Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Những con số giật mình

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cung cấp các khoản vay có tổng trị giá 9.000 tỷ USD cho các ngân hàng lớn và công ty ở Phố Wall. Số tiền khổng lồ này được giải ngân thông qua một chương trình cho vay đặc biệt do FED đưa ra hồi tháng 3/2008, khi ngân hàng Bear Stearns sụp đổ, để giữ cho thị trường trái phiếu hoạt động bình thường.

Số tiền mà FED bơm cho các đại gia tài chính chưa từng được công bố trước đó. Tất cả các khoản vay được hỗ trợ bởi tài sản thế chấp và hoàn trả lại FED với lãi suất rất thấp từ 0,5 - 3,5%/năm. Tuy nhiên, quy mô các khoản cho vay khiến không ít người giật mình, ngay cả với những người luôn theo dõi sát sao các nỗ lực giải cứu của FED.

Phần lớn các khoản vay và cứu trợ dành cho các thể chế tài chính trong nước của FED đều rơi vào tay các "đại gia" như Citigroup (2.200 tỷ USD), tiếp đến là Merrill Lynch (2.100 tỷ USD), Morgan Stanley (2.000 tỷ USD), Bear Stearns (960 tỷ USD), Bank of America (887 tỷ USD), Goldman Sachs (615 tỷ USD), JPMorgan Chase (178 tỷ USD) và Wells Fargo (154 tỷ USD).

Các ngân hàng nước ngoài cũng được hưởng lợi từ các khoản cứu trợ của FED thông qua các công cụ tài chính, trong đó có Chương trình đấu giá cho vay kỳ hạn (TAF), như ngân hàng UBS của Thụy Sĩ đã kiếm được khoản vay hơn 165 tỷ USD, Deutsche Bank (97 tỷ USD) và Royal Bank of Scotland (92 tỷ USD).

Barclays của Anh đã được FED cấp khoản tín dụng hơn 200 tỷ USD giải ngân cho hai chi nhánh đặt tại New York và Delaware. Ngoài ra, các ngân hàng của Nhật Bản, Brazil, Societe Generale (Pháp), Dexia (Bỉ), Bayerische Landesbank, Dresdner Bank và Commerzbank của Đức cũng phải viện tới sự trợ giúp của FED.

FED còn cung cấp các kênh tín dụng cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB - 8.000 tỷ USD), Ngân hàng Trung ương Anh (918 tỷ USD) và Nhật Bản; các tập đoàn không hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ như tập đoàn GE với khoản vay hơn 16 tỷ USD, Harley-Davidson (2,3 tỷ USD) và Caterpillar (733 triệu USD).

Những số liệu này được FED công bố dưới dạng hơn 21.000 giao dịch. Đây là một phần trong yêu cầu của Quốc hội Mỹ theo luật cải cách hệ thống tài chính. Khoản vay cuối cùng của chương trình này được giải ngân vào tháng 5/2009 và chương trình của FED chính thức kết thúc vào tháng 2 năm nay.

Đến hết quý 3, thương mại toàn cầu tăng trưởng 23%, tiếp tục đà phục hồi trong quý 2, nhưng còn xa mới lên lại mức đỉnh trước khủng hoảng tài chính. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, giá trị thương mại toàn cầu quý 3 cao hơn 18% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng thấp hơn mức 26% của quý 2/2010. WTO dự báo thương mại toàn cầu sẽ tăng 13,5% năm 2010.

Thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác trên thế giới tăng trưởng mạnh hơn so với thương mại trong EU, bị hạn chế do hoạt động kinh tế yếu. Xuất khẩu thế giới quý 3/2010 cao hơn 3% so với quý trước. Xuất khẩu tại châu Á tăng 30% so với cùng kỳ, châu Phi và Trung Đông tăng 22% , chủ yếu do giá hàng hóa tăng sau khủng hoảng.

Các quan chức ngành vận tải biển Philippines cho biết, một quỹ đầu tư do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát sẽ trở thành nhà điều hành vận tải biển lớn nhất ở Philippines theo một thỏa thuận sáp nhập hai hãng vận tải biển lớn của nước này. Vụ sáp nhập dự kiến hoàn tất vào tháng 1/2011.

Theo thỏa thuận giữa hãng vận tải biển Negros Navigation và Hệ thống Vận tải Aboitiz (ATS) công bố ngày 1/12, Negros Navigation sẽ mua lại 93,2% cổ phần của ATS với giá 105 triệu USD và trở thành nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển lớn nhất ở Philippines với đội tàu 31 chiếc.

Đồng thời, các quan chức ATS cho biết Trung Quốc-ASEAN Marine BV, một đơn vị thuộc Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CAICF), sẽ nắm cổ phần kiểm soát Negros Navigation thông qua việc mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, quy mô đầu tư của CAICF vào Nergos Navigation chưa được tiết lộ.

Trong báo cáo "Tình hình kinh tế thế giới và triển vọng năm 2011" (WESP 2011), Liên hợp quốc cảnh báo kể từ giữa năm nay, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đã bắt đầu chững lại và có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng trong hai năm tới sẽ yếu đi. Năm nay, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,6%, song sẽ lần lượt giảm xuống còn 3,1% và 3,5% trong hai năm tiếp theo.

Dự kiến trong năm 2011, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ chỉ đạt 2,2%, giảm so với tốc độ 2,6% dự kiến cho năm nay, trước khi tăng lên mức 2,8% vào năm 2012. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này có thể sẽ lên mức 10% vào năm tới.

Theo WESP 2011, các cường quốc kinh tế mới nổi là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil tiếp tục là đầu tàu thúc đẩy đà tăng trưởng của thế giới. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc năm tới dự kiến đạt 8,9%, giảm so với mức tăng trưởng 10,1% trong năm nay. Song, sẽ tăng trở lại và đạt mức mục tiêu 9,0% trong năm 2012.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ trong các năm từ 2010-2012 lần lượt là 8,4%, 7,1% và 7,3%. Brazil, một trong những nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 7,6% trong năm nay trước khi giảm xuống lần lượt còn 4,5% và 5,2% trong hai năm tiếp theo.

Báo cáo của Liên hợp quốc dự báo các nước đang phát triển tại châu Á sẽ tạo nên một khu vực tăng trưởng cao nhất thế giới - khoảng 7% trong hai năm tới. Mức tăng trưởng năm tới ở Mỹ Latin là 4%, Trung Đông và Tây Á là khoảng 4,7%, trong khi châu Phi nhỉnh hơn một chút (5%).

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm qua đã giữ nguyên lãi suất ở mức 1% như dự báo trong bối cảnh lo sợ về khủng hoảng nợ công vẫn còn bao trùm và đà phục hồi kinh tế khu vực tiếp tục bộc lộ dấu hiệu ảm đạm. Tất cả 74 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters dự báo ECB giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục này cho đến quý 4/2011.

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cho biết, định chế tài chính này sẽ tiếp tục cung cấp các biện pháp thanh khoản đặc biệt cho các ngân hàng thương mại đến quý 1/2011. Ông Trichet cho rằng, chính sách hiện nay vẫn còn thích hợp và kỳ vọng lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ.

Trước đó, Cơ quan Thống kê châu Âu cho hay, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý 3, do sự trì trệ của lĩnh vực đầu tư kinh doanh. GDP quý 3 của 16 quốc gia khu vực này tăng 0,4% so với quý 2 và 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM