Nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng cũng như các loại hàng hóa khác trong thời gian tới, bất chấp sự tăng giảm đột ngột đáng sợ trong hai tuần liên tiếp vừa qua, các nhà phân tích quốc tế tin tưởng.
Giới phân tích giàu kinh nghiệm cho rằng, đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở những quốc gia mới nổi sẽ hình thành một lớp người tiêu dùng mới, mong muốn cuộc sống thịnh vượng hơn. Từ đó đẩy bật lượng tiêu thụ các loại hàng hóa như vàng, dầu và cả lương thực.
"Kinh tế Trung Quốc, Viễn Đông, Trung Đông, Ấn Độ, Mỹ Latin, Nam Mỹ, Brazil, Argentina, Chile… đang phát triển, người lao động sẽ có đồng lương tốt hơn và chúng ta phải quen với những ngôi nhà to đẹp, xe hơi, điện thoại di động, điều hòa… ở những đất nước này", Marshall Berol tại quỹ đầu tư Encompass nói.
Còn theo Owen Hegarty, Phó chủ tịch G-Resources Group tại Hồng Kông, nhu cầu hàng hóa tại Trung Quốc vẫn rất lớn khi quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh, đô thị hóa, phát triển hạ tầng đang tiếp tục.
Không lạc quan về thị trường kim loại quý, nhưng Chủ tịch hãng CL Willard Capital, ông Cody Willard, thì cho rằng, nhà đầu tư nên mua vào "dầu, ngô, đậu tương và bất cứ thứ gì bạn phải sử dụng hàng ngày".
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát năng lượng thường niên lần thứ chín, do Viện Năng lượng Toàn cầu KPMG (Mỹ) thực hiện mới đây, cho thấy hầu hết nhà lãnh đạo các công ty năng lượng trên thế giới đều dự báo giá dầu thô toàn cầu sẽ tăng trên 121 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2011.
Các nhà khảo sát trên đã phỏng vấn 550 giám đốc tài chính trực thuộc các công ty năng lượng trên thế giới, và kết quả cho thấy 32% giám đốc dự kiến giá dầu thô năm 2011 sẽ tăng lên 121-130 USD/thùng;
1/3 giám đốc dự đoán giá dầu sẽ cao hơn, trong đó 17% dự đoán giá dầu đạt khoảng 131-140 USD/thùng; 9% dự đoán từ 141-150 USD/thùng và 6% dự đoán giá dầu thô có thể tới 151 USD/thùng vào cuối năm 2011.
Bên cạnh những nguyên nhân đáng chú ý gần đây như tình hình rối loạn chính trị đang lan tràn khắp khu vực Trung Đông và Bắc Phi; động đất và sóng thần tại Nhật Bản; động đất ở New Zealand; lũ lụt ở bang Queensland của Australia... còn do một số nguyên nhân trực tiếp khác.
Cụ thể, chính quyền Iraq sẽ cắt giảm một nửa mục tiêu sản xuất dầu mỏ, còn sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia không thể bù đắp lượng dầu mỏ thiếu hụt của Libya để cung cấp cho thị trường quốc tế, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại châu Á tăng mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Jonathan Barratt, Giám đốc điều hành Commodity Broking Services thì cho rằng, việc nhà đầu tư bán tháo hàng hóa vài phiên gần cũng là một tín hiệu tốt. Ngoài ra, điều này sẽ mở ra cơ hội để nhà đầu tư mua vào, bởi lạm phát vẫn là một nỗi lo thực tế.
Theo nhận định của ông Li Daokui, cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), nước này cần tiếp tục nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát, bởi lẽ tình trạng lạm phát cao có thể kéo dài trong các năm tới do giá hàng hóa toàn cầu ngày càng tăng cao.
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế hôm qua, ông Li nói rằng, “Trung Quốc là một nền kinh tế khổng lồ, duy nhất, và thu hút được rất nhiều sự chú ý; vì thế việc nâng lãi suất cần được quản lý cẩn thận. Nếu lãi suất quá cao, dòng vốn nóng cũng sẽ chảy vào rất mạnh”.
Theo ông, Trung Quốc có thể tăng trưởng 9,3 - 9,4% trong 2011 bất chấp việc thắt chặt chính sách, và sẽ duy trì mức tăng trưởng bình quân 9% trong vòng 5 năm tới. “Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh hợp lý và tôi cho rằng kinh tế sẽ duy trì được đà tăng trưởng nhanh này trong vòng 5 năm tới”.
Trong khi tại Ấn Độ, lạm phát tháng 4 của nước này đã tăng nhanh hơn dự báo. Do đó, ngân hàng trung ương nước này đứng trước sức ép ngày càng cao về việc nâng lãi suất vì giá cả có nguy cơ leo thang sau khi thuế quan xăng dầu tăng mạnh nhất trong 3 năm.
Chỉ số giá bán sỉ tăng 8,66% trong tháng 4, thấp hơn mức 8,98% trong tháng 3, nhưng cao hơn dự báo 8,5% của 19 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của hãng tin Bloomberg. Hôm qua, Ấn Độ đã nâng giá xăng thêm tới 8,5% và vấp phải sự chống đối của đảng đối lập.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) cam kết duy trì cuộc chiến chống lạm phát sau 9 lần nâng lãi suất kể từ giữa tháng 3/2011, tốc độ gia tăng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á.
Hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nước này vừa chạm trần nợ 14.300 tỷ USD và đang tiến hành một số biện pháp cắt giảm chi tiêu để tránh phá vỡ mức trần này tới ngày 2/8. Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner thúc giục Quốc hội nâng trần nợ để đảm bảo niềm tin trên toàn cầu.
Ông Geithner cho biết, “tôi đã gửi thư lên Quốc hội về tầm quan trọng của việc nâng trần nợ đúng lúc để bảo toàn niềm tin vào nước Mỹ và ngăn chặn các thảm họa kinh tế đối với người dân. Một lần nữa, tôi thúc giục Quốc hội nên nâng trần nợ trong thời gian sớm nhất có thể”.
Đồng thời, ông cho biết sẽ tạm ngừng đầu tư vào hai quỹ lương hưu lớn của Chính phủ. Như vậy, Quốc hội Mỹ còn 11 tuần để nâng trần nợ, nếu không hệ thống tài chính nước này có thể rơi vào hoảng loạn hoặc kinh tế sẽ rơi vào suy thoái kép.
Trước đó một ngày, phát biểu trên kênh truyền hình CBS News, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định lại lập trường của mình rằng, đảng Cộng hòa không nên xem quyết định về trần nợ và việc cắt giảm chi tiêu như là một phần của các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách.
Ông Obama nói, “nếu nhà đầu tư trên toàn thế giới cho rằng, niềm tin và mức độ tín nhiệm của Mỹ không được củng cố, nếu họ nghĩ rằng Mỹ có thể không thể thanh toán được nợ, thì điều này có thể khiến hệ thống tài chính sụp đổ”. “Chúng ta có thể rơi vào một cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chính tồi tệ hơn”.
Nguồn tin: vneconomy