Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h qua: U ám và căng thẳng

Đà phục hồi kinh tế Mỹ vẫn còn quá yếu ớt, không đủ sức giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm qua công bố. Theo đó, FED sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản và chương trình mua trái phiếu trị giá 600 tỷ USD.

Tuyên bố sau cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm, Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) cho biết, theo các số liệu từ sau cuộc họp tháng 11 tới nay, đà phục hồi kinh tế vẫn đang tiếp tục nhưng chưa đủ sức hạ nhiệt tình trạng thất nghiệp.

Như vậy, FED sẽ tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp, từ 0 - 0,25% nhằm thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế thêm một thời gian nữa. Theo FOMC, các điều kiện kinh tế như tỷ lệ sử dụng tài nguyên thấp, lạm phát yếu và kỳ vọng ổn định sẽ đảm bảo cho lãi suất đứng ở mức thấp trong một thời gian dài.

Các điều kiện kinh tế này cũng đảm bảo cho việc thực hiện chương trình nới lỏng định lượng lần 2 vừa được công bố hồi đầu tháng 11. "Để đẩy mạnh đà phục hồi kinh tế và đảm bảo lạm phát đứng ở các mức hợp lý, dần dần, FOMC quyết định gia tăng lượng chứng khoán nắm giữ như đã công bố trong tháng 11”.

Trong khi đó, theo báo SGGP dẫn ý kiến các chuyên gia kinh tế Trung Quốc, lạm phát tại nước này ngày càng trở nên khó can thiệp hơn so với dự kiến, buộc ngân hàng trung ương phải có những chính sách siết chặt tiền tệ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 11 ở mức 5,1%, cao nhất trong 28 tháng qua.

Trên tờ Thời báo Hoàn cầu, người phát ngôn Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, ông Thạnh Lai Vận, cho biết, CPI trong tháng 11 vượt dự báo là do giá thực phẩm và đồ gia dụng tăng mạnh. Ông cho rằng các biện pháp kiểm soát giá của chính phủ cần có thời gian mới phát huy tác dụng.

Theo chuyên gia Trương Hiểu Tinh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc - cơ quan cố vấn của Chính phủ Trung Quốc, CPI trong năm 2010 sẽ vượt quá mục tiêu của nước này nhưng sẽ dưới mức 5%.

Trả lời hãng tin Reuters, ông Cao Thiện Văn, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Trung tâm chứng khoán Essence lo ngại rằng, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao tại Trung Quốc đang vượt qua phạm vi lương thực, bắt đầu lan sang một số lĩnh vực khác.

Theo ông, hầu hết các nhà kinh tế không được cảnh báo đầy đủ về hiện tượng này trong lúc nó có thể kéo dài và đôi khi lặp đi lặp lại. Các biện pháp gần đây của chính phủ chỉ có thể kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn. PBOC cần có thêm biện pháp nâng lãi suất và định giá Nhân dân tệ mới có thể chống lạm phát hiệu quả.

Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2011 cần nâng tỷ lệ lãi suất 3 lần, tăng dự trữ bắt buộc 4 - 5 lần, trong khi tăng thêm giá trị Nhân dân tệ từ 4 - 5%. Ông Cao dự báo lạm phát của Trung Quốc sẽ lên đỉnh điểm từ 5 - 6% vào tháng 6 hay tháng 7/2011, sau đó sẽ hạ bớt vào nửa cuối năm.

Tuy nhiên, ông Trịnh Luy, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Merchant Trung Quốc, cho rằng, nếu trong tháng 12, tình hình lạm phát được kiểm soát thì không nên nâng lãi suất ngân hàng vì điều này sẽ làm dòng vốn bên ngoài chảy vào, điều mà Chính phủ Trung Quốc không mong đợi.

Nhà kinh tế Lục Thể Ân thuộc Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ cùng ý kiến khi cho rằng, lãi suất cao sẽ giết chết tăng trưởng kinh tế vốn đang ở mức 9,6% (trong quý 3). Hầu hết các nhà kinh tế tại Trung Quốc đều thiên về chính sách nâng dự trữ bắt buộc hơn là nâng lãi suất.

Cũng liên quan tới Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, Trung Quốc muốn thanh toán bằng đồng Rúp đối với một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này như thủy sản, gỗ và than cốc nếu 2 nước đẩy mạnh buôn bán bằng nội tệ và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Hôm nay (15/12/2010), sàn giao dịch MICEX của Nga sẽ bắt đầu niêm yết tỷ giá Nhân dân tệ/Rúp nhằm hỗ trợ cho mối quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước.

Nga đang cố gắng gia tăng “hình ảnh” của đồng Rúp, với hy vọng đồng Rúp có thể trở thành đồng tiền dự trữ cho các nước khác và giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, do phần lớn thu nhập của nước này thu được từ dầu và khí đốt.

Trong một diễn biến khác, theo Vietnamplus, giới chuyên gia quốc tế cảnh báo, mặc dù đang dẫn đầu thế giới về phục hồi và tăng trưởng sau khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang phải đối mặt với những thách thức phát triển mới xuất hiện có nguy cơ đảo ngược xu thế tăng trưởng.

Tại Diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế vĩ mô và các thách thức phát triển do Ủy ban Kinh tế xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức ở Bangkok, Thái Lan, nhiều chuyên gia hàng đầu của các ngân hàng, trung tâm nghiên cứu và học giả trong khu vực đã nhấn mạnh tới các vấn đề đang nổi lên trong chính sách kinh tế vĩ mô và những thách thức mới xuất hiện đe dọa các nền kinh tế khu vực.

Tiến sĩ Nagesh Kumar, Giám đốc chính sách kinh tế vĩ mô và phát triển của UNESCAP lưu ý rằng, tuy vẫn trong tình trạng tốt để tiếp tục tăng trưởng, các nền kinh tế khu vực đang phải đối mặt với các thách thức mới để giữ vững nhịp độ phục hồi kinh tế.

Các thách thức này xuất phát từ thực tế xuất khẩu của khu vực sang các nền kinh tế phát triển đã chậm lại và trì trệ trong ngắn hạn, kèm với sự cấp bách của tiến trình tái cân bằng nền kinh tế để hỗ trợ nhu cầu lớn hơn trong nước và khu vực.

Sự phát triển phổ quát và hòa nhập kinh tế khu vực là các điều kiện quan trọng để duy trì tăng trưởng trung hạn.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, các nền kinh tế khu vực bị đe dọa bởi nguy cơ dòng vốn ngắn hạn làm tăng tỷ giá hối đoái ở nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực, đặc biệt trong giá chứng khoán và bất động sản. Vì vậy, các biện pháp kinh tế thận trọng là cần thiết để phòng ngừa nguy cơ biến động kinh tế tiêu cực.

Cân bằng cán cân thanh toán cần được chú ý thận trọng khi nợ nước ngoài giảm, nhưng nền kinh tế bị "phơi lưng" lớn hơn trước dòng vốn đầu tư mang tính đầu cơ.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, chính sách tiền tệ là công cụ không thích hợp để kiểm soát giá cả hàng hóa. Thay vào đó, các nước trong khu vực cần cải thiện nguồn cung, điều chỉnh các hoạt động đầu cơ, tiếp tục mở rộng và tăng cường các chương trình bảo vệ xã hội.

Nguồn: VnEconomy

ĐỌC THÊM