Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Nóng tranh chấp thương mại

Sợi thủy tinh của Trung Quốc bị EU áp thuế trừng phạt. WTO nhận định, Mỹ hỗ trợ cho Boeing là bất hợp pháp. Trước đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đối xử không công bằng với các nhà cung cấp thép và các dịch vụ thanh toán điện tử của Mỹ...

Áp thuế trừng phạt

Ngày 16/9, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế trừng phạt đối với sợi thủy tinh nhập khẩu từ Trung Quốc, bất chấp mối lo ngại rằng thuế mới sẽ hạn chế nguồn cung loại vật liệu nhẹ này vào EU. Thuế mới được áp dụng ở mức 43,6% và có hiệu lực trong sáu tháng, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) có kế hoạch kéo dài quyết định này thêm 5 năm.

Quyết định áp thuế mới đang gây phản ứng trái chiều trong các hãng sản xuất EU. Một số coi đây là động thái đối trọng với việc các nhà xuất khẩu Trung Quốc bán phá giá sợi thủy tinh trên thị trường EU, đe dọa việc làm tại các hãng này.

Các hãng sử dụng sợi thủy tinh để sản xuất tuabin phát điện bằng sức gió, ôtô và tàu biển lo ngại thuế mới có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung và tăng giá thành sản xuất đối với hàng nghìn công ty hữu quan trong EU.

Cuộc chiến hàng không

Các quan chức EU tuyên bố giành thắng lợi trong vụ tranh cãi kéo dài nhiều năm qua giữa hai "gã khổng lồ" trong ngành sản xuất máy bay là Boeing và Airbus. EU đưa ra tuyên bố khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết sơ bộ cho rằng việc Mỹ trợ cấp cho Boeing là bất hợp pháp.

Trong phán quyết, được gửi cho các bên và chưa công bố chính thức, Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO đã ủng hộ quan điểm của EU cho rằng các khoản trợ cấp trị giá 23 tỷ USD mà chính quyền Mỹ dành cho Boeing theo một dự án nghiên cứu quốc phòng là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, phán quyết mới nhất này của WTO lại càng khiến cuộc tranh cãi kéo dài sáu năm qua về vấn đề nhận trợ cấp giữa hãng Airbus và Boeing trở nên phức tạp vì cuối tháng Sáu vừa qua, WTO cũng đưa ra phán quyết rằng những khoản hỗ trợ của các chính phủ EU cho hãng Airbus là sai quy định. Washington và Boeing khi đó cũng tuyên bố thắng trong vụ tranh cãi này.

Không công bằng

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng khi Washington kêu gọi WTO tiến hành điều tra các chính sách thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Washington đã yêu cầu WTO điều tra hành vi của Trung Quốc được cho là đối xử không công bằng với các nhà cung cấp thép và các dịch vụ thanh toán điện tử của Mỹ.

Trong đơn kiện, phía Mỹ cáo buộc Bắc Kinh đang tạo cho các doanh nghiệp trong nước những lợi thế không công bằng thông qua các khoản trợ cấp, khiến nhiều lao động Mỹ có nguy cơ mất việc làm. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk bày tỏ Mỹ "lo ngại Trung Quốc đang phá vỡ những cam kết thương mại của họ đối với Mỹ và các đối tác khác trong WTO". Ông khẳng định các mức thuế do Trung Quốc áp đặt đã làm tăng giá các sản phẩm thép của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc, với ảnh hưởng thực tế là giảm hoặc phong tỏa xuất khẩu thép vào nước này.

Đồng Yên lại nóng

Đồng Yên Nhật tăng trở lại so với hầu hết các đồng tiền khác, do các hãng xuất khẩu Nhật đang tăng cường mua vào đồng Yên tại gần mức thấp 2 tuần nhằm tìm kiếm lợi nhuận tại thị trường nước ngoài trước khi nửa đầu năm tài khóa kết thúc.

“Rõ ràng là, các hãng xuất khẩu đang muốn mua đồng Yên. Thêm vào đó, các công ty Nhật cũng đang lo lắng khi nửa đầu năm tài khóa sắp kết thúc”- Yuji Saito, Giám đốc Ủy ban ngoại hối của Credit Agricole Corporate and Investment Bank cho biết.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật cho biết, chính quyền sẽ tiếp tục can thiệp vào thị trường nhằm ngăn đồng Yên mạnh lên khi giới đầu tư ngày một lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng thị trường tiền tệ tới sự phục hồi kinh tế yếu ớt của Nhật Bản.

Nguồn: vneconomy

ĐỌC THÊM