Hôm 13/10, JP Morgan Chase công bố lợi nhuận ròng quý 3/2010 tăng 23%, vượt dự báo của giới phân tích, lên 4,42 tỷ USD (tương đương 1,10 USD/cp), từ mức 3,59 tỷ USD (82 cent/cp) cùng kỳ năm trước, bởi dự phòng cho các khoản vay xấu giảm.
JP Morgan Chase là ngân hàng đầu tiên trong 5 ngân hàng lớn nhất Mỹ công bố lợi nhuận quý 3/2010. Doanh thu của ngân hàng từ bộ phận ngân hàng đầu tư và dịch vụ thẻ giảm so với cùng kỳ năm trước. Dự phòng thua lỗ thế chấp, thẻ tín dụng và nợ thẻ tín dụng giảm 5,8 tỷ USD.
Mặc dù kết quả lợi nhuận khả quan, nhưng chốt phiên giao dịch hôm qua (13/10) trên thị trường New York, cổ phiếu JP Morgan hạ 56 cent, tương ứng 1,4%, xuống 39,84 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu của ngân hàng này đã mất 4,4% trong năm 2010.
Kết quả lợi nhuận của JP Morgan dù sao cũng vẫn là một yếu tố có lợi khi góp phần thúc đẩy Phố Wall tăng điểm phiên thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, theo giới phân tích, sở dĩ Phố Wall giữ được sắc xanh, còn xuất phát từ kỳ vọng liều thuốc “thần kỳ” mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mang lại cho nền kinh tế đầu tàu, nới lỏng định lượng.
Chốt phiên giao dịch ngày 13/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones xác lập đỉnh cao mới trong 5 tháng, 11.096,08 điểm. Chỉ số S&P 500 vượt ngưỡng kháng cự kỹ thuật ngắn hạn 1.173,58 điểm khi lên tới 1.178,10 điểm. Nasdaq tăng 0,96%.
Theo phân tích của tờ The Economist, chiến thuật cắt giảm lãi suất cổ điển đã bị đẩy tới gần cực điểm, mặc dù Nhật Bản tuần qua lại hạ thêm lãi suất xuống mức 0-0.1%. Dường như khó tạo ra sự khác biệt về lợi suất giữa các nước phát triển khi mà đâu đâu lãi suất cũng dưới 1%.
Trong số các nước giàu, cả Nhật Bản và Thụy Sỹ cũng theo đuổi chính sách can thiệp tỷ giá. Nhưng chiến thuật này chỉ có hiệu quả nhất khi các ngân hàng trung ương mua có phối hợp, và liệu có nước nào giúp nước khác phá giá đồng tiền. Do đó chỉ còn lại một lựa chọn là nới lỏng định lượng, hay nói cách khác là tạo thêm tiền để mua tài sản.
Phương pháp này thường được giới thiệu là chiến thuật kích thích nền kinh tế nội địa bằng cách giảm chi phí tài chính và bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư tin rằng FED sẽ sớm bị cuốn vào cuộc chơi này ngay trong tháng 11 tới.
Viễn cảnh của việc tiếp tục nới lỏng định lượng giúp giải thích tại sao vàng, cổ phiếu và trái phiếu chính phủ đều tăng giá cùng lúc. Nới lỏng định lượng giống như một liều thuốc thần, làm tăng giá mọi loại tài sản.
Trước đó, trong cuộc họp kín ngày 12/11 của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC), các quan chức FED cho rằng, chính quyền cần đưa ra ngay các biện pháp kích thích kinh tế mới trước khi quá muộn để hỗ trợ tiến trình phục hồi kinh tế đang chậm lại tại nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Báo cáo của FOMC vừa mới được công bố hôm qua, không đưa ra chi tiết cụ thể của kế hoạch hay bất kỳ gói kích thích mới nào, song các thành viên ủy ban nhìn chung đều nhất trí rằng một hành động như vậy sẽ sớm diễn ra nếu các điều kiện kinh tế đòi hỏi.
FOMC cho biết, FED đã sẵn sàng để đưa ra gói kích thích bổ sung nếu cần, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế. Kế hoạch này được quyết định sau khi các thành viên ủy ban cảnh báo các điều kiện kinh tế đang ngày càng xấu đi kể từ sau hội nghị FOMC ngày 10/8.
Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, tờ Wall Street Journal cho biết, các thể chế tài chính Phố Wall đang chuẩn bị chi trả một khoản tiền đền bù và thưởng lãi kỷ lục lên tới 144 tỷ USD.
Khoản chi trả này bao gồm tiền thưởng, tiền lãi và quyền mua cổ phiếu cho các lãnh đạo và nhân viên các ngân hàng và công ty tài chính và tăng 4% so với kỷ lục 139 tỷ USD được chi trả vào năm 2009.
Cuộc khảo cứu trên được tiến hành đối với 35 thể chế tài chính Phố Wall, bao gồm các ngân hàng, các quỹ dự phòng và các tổ chức quản lý tiền, cho thấy 29 trong số này dự kiến sẽ có thu nhập tăng 3%, từ 433 tỷ lên 448 tỷ USD.
Tuy nhiên, khoản lợi nhuận khoảng 61 tỷ USD của các công ty này trong năm nay vẫn giảm 20% so với khoản lợi nhuận 82 tỷ USD của năm 2006, mặc dù vào thời điểm đó, các khoản đền bù và thưởng lãi tại các thể chế này đã tăng tới 23%.
Hôm qua, Trung Quốc chính thức công bố dự trữ ngoại tệ tăng lên tới 2.650 tỷ USD, vượt xa so với dự đoán 2.500 tỷ trước đó. Như vậy, đến cuối tháng 9, Trung Quốc là nước có mức dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với tổng trị giá tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo công bố của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tính riêng quý 3/2010, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng thêm 194 tỷ USD. Thặng dư thương mại và dòng vốn nước ngoài liên tục đổ vào thị trường Trung Quốc cũng góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối. Cung tiền M2, thước đo cung tiền lớn nhất, cũng tăng 19% so với tháng 9/2009.
Hôm qua, Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy F. Geithner cho rằng, chính sách mua USD để ghìm giá nội tệ của Trung Quốc đang bóp méo hệ thống tiến tệ toàn cầu, bởi những chính sách kiểu này khiến các nước mới nổi liên tục can thiệp tỷ giá.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/10 đã nâng mức dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2010 và 2011, sau khi các số liệu thống kê mới nhất chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại những nước công nghiệp phát triển, mạnh hơn so với dự đoán.
Theo báo cáo hàng tháng của IEA, nhu cầu dầu mỏ thế giới nhiều khả năng sẽ đạt tới 86,9 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay, tăng so với dự đoán đưa ra hồi tháng trước là 86,6 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, IEA cũng cho biết dựa trên dự đoán về mức tăng trưởng kinh tế mới nhất được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi đầu tháng 10, nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm tới sẽ tăng tới 88,2 triệu thùng/ngày, cao hơn so với dự báo 87,9 triệu thùng/ngày mà tổ chức này công bố hồi tháng trước.
Những số liệu trong báo cáo trên của IEA đưa ra cao hơn so với dự đoán của OPEC công bố một ngày trước đó.
Trước đó, ngày 12/10, OPEC đã nâng mức dự đoán về nhu cầu dầu mỏ thế giới lên 85,59 triệu thùng/ngày trong năm nay và 86,64 triệu thùng/ngày trong năm sau.
OPEC nhấn mạnh, dự báo tăng thêm này là do sự tăng trưởng kinh tế thế giới cao hơn dự kiến trong sáu tháng đầu năm nay nhờ những kế hoạch khôi phục kinh tế. OPEC vẫn dữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu thô trong năm 2011.
Cũng liên quan tới “vàng đen”, theo hãng tin BBC, Chính phủ Mỹ đã xác nhận, lệnh cấm khoan dầu trên Vịnh Mexico sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cho biết, trước khi tiếp tục các hoạt động khai thác dầu tại đây, các công ty sẽ phải đáp ứng một loạt tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn.
Lệnh cấm khoan dầu kéo dài 6 tháng này được đưa ra sau thảm hoạ tràn dầu trên Vịnh Mexico tháng 4 vừa qua, tuy nhiên ngày càng có nhiều người cho rằng nên chấm dứt lệnh cấm này vì lý do kinh tế. Lệnh cấm đã khiến ít nhất 12.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực dầu khi tại khu vực Vịnh Mexico thất nghiệp.
Nguồn: Vneconomy