Nhu cầu vàng toàn cầu tăng 11% trong quý 1, do Trung Quốc tăng lượng đầu tư và tiêu thụ trang sức, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) hôm 19/5 cho biết. Theo cơ quan này, nhu cầu tiêu thụ vàng trong năm nay sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Cụ thể, trong quý 1, nhu cầu vàng thế giới đạt mức 981,3 tấn, cao hơn so với mức 881 tấn cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ vàng của Trung Quốc tăng 47% và dự báo tăng gấp đôi trước năm 2020, do người dân nước này giàu lên và những quan ngại về lạm phát leo thang.
Nhu cầu tiêu thụ trang sức toàn cầu tăng 6,8% lên 556,9 tấn. Trong đó, tiêu thụ của Trung Quốc tăng 21% lên mức cao kỷ lục 142,9 tấn. Lượng tiêu thụ vàng trang sức của cả Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 63% tổng nhu cầu toàn cầu.
Theo Eily Ong, Giám đốc nghiên cứu đầu tư của WGC, nhu cầu vàng sẽ còn gia tăng trong năm nay, trong đó lượng tiêu thụ vàng trang sức chiếm đáng kể. Áp lực lạm phát vẫn còn cao và điều này là động lực thu hút nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm tới vàng.
Tạp chí Á-Âu nhận định rằng, việc thành lập Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (AMRO) của ASEAN và ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc gần đây, cùng với cơ chế Đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM) năm 2010 đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hình thành Quỹ Tiền tệ châu Á (AMF).
Đề nghị thành lập AMF được đưa ra đúng thời điểm đỉnh cao của cuộc khủng khoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Nhưng sau đó đề nghị này lắng xuống do sức ép từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Mỹ.
Tuy nhiên, việc cải tổ IMF về cung cách quản lý, hiến chương, phần đóng góp và quyền bỏ phiếu nhằm mang lại sức mạnh lớn hơn cho các nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil gặp khó khăn, từ đó đòi hỏi phải có một cơ cấu tiền tệ toàn cầu phi tập trung hóa và linh hoạt hơn.
Theo cơ cấu phi tập trung hóa, IMF là tổ chức toàn cầu “cấp cao” được gắn kết với các quỹ tiền tệ ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Hiện Quỹ Tiền tệ Arập và Quỹ Dự trữ Mỹ Latin đã được thành lập và nhiều khả năng Quỹ Tiền tệ châu Âu sẽ ra đời trong tương lai.
Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến các nhà lãnh đạo ASEAN+3 do trường Đại học Nanyang của Singapore thực hiện, cho thấy, gần 2/3 trong số những người được hỏi cho rằng quyết định thành lập AMRO là rất quan trọng và nó sẽ thức đẩy việc sử dụng CMIM.
Một số nhà lãnh đạo còn cho rằng, tương lai CMIM và AMRO nên sáp nhập để thành lập AMF, bổ sung cho IMF. Tuy nhiên, châu Á không nên hy vọng AMF sẽ ra đời sớm. Mặc dù được thành lập, nhưng hiện nay AMRO chưa đi vào hoạt động và tư cách pháp nhân cũng chưa được xác định.
Bất kể những số liệu công bố gần đây cho thấy, kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, trong khi lạm phát vẫn không ngừng leo thang, do đó, nước này cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ, Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist nhận định.
Theo EIU, giữ lạm phát trong tầm kiểm soát hiện là một thách thức chính của Trung Quốc. Nhu cầu tăng cao cùng với lượng tiền mặt tăng nhanh đã góp phần đẩy giá cả lên - thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc dẫn đến một dòng tiền lớn chảy vào trong khi lại không có một đồng tiền được thả nổi tự do.
Việc các công ty phải trả lương cao hơn để giữ chân công nhân đang tạo ra sức ép đối với giá tiêu dùng cũng như làm tăng chi phí sản xuất. Chi phí lao động tăng cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá của các sản phảm nông nghiệp, lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.
Giá nguyên liệu toàn cầu, nhất là dầu mỏ và các sản phẩm năng lượng khác, cũng là một yếu tố làm tăng chi phí đầu vào. Giá lương thực ở Trung Quốc cũng đang trong xu hướng tăng dài hạn do đất sản xuất nông nghiệp ít đi và giá các nguyên liệu đầu vào cho nông nghiệp tăng.
Do những áp lực này, việc lạm phát của Trung Quốc giảm nhẹ từ mức 5,4% trong tháng Ba xuống mức 5,3% trong tháng Tư không thể hiện rằng lạm phát giảm sẽ được duy trì. Theo EIU, điều này làm Chính phủ Trung Quốc không có nhiều lựa chọn, ngoài việc đẩy mạnh các biện pháp thắt chặt tiền tệ.
Liên quan tới vấn đề Hy Lạp, IMF cảnh báo, việc vực dậy nền tài chính công đang bên bờ vực thẳm của Hy Lạp sẽ tiêu tan, nếu nước này không nỗ lực cải cách hơn nữa, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho rằng tái cơ cấu nợ "mềm" không phải là giải pháp tốt.
Ông Poul Thomsen, Phó giám đốc IMF phụ trách khu vực châu Âu, nhấn mạnh tiến trình phục hồi sẽ chệch hướng, nếu Athens không đưa ra cam kết mạnh mẽ về cải cách cơ cấu. Theo ông, tư nhân hóa tạo ra sự khác biệt thực sự và số tiền thu được từ tiến trình đó sẽ đưa đến sự thay đổi đáng kể trong sự bền vững nợ.
Theo báo cáo của Trung tâm Cạnh tranh toàn cầu (WCC) có trụ sở tại Thụy Sỹ, Singapore đã trượt xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu và nhường ngôi vị đứng đầu lại cho Mỹ. Như vậy, Mỹ đã trở lại vị trí số 1 với số điểm 100 sau khi bị Singapore soán ngôi trong năm ngoái.
Hồng Kông vươn lên vị trí thứ 2 cũng với 100 điểm. Singapore xếp ở vị trí thứ 3 với 98,6 điểm. Bà Suzanne Rosselet, Phó giám đốc WCC cho rằng, nguyên nhân khiến Singapore trượt hạng là do mối lo ngại về chi phí kinh doanh và sinh hoạt tại nước này ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, hôm qua (19/5), Chính phủ Singapore đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 lên 5 - 7% từ ước tính trước đó là 4 - 6% nhờ tốc độ tăng trưởng khả quan trong quý 1. Theo Bộ Công Thương nước này, sự tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ tài chính sẽ góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng.
Trong khi, các điều kiện thắt chặt trên thị trường lao động, lo lắng về nợ công châu Âu, sự giảm tốc của hoạt động công nghiệp tại Nhật Bản và đà leo thang của giá dầu chính là các rủi ro lớn đối với nền kinh tế.
Nguồn tin: stockbiz