Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Sự trở lại của USD

Đồng bạc xanh đã leo lên mức cao nhất trong 10 tuần so với Yên Nhật, do giới đầu tư kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ được cải thiện nhờ chương trình cắt giảm thuế được mở rộng, lợi suất trái phiếu khó bạc Mỹ tăng cao.

Phiên giao dịch ngày 8/12, đồng USD tăng giá khoảng 0,7% so với Yên Nhật, lên gần mức cao nhất kể từ ngày 27/9. So với Euro, đồng USD duy trì ở khoảng 1,3262 USD/Euro.

Chỉ số USD Index, đo biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 loại tiền tệ lớn khác trong đó bao gồm Yên Nhật, Euro và Bảng Anh, đã tăng được 0,2%. Cùng ngày, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tăng lên 3,33%, cao nhất kể từ ngày 4/6.

Tính chung tháng 11, đồng USD đã tăng được 2,3%, trong khi Euro hạ 1,9% và Yên Nhật giảm 0,6%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm tới nay, đồng USD giảm 1,1%, đồng Euro giảm tới 9,2%, còn Yên Nhật tăng 10,8%.

Trên thị trường vàng, giá kim loại này hôm qua giảm hơn 1% xuống vùng 1.380 USD/oz. Tính tới 6:15 sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng đứng ở mức 1.380,69 USD/ounce, trong phiên có lúc vàng đã giảm xuống vùng 1.370 USD/ounce.

Tuy nhiên, trước đó 1 ngày, ông Aram Shishmanian, Giám đốc điều hành Hội đồng vàng thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng đang “rất mạnh” nhờ việc mua vàng trang sức, tăng trưởng kinh tế châu Á và lực mua của nhà đầu tư tại khu vực này.

Trả lời phỏng vấn hãng CNBC, ông Shishmanian cho rằng, tăng trưởng kinh tế châu Á, đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc, đang làm thay đổi hoàn toàn thị trường vàng.

Bên cạnh đó, cam kết mua vàng của các ngân hàng trung ương cũng đẩy nhu cầu vàng tăng cao. Theo ông, nhà đầu tư đang đẩy giá vàng leo thang. Hiện WGC chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào về sự chững lại của nhu cầu đối với kim loại quý này.

Ông cho rằng, trước sự tiếp diễn của cuộc khủng hoảng nợ công và mất giá của đồng USD, nhà đầu tư đang tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn. “Triển vọng nguồn cung đang thật sự hạn hẹp. Rất ít mỏ vàng được tìm thấy và nguồn cung không gia tăng".

Tờ Chứng khoán Trung Quốc hôm qua lại tiết lộ tin quan trọng, Trung Quốc sẽ sớm áp dụng thuế bất động sản, nhiều khả năng trước kỳ họp quốc hội vào tháng 3/2011.

Dự kiến Thượng Hải và Trùng Khánh sẽ là hai trong số các thành phố đầu tiên tiến hành thử nghiệm, nhưng thời gian chính xác vẫn chưa được quyết định.

“Thời điểm tốt nhất có lẽ là trước kỳ họp Quốc hội và Hội nghị chính trị hiệp thương Trung Quốc (CPPCC) trong tháng 3”, báo trên dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay.

Cũng liên quan tới kế hoạch năm tới, theo hãng tin BBC, các ngân hàng châu Âu sẽ tiến hành đợt thanh tra thứ hai vào tháng 2/2011. Ủy viên kinh tế và tiền tệ Liên minh châu Âu (EU) Olli Rehn cho biết, đợt này sẽ chặt chẽ và toàn diện hơn lần trước.

Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp các bộ trưởng tài chính và quan chức EU. Được biết, nhận định mà các quan chức đưa ra sau cuộc họp này là kinh tế khu vực đồng Euro vẫn đang phục hồi nhưng lĩnh vực tài chính còn nhiều khó khăn.

Tờ Irish Times sáng 8/12 cho hay, tối ngày 7/12, Quốc hội Ireland đã thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng năm 2011. “Mọi khoản thu nhập đều ảnh hưởng vì tăng thuế và cắt giảm phúc lợi”, báo này viết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland Brian Lenihan cho biết, khoản tiết kiệm lên đến 6 tỉ Euro vào năm sau sẽ được lấy từ việc tăng thuế với tất cả người lao động và giảm phúc lợi xã hội của những người đang được nhận.

Thay đổi này cũng có nghĩa những người có thu nhập thấp, trước đây không nằm trong diện đóng thuế, sẽ phải đóng thuế. Đồng thời, thuế đánh trên xăng dầu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, thuế đối với phí du lịch giảm nhằm thu hút du khách.

Viên chức công bị cắt giảm lương, điển hình như Thủ tướng bị giảm 14.000 Euro/năm, các bộ trưởng bị cắt 10.000 Euro/năm. Tổng thống cũng tự nguyện giảm lương trong năm 2011 xuống mức 250.000 Euro/năm.

Đây ngân sách eo hẹp nhất trong kế hoạch thắt lưng buộc bụng 4 năm tới của Ireland nhằm tiết kiệm 15 tỉ Bảng Anh, gần 10% GDP hàng năm của nước này, nhằm đưa thâm hụt ngân sách về giới hạn 3% GDP của EU vào năm 2014.

Trước đó, các bộ trưởng tài chính EU đã thông qua kế hoạch cứu trợ 85 tỷ Euro cho Ireland, gồm 10 tỷ Euro cho các ngân hàng, 25 tỷ dự trữ đề phòng trường hợp khẩn cấp và 50 tỷ dành cho kế hoạch giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ Ireland.

Cũng liên quan tới nền kinh tế châu Âu, Thượng viện Italy vừa thông qua kế hoạch ngân sách năm 2011, theo đó sẽ cắt giảm 25 tỷ Euro ngân sách trong hai năm tới, nhằm ổn định tình hình tài chính công và tái đảm bảo với các thị trường.

Đây được coi là biện pháp quan trọng của Italy nhằm tránh đi theo "vết xe đổ" khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp. Tháng 11 vừa qua, Hạ viện Italy đã thông qua kế hoạch ngân sách này.

Việc cắt giảm ngân sách sẽ được thực hiện trong một loạt lĩnh vực, từ các khoản tài trợ của chính phủ dành cho các chính quyền địa phương, đến lương bổng đối với công nhân viên chức thuộc khu vực công.

Trong khi đó, trang tin Vietnamplus dẫn báo cáo "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2011" của Liên hợp quốc cho hay, tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu năm tới dự kiến chỉ đạt 3%, do thiếu việc làm và những rủi ro nghiêm trọng vẫn còn tồn tại.

Báo cáo cho biết trong số các nền kinh tế phát triển, kinh tế Mỹ phục hồi yếu nhất sau khủng hoảng. Mức tăng trưởng GDP của Mỹ dự kiến giảm từ 2,6% năm 2010 xuống 2,2% năm 2011, sau đó mới tăng lên 2,8% năm 2012.

Tốc độ tăng trưởng đó sẽ không giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao và chương trình khôi phục việc làm hậu khủng hoảng sẽ kéo dài ít nhất bốn năm nữa. Trong khi đó, GDP ở khu vực châu Âu chỉ đạt 1,3% năm 2011 và 1,9% năm 2012.

Tại Nhật Bản, ban đầu kinh tế phục hồi mạnh nhờ xuất khẩu tăng, nhưng bước sang năm 2010 phục hồi kinh tế của Nhật Bản bắt đầu chậm lại do tình trạng giảm phát kéo dài và nợ công leo thang. Dự kiến mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2011 đạt 1,1% và năm 2012 đạt 1,4%.

Trong số các nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển tiếp, GDP trung bình của Cộng đồng các quốc gia độc lập và Gruzia đạt khoảng 4% năm 2010 và có xu hướng giảm trong hai năm tiếp theo.

Các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục là động lực thúc đẩy phục hồi toàn cầu, nhưng mức tăng trưởng của các nước này cũng sẽ giảm còn 6% trong năm 2011-2012, thấp hơn so với 7% trong năm nay, do mức tăng trưởng chậm lại ở các nước phát triển và giảm bớt các biện pháp kích cầu kinh tế.

Các nước đang phát triển tại châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhất nhưng cũng chỉ đạt khoảng 7% năm 2011-2012. Tăng trưởng khu vực Mỹ Latinh dự kiến giảm từ 5,6% năm 2010 xuống 4% năm 2011-2012.

Tại Trung Đông và các nước khác ở khu vực Tây Á, phục hồi kinh tế dự kiến giảm từ 5,5% năm 2010 xuống 4,7% năm 2011 và 4,4% năm 2012. Phục hồi kinh tế ở hầu hết các nước châu Phi đều vững chắc và đạt khoảng 5% năm 2011-2012.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM