Hàng loạt thị trường hàng hóa thế giới dao động mạnh. Tin xấu dồn dập, từ nợ công châu Âu, dự báo kinh tế kém lạc quan ở Mỹ cho tới xung đột trên bán đảo Triều Tiên, đã làm kinh tế thế giới rung lắc dữ dội trong suốt 24 giờ qua.
Sáng qua, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã nã pháo vào nhau. Vụ pháo kích đã làm ít nhất một binh sỹ Hàn Quốc thiệt mạng và ít nhất 16 người khác bị thương. Đây là vụ việc nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên cách đây hơn 50 năm.
Trong khi đó, nhà đầu tư đang chuyển dần sự lo lắng về nợ công châu Âu từ Ireland sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, bất chấp lãnh đạo hai quốc gia này tuyên bố không cần trợ giúp từ bên ngoài như Ireland hay Hy Lạp.
Hôm qua, Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates khẳng định, nước ông không cần đến bất kỳ sự viện trợ nào từ bên ngoài để vượt qua những khó khăn về tài chính. Tuyên bố được đưa ra sau khi Chính phủ Ireland công bố kế hoạch bắt giảm 15 tỷ Euro thâm hụt ngân sách và đề nghị Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế cứu trợ 90 tỷ Euro.
Thủ tướng Socrates trấn an rằng, các thị trường không nên có những dự đoán phi lý về kinh tế Bồ Đào Nha, vì nước ông không có bất kỳ vấn đề nào trong hệ thống tài chính, không có bong bóng bất động sản và tình hình ngân sách không giống Ireland. Không những thế, Bồ Đào Nha còn có thể sẽ tham gia vào gói cứu trợ Ireland như đã từng giúp đỡ Hy Lạp hồi 6 tháng trước.
Từ Tây Ban Nha, Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero cũng khẳng định sẽ không noi theo Ireland trong việc đề nghị EU cứu trợ. Ông tin tưởng kinh tế Tây Ban Nha vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài để giảm thâm hụt ngân sách.
Tuy nhiên, Kathy Lien, Giám đốc nghiên cứu tiền tệ tại GFT Forex ở New York nhận định, nhiều khả năng Ireland sẽ châm ngòi cho một hiệu ứng dây chuyền về khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. "Nguy cơ bất ổn tiếp tục leo thang khiến các đồng tiền bị áp lực nhiều phía và diễn biến ngoài tầm kiểm soát", ông nói.
Phiên giao dịch chứng khoán hôm qua, thị trường toàn cầu đỏ lửa. Chứng khoán Mỹ giảm hơn 1%, trong đó chỉ số Dow Jones giảm 1,27%, S&P 500 mất 1,43%, Nasdaq hạ 1,46%. Các thị trường châu Âu cũng sụt giảm trên 1%, cá biệt thị trường Pháp giảm gần 2,5%. Các thị trường châu Á đồng loạt đi xuống, trong đó mạnh nhất là thị trường Hồng Kông.
Trên thị trường vàng vật chất, giá vàng thế giới đêm qua cũng tăng vọt lên 1.377,6 USD/ounce và tiếp tục giao dịch ở mức cao khi mở phiên châu Á. Vàng kỳ hạn giao tháng 12 tăng 1,5% lên 1.377,6 USD/ounce, vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.375,49 USD/ounce. Giới phân tích cho rằng, mục tiêu hướng tới của giá vàng sẽ là 1.400 USD/ounce.
Phó chủ tịch RBC Wealth Management, ông George Gero, nhận định vàng tăng giá trở lại, là do trong những tuần gần đây các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến gói cứu trợ cho Ireland và chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Thêm vào đó, cuộc bãi công của công nhân mỏ tại Chile và vấn đề việc làm tại Nam Phi - quốc gia giàu trữ lượng vàng - cũng là những nhân tố đẩy giá vàng lên. Bên cạnh đó, lo ngại xung quanh chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên có thể dẫn đến bất ổn chính trị, khiến người dân có xu hướng mua vàng tích trữ.
Trên thị trường ngoại hối, đồng Euro mất giá nghiêm trọng. Lúc 5h chiều qua tại New York, đồng Euro giảm 1,9% xuống còn 1,3367 USD, thấp nhất kể từ ngày 24/9. So với một số ngoại tệ mạnh khác, Euro cũng sụt giá mạnh. Cụ thể, Euro giảm 1,1% so với France Thụy Sỹ, còn 1,333 France; giảm 2,1% so với Yên Nhật, còn 111,16 Yên.
Tại châu Á, đồng Yên Nhật tăng mạnh so với hầu hết các loại ngoại tệ khác, từ Euro, USD, cho tới đôla Australia và Canada. Đồng Won của Hàn Quốc tụt dốc tới 3,3% xuống còn 1.166,5 Won/USD, mạnh nhất trong vòng 6 tháng qua.
Ngược với thị trường vàng, ngoại tệ, giá dầu thô hôm qua giảm nhẹ. Tại thị trường New York, giá dầu thô giao tháng 1/2011 giảm 49 cent, xuống 81,25 USD/thùng. Tại London, giá dầu Brent hạ 71 cent xuống 83,25 USD/thùng.
Thêm một yếu tố cũng tác động không ít tới sự thăng giảm của các thị trường hàng hóa đêm qua là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ dự báo tăng trưởng năm 2010 và 2011. Đồng thời FED nhận định phải mất hơn 6 năm nữa thất nghiệp, tăng trưởng và lạm phát mới có thể trở về các mức bình thường.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế, FED dự báo, GDP cả năm 2010 của nền kinh tế đầu tàu sẽ tăng trưởng từ 2,4 - 2,5%, thấp hơn dự báo 3 - 3,5% được đưa ra hồi tháng 6. Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 23/11, GDP quý 3 tăng 2,5%, cao hơn mức 1,7% trong quý 2, nhưng thấp hơn mức 3,7% trong 3 tháng đầu năm.
FED cũng hạ dự báo tăng trưởng năm tới xuống 3 - 3,6%, từ mức 3,5 - 4,2% đưa ra trong lần dự báo tháng 6. Tuy nhiên, cơ quan này có cái nhìn lạc quan hơn về năm 2012. FED nâng dự báo tăng trưởng năm 2012 lên 3,6 - 4,5%, so với mức 3,5 - 4,5% trong lần dự báo trước.
Về tỷ lệ thất nghiệp, FED nhận định, tỷ lệ này trong năm nay sẽ dao động từ 9,5 - 9,7% và chỉ giảm xuống 8,9 - 9,1% vào năm 2011, cao hơn nhiều so với mức dự báo 8,3 - 8,7% đưa ra hồi tháng 6. Đến năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống còn 6,9 - 7,4%, nhưng vẫn cao hơn mức 4,6% hồi trước suy thoái (năm 2007).
Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, tiến sỹ Martin D. Weiss, nhà phân tích thị trường tài chính hàng đầu của Mỹ và Giám đốc Viện Nghiên cứu về sự tin cậy đầu tư của các ngân hàng và công ty bảo hiểm Mỹ cho biết, tính đến ngày 22/11, số ngân hàng "có vấn đề" đã lên tới có số 903 với tổng tài sản ước tính 419,6 tỷ USD.
Như vậy, số ngân hàng "có vấn đề" đã gấp 10 lần về số lượng ngân hàng và 16 lần về số tài sản so với số ngân hàng "báo động đỏ" được Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) công bố hai năm trước. Ông nhấn mạnh các ngân hàng lớn của Mỹ vẫn ở trong tình trạng dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng, do ngày càng nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ.
Nguồn: Vneconomy