Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: Trung Quốc chưa thể vượt Mỹ

Mỹ vẫn là cường quốc số một trong 40 năm tới. Tới năm 2050, Trung Quốc có thể đứng thứ 2 sau Mỹ, Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) dự đoán.

Hiện Trung Quốc mới nằm trong top 5 nước mạnh nhất thế giới, nhờ phát triển kinh tế thần tốc từ năm 1992. Và nước này chỉ có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm nhất là trước năm 2030.

Theo CASS, từ nay tới năm 2020, Trung Quốc tiếp tục là một trong 5 nước có sức cạnh tranh lớn nhất trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, CASS cảnh báo, sức cạnh tranh của Trung Quốc có thể không tương xứng với thứ hạng trên bảng xếp hạng khi so sánh về nhân lực chất lượng cao, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ và văn hóa.

Ví dụ, chỉ số nhân lực chất lượng cao của Trung Quốc đạt 8,3% so với Mỹ và chỉ là 10% so với Nhật. Điều đó cho thấy khoảng cách lớn về nguồn nhân lực của Trung Quốc với các cường quốc khác.

Liên quan tới Trung Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã ra phán quyết cuối cùng liên quan đến "cuộc chiến thịt gà" giữa Mỹ và Trung Quốc, khẳng định điều khoản 727 mà Mỹ áp dụng năm 2009 về cấm các sản phẩm gia cầm của Trung Quốc vào thị trường Mỹ là bất hợp pháp, trái với những quy tắc của tổ chức này.

Phán quyết trên đã được thông qua tại cuộc họp của Ủy ban Giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO, trên cơ sở báo cáo của ủy ban này hôm 29/9 mà không vấp phải sự kháng cáo từ phía Mỹ.

Trong một thông cáo gửi cuộc họp của DSB, phái đoàn Trung Quốc tại WTO đã hoan nghênh những quyết định "nêu rất rõ" trong phán quyết. Bắc Kinh cho biết Mỹ đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc kể từ năm 2007, vi phạm cơ bản các quy tắc có liên quan của WTO.

Trung Quốc cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ "tiến hành các bước tích cực nhằm xóa bỏ mọi biện pháp phân biệt đối với các sản phẩm gia cầm của Trung Quốc, đối xử bình đẳng trong việc đánh thuế và kiểm tra chất lượng gia cầm của Trung Quốc, cũng như "bình thường hóa" quan hệ thương mại Mỹ-Trung trong vấn đề này.

Về phần mình, phái đoàn Mỹ tại WTO tuyên bố họ thất vọng với phán quyết của DSB và cho rằng kết luận của ủy ban này không chính xác vì điều khoản 727 đã hết hiệu lực trong năm 2009. Mỹ khẳng định tranh chấp sản phẩm gia cầm với Trung Quốc đã được giải quyết.

Kinh tế châu Âu hôm 26/10 đã vụt sáng, sau khi Cơ quan Thống kê Anh (ONS) công bố GDP quý 3 của nước này tăng trưởng 0,8% so với quý 2, cao gấp đôi so với dự báo 0,4% của các nhà kinh tế, đồng thời đánh dấu quý tăng trưởng nhanh thứ hai kể từ quý 1/2007.

So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 3 tăng 2,8%, cũng vượt mức dự báo 2,4%. Động lực thúc đẩy nền kinh tế trong quý vừa qua là sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ và xây dựng. Kết quả trên góp phần xoa dịu sức ép lên các quan chức nước này về việc bơm thêm gói kích thích cho nền kinh tế.

Cũng liên quan tới kinh tế Anh, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's hôm qua đã khen ngợi kế hoạch cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Anh đồng thời khẳng định mức xếp hạng AAA của nước này vẫn còn an toàn và nâng triển vọng tín nhiệm từ tiêu cực lên ổn định.

Standard & Poor's cho rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu toàn diện được Chính phủ Anh công bố tuần trước “sẽ làm giảm những bất ổn về chính trị và góp phần giải quyết các khó khăn nảy sinh từ sự xuống cấp của lĩnh vực tài chính công trong giai đoạn 2007-2009".

Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 1% do quan ngại rằng lạm phát sẽ leo thang khi hoạt động kinh tế cải thiện. Riksbank cho biết, để bình ổn lạm phát hiện đã tiến sát mức trần 2% do ngân hàng này đặt ra, lãi suất cơ bản cần được tăng dần dần.

Theo Riksbank, kinh tế Thụy Điển đang phát triển mạnh mẽ nhưng lãi suất chưa thể tăng “quá mạnh vào những năm tới” do đà phục hồi kinh tế Mỹ và châu Âu vẫn còn diễn ra chậm chạp. Đây là lần nâng lãi suất thứ 3 của Riksbank kể từ tháng 7 năm nay. Trước đó, Riksbank duy trì mức lãi suất 0,25% trong 2 năm liên tiếp sau vài đợt cắt giảm mạnh vào quý 3/2008.

Nổi bật ở khu vực châu Á 24h qua là việc Nhật Bản thông qua dự thảo ngân sách bổ sung 50 tỷ USD (gần 4.430 tỷ Yên) cho năm tài khóa 2010. Ngân sách bổ sung này chủ yếu được dùng cho gói biện pháp kích thích kinh tế lần hai đã được Chính phủ thông qua hồi đầu tháng.

Theo dự thảo ngân sách bổ sung, Chính phủ Nhật Bản sẽ dùng 3.070 tỷ Yên để phục hồi kinh tế vùng, phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hơn 1.120 tỷ Yên dùng để cải thiện dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội; hơn 340 tỷ Yên dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gần 320 tỷ Yên dùng để hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm thông qua các biện pháp khuyến khích đối với chủ sử dụng lao động.

Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định không phát hành thêm trái phiếu để tài trợ cho ngân sách bổ sung lần này, với mục đích khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính công. Theo kế hoạch, dự thảo ngân sách bổ sung sẽ được trình Quốc hội xem xét vào ngày 29/10 tới.

Nguồn: Vneconomy

ĐỌC THÊM