Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) dự định in thêm 1.000 tỷ Nhân dân tệ (151 tỷ USD) trong năm nay. Phó thống đốc PBoC Mã Đức Luân, cho biết, số tiền mới sẽ dùng để thay thế lượng tiền giấy cũ đang lưu thông trên thị trường.
Số lượng tiền giấy đang lưu hành của Trung Quốc có trị giá khoảng 4.600 tỷ Nhân dân tệ (698 tỷ USD) và ngân hàng trung ương có kế hoạch thay thế lượng tiền đó trong vòng 5-7 năm.
PBoC cũng có kế hoạch phát hành thêm tiền mặt ra thị trường trong Lễ hội mùa xuân, nhưng không có ý định phát hành đồng tiền mệnh giá lớn hay thay đổi thiết kế của đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, PBoC sẽ in nhiều tiền hơn vì vấn đề lạm phát.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời ông Qiu Zhaoxiang, Giám đốc Học viện Tài chính - Ngân hàng thuộc trường Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế tại Trung Quốc, cho rằng, việc in tiền sẽ kích thích tiêu dùng, nhưng nếu quá mức có thể dẫn đến lạm phát. Ngân hàng nên thận trọng khi quyết định số lượng tiền giấy mới in.
Theo một người dân Trung Quốc, việc PBoC tiếp tục tung một số lượng lớn các loại tiền giấy trên thị trường, sẽ dẫn đến lạm phát nghiêm trọng, và những người dân bình thường với thu nhập trung bình sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa cảnh báo, giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng đang đặt ra rủi ro thực sự cho nền kinh tế toàn cầu, khi sự phục hồi của các nền kinh tế khiến nhu cầu dầu mỏ tăng mạnh nhất trong gần ba thập kỷ.
Theo IEA, các mức giá dầu gần đây đã gây ra lo ngại sâu sắc đối với cả các nước sản xuất và tiêu thụ. Theo tính toán của cơ quan này, với mức giá 100 USD/thùng, chi phí cho dầu mỏ chiếm 5% GDP toàn cầu.
Trước đây, giá dầu ở mức này đã gây ra các vấn đề về kinh tế cho cả các nhà đầu tư, các nước sản xuất và các nước tiêu thụ, đặc biệt là những nước đang phát triển phụ thuộc vào nhập khẩu.
Sự lạc quan về đà phục hồi kinh tế toàn cầu và mối quan tâm gia tăng của các nhà đầu tư đã kéo giá dầu lên gần 100 USD/thùng trong những phiên gần đây. Mùa đông khắc nghiệt ở châu Âu và các khu vực ở Bắc Mỹ, cùng sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và các nước đang phát triển cũng là những nhân tố làm tăng giá dầu.
Trong năm 2010, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu là 87,7 triệu thùng/ngày, tăng 2,7 triệu thùng/ngày, tương đương 3,2%, một trong những mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ.
Theo số liệu thống kê sơ bộ, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng 15,1% vào tháng 11/2010, lần đầu tiên vượt qua 10 triệu thùng, lên 10,2 triệu thùng, phần lớn nhờ chủ trương của chính phủ về việc đóng cửa các nhà máy sử dụng than để hạn chế ô nhiễm đã khuyến khích việc sử dụng máy phát điện quy mô nhỏ chạy bằng dầu diezel.
Với tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại trong năm 2011, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ chỉ tăng 1,6%, tương đương 1,4 triệu thùng, lên 89,1 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu sẽ tăng 1,43%, thay vì 1,37% theo dự báo trước đó, lên 87,32 triệu thùng/ngày, dựa trên sự phục hồi kinh tế toàn cầu và mùa Đông lạnh giá ở các nước Bắc Bán cầu.
Cũng liên quan tới vấn đề dầu lửa, Venezuela tuyên bố nước này đã vượt qua Arab Saudi, trở thành nước có nguồn dự trữ dầu thô lớn nhất thế giới. Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez tuyên bố: “Chúng tôi xác nhận đang có 297 tỷ thùng, theo số liệu của Tập đoàn Petroleos de Venezuela”.
Theo OPEC, Arab Saudi, nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, hiện có khoảng 266 tỷ thùng. Tuy nhiên, nguồn dự trữ của nước này phần lớn là dầu thô nhẹ, trong khi nguồn dự trữ của Venezuela là dầu thô nặng, cần quy trình khai thác phức tạp và tốn kém.
Theo các chuyên gia, do phải mất nhiều năm nữa mới Venezuela mới có thể khai thác nguồn dự trữ nói trên, nên tuyên bố của Caracas “chưa có tác động tức thì nào đối với thị trường”.
Seoul có thể sẽ thông qua một hệ thống hạn ngạch thuế quan khẩn cấp nếu giá nguyên liệu quốc tế tiếp tục tăng cao. Bộ Kinh tế Tri thức nước này cho biết, việc áp dụng hạn ngạch thuế quan khẩn cấp đối với hàng hóa nhập khẩu của Hàn Quốc, nhằm kiểm soát được hiện tượng giá tiêu dùng tăng mạnh trong những tháng gần đây.
"Chúng tôi có thể xem xét việc thực hiện hệ thống hạn ngạch thuế quan khẩn cấp khi giá nguyên liệu tăng cao. Tuy nhiên vấn đề này cần được thảo luận với Bộ Tài chính và Bộ Chiến lược", một quan chức của Bộ đã cho biết.
Không giống như hệ thống hạn ngạch thuế quan thường được công bố của Bộ Tài chính hai lần mỗi năm, hệ thống khẩn cấp tạm thời làm giảm mức thuế nhập khẩu cho một thời gian nhất định trong những trường hợp bất ngờ phát sinh, chẳng hạn như giá cả tăng vọt.
Seoul cắt giảm thuế nhập khẩu đường từ 35% xuống 0% vào tháng 8 năm ngoái, tương tự, biện pháp này cũng được sử dụng vào tháng 4 và tháng 8/2008 đối với mặt hàng lúa gạo và các sản phẩm dầu khí.
Với 19,1 tỷ USD trong năm 2010, Mexico đã dẫn đầu khu vực Mỹ Latin về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng gần 53% so với năm trước. Số vốn FDI đổ vào Mexico cao hơn 8% so với con số 44,7 tỷ USD của Peru và 43,4 tỷ USD của Chile, hai nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng tại khu vực trong năm qua.
Báo cáo của Hội nghị về thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) khẳng định, Mexico là một trong số các nền kinh tế đang chuyển đổi lần đầu tiên thu hút vốn FDI nhiều hơn so với các nền kinh tế phát triển tại Mỹ Latin. Dự báo, năm nay, quốc gia này có thể tiếp nhận một lượng vốn tương đương của năm 2010.
UNCTAD đánh giá cao, quá trình phục hồi kinh tế của Mexico trong năm qua với tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 5%, sau khi năm 2009 sụt giảm tới 6,9% và tạo thêm hơn 730.000 việc làm mới cho người lao động.
Cùng ngày 19/1, Ngân hàng Thế giới (WB) thỏa thuận cấp khoản tín dụng 750 triệu USD hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế ở Mexico, đặc biệt là việc thực hiện chính sách công nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thêm việc làm và kích cầu nội địa.
Nguồn: VnEconomy