) và Gasunie (Hà Lan) phối hợp đầu tư với tỷ lệ lần lượt là 51%, 15,5% và 15,5%, 9% và 9%.
"Dòng chảy phương Bắc" dài 1224km, chạy qua biển Baltic ở độ sâu gần 80m (khu vực thuộc Vịnh Phần Lan) và gần 110m (khu vực gần đảo Gotland của Thụy Điển), được xây dựng với kinh phí 7,4 tỷ euro và có tổng công suất 55 tỷ m3 khí đốt/năm.
Nguồn: vneconomy