GDP 9 tháng đầu năm 2010 của Nhật Bản đạt 3.959,4 tỷ USD, cao hơn mức 3.946,8 tỷ USD của Trung Quốc. Như vậy, Nhật Bản đã giành lại ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau khi để mất vào tay Trung Quốc trong quý 2.
Theo công bố của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tăng trưởng GDP thực chất trong quý 3 năm 2010 của nước này đạt 4,5%, cao hơn mức tăng 3,9% được công bố hồi tháng 11, nhờ mức chi đầu tư của các doanh nghiệp cũng như tiêu dùng cá nhân tăng.
Thống kê cho biết, mức chi đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng 1,3%, cao hơn 0,5% so với mức tăng 0,8% của báo cáo trước đó. Tiêu dùng cá nhân tăng 1,2%, cao hơn 0,1% so với số liệu thống kê hồi tháng 11.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư sau hơn hai năm thắt chặt hầu bao kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ngoài ra, các gói giải pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Nhật Bản cũng giúp tiêu dùng cá nhân tăng mạnh, đặc biệt là hoạt động mua sắm các thiết bị sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng trong ba tháng cuối năm của nền kinh tế Nhật Bản sẽ chậm lại do các yếu tố như xuất khẩu và tiêu dùng trong nước giảm, đồng Yên tăng giá và tình trạng giảm phát kéo dài.
Các số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản cũng cho thấy, lượng đơn đặt hàng máy móc của các doanh nghiệp nước này, vốn được coi là chỉ số đánh giá xu hướng đầu tư kinh doanh trong tương lai, đã giảm hai tháng liên tiếp.
Trong khi đó, theo báo cáo hàng năm của Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), kinh tế nước này sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, với GDP đạt 10% trong 2011, lạm phát vẫn ở mức vừa phải với chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,3%.
CASS cho biết, chính sách kinh tế vĩ mô của nước này sẽ vẫn ổn định, trong khi đầu tư tài sản cố định có thể tăng trưởng chậm lại, khoảng 20% trong năm 2011, từ tốc độ ước tính khoảng 23,5% trong năm nay.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế không đồng tình với báo cáo của CASS, dự đoán kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với việc giảm nhẹ tốc độ tăng trưởng vào năm tới, trong khi lạm phát có thể tăng nhanh hơn dự kiến.
Hồi tháng 10, Ngân hàng Thế giới từng dự báo, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chậm lại, còn khoảng 8,7% trong năm tới. Goldman Sachs cũng dự báo lạm phát của Trung Quốc sẽ tăng 4,3% trong 2011, cao hơn dự báo 3,3% của CASS.
Một số nhà phân tích cho rằng, kinh tế Trung Quốc có thể phải đối mặt với “những luồng gió ngược” vào năm tới do các biện pháp và chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát và bong bóng tài sản.
Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ lên tốc độ tăng trưởng có thể bắt đầu xuất hiện vào tháng 3/2011 và trở nên rõ rệt hơn trong quí 2 năm tới.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Trung Quốc, giá nhà ở tại 10 thành phố lớn của nước này đã tăng chậm lại trong tháng 11, với mức tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức 8,6% trong tháng 10 và dự báo 8% của các nhà kinh tế.
Trong năm nay, Trung Quốc đã thắt chặt các biện pháp đối với hoạt động mua nhà thông qua việc ngừng cung cấp các khoản vay thế chấp đối với người mua nhà lần thứ ba và cam kết áp dụng thử nghiệm thuế bất động sản trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, nước này còn nâng lãi suất cơ bản vào tháng 10 lần đầu tiên trong 3 năm qua do lo ngại về lạm phát và đà leo thang của giá tài sản.
Hôm qua, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch đã hạ 3 bậc tín nhiệm của Ireland từ A+ xuống BBB+ do khoản chi phí cao mà nước này dùng để tái cấu trúc và hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây.
Tuy nhiên, Fitch nhận xét triển vọng tín nhiệm của Ireland ổn định. Theo Fitch, các khoản nợ phát sinh từ đảm bảo nợ và tiền gửi ngân hàng, triển vọng yếu kém, bất ổn gia tăng và việc không tiếp cận được đến các nguồn vốn trên thị trường đã làm giảm sự linh hoạt của Ireland trong việc cấp vốn.
Cơ quan xếp hạng trên còn cho biết rằng yếu tố giúp Ireland tiếp tục giữ được mức tín nhiệm thuộc cấp độ đầu tư là sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng như cam kết của củng cố lĩnh vực tài chính của Chính phủ nước này và các yếu tố kinh tế cơ bản vẫn còn khả quan.
Tiến trình hồi phục của kinh tế Anh đang có những tín hiệu lạc quan với số đơn đặt hàng xuất khẩu của lĩnh vực chế tạo tăng mạnh nhất trong 15 năm qua, và sản lượng chế tạo tăng mạnh nhất trong bảy tháng.
Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI) cho biết, trong tổng số 400 công ty chế tạo được khảo sát ở nước này, có tới 25% số công ty có đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 11 cao hơn thường lệ và chỉ có 20% bị giảm số đơn hàng.
Tính chung, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu đang ở mức sáng sủa nhất trong 15 năm qua. Ngày càng có nhiều công ty dự báo sản lượng của họ sẽ tăng lên trong quý I/2011, đưa chỉ số lạc quan trở lại mức hồi đầu năm nay.
Số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) đưa ra cùng ngày cũng cho thấy sản lượng lĩnh vực chế tạo của nước này trong tháng 10 tăng 0,6% so với tháng trước đó và tăng tới hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng số liệu lạc quan của ngành chế tạo sẽ không thể giúp đẩy số liệu GDP quý 4 tăng vọt, bởi sản lượng của các lĩnh vực khác như khai mỏ, dầu khí và điện nước lại giảm. Sản lượng công nghiệp chỉ chiếm 15% tổng sản lượng của nền kinh tế.
Cũng liên quan tới kinh tế châu Âu, thâm hụt thương mại tháng 10 của nền kinh tế lớn thứ hai - Pháp đã tụt xuống còn 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng trước đó, nhờ nhập khẩu năng lượng chậm lại.
Xuất khẩu của nước này giảm 1,1% xuống còn 32,39 tỷ Euro. Xuất khẩu của Pháp ổn định nhờ đơn đặt hàng máy bay của Airbus tăng. Trong khi, nhập khẩu cũng giảm 3,56% xuống còn 35,83 tỷ Euro.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Strauss-Kahn đã kêu gọi cộng đồng thế giới cùng chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ các nước thu nhập thấp phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững.
Lời kêu gọi trên được nhà lãnh đạo IMF đưa ra tại Diễn đàn tập hợp những người đứng đầu nhà nước, các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các nghị sĩ quốc hội châu Âu nhân Ngày phát triển châu Âu.
Ông Strauss-Kahn lưu ý, tuy các nước thu nhập thấp có ưu thế về hoạt động của nền kinh tế vĩ mô trong khủng hoảng toàn cầu, nhưng nhiều người dân nước này đã rơi vào cảnh nghèo đói. Vì vậy, ưu tiên của các nước thu nhập thấp sau khủng hoảng vẫn là phục hồi đà tăng trưởng một cách bền vững.
IMF đã tăng gấp 4 lần tín dụng phát triển với lãi suất 0% cho các nước thu nhập thấp để bảo vệ những người nghèo nhất và cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất. Năm 2009, chi tiêu cho y tế và giáo dục ở các nước thu nhập thấp được hưởng tín dụng ưu đãi của IMF đã tăng 10% và đầu tư công tăng 17%.
Nguồn: Stockbiz