Phiên giao dịch 14/2 trên thị trường London, dầu thô Brent Biển Bắc tăng hơn 2% lên trên 104 USD/thùng, lần đầu tiên trong 28 tháng do lo ngại về các cuộc biểu tình tại Trung Đông và nhập khẩu dầu thô mạnh của Trung Quốc.
Trước đó, trong phiên giao dịch châu Á tại sàn Singapore, giá dầu này đã vượt ngưỡng 101 USD/thùng, cũng xuất phát từ cùng lý do trên. Cuối phiên này, giá dầu thô Brent Biển Bắc giao tháng 3/2010 tăng 64 xu lên 101,58 USD/thùng.
Tuần trước, dầu Brent Biển Bắc đã bị thổi giá khá mạnh và nhanh để một lần nữa xuyên ngưỡng 100 USD/thùng và ngất ngưởng trên đỉnh cao đó cho tới khi thị trường khép lại phiên cuối tuần.
Giới phân tích cho hay, sở dĩ dầu Brent tăng giá là do lo sợ nguồn cung tại Trung Đông sẽ bị gián đoạn, khi người dân một số nước Arab "bắt chước" Ai Cập biểu tình sau quyết định từ chức của Tổng thống Hosni Mubarak.
Victor Shum, chuyên gia hãng tư vấn năng lượng Purvin and Gertz, nhận định, dù bầu không khí nóng tại Ai Cập đã dịu bớt, nhưng vẫn tồn tại nhiều lo lắng về sự lây lan của vụ việc sang các quốc gia khác ở Trung Đông.
Nhà phân tích Ong Yi Ling thuộc Phillip Futures có trụ sở ở Singapore, nỗi lo về căng thẳng chính trị tại Ai Cập vẫn luôn tồn tại, dù có lúc mạnh lên hay có lúc yếu đi và đây liên tục là nhân tố tác động trực tiếp tới giá dầu.
Theo Ong Yi Ling, kênh đào Suez thuộc Ai Cập là tuyến vận tải đường biển chủ chốt nối châu Âu và châu Á. Mỗi ngày có khoảng 2,4 triệu thùng dầu thô được chuyển qua kênh Suez, tương đương sản lượng dầu của Iraq hay Brazil.
Jason Feer, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty phân tích thị trường năng lượng Argus Media có trụ sở tại Singapore, một mùa đông khắc nghiệt ở Bắc Bán Cầu cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu.
Hôm qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, thặng dư thương mại tháng 1 của nước này giảm mạnh 53,5% tháng thứ hai liên tiếp xuống 6,45 tỷ USD, do nhập khẩu tăng mạnh hơn so với xuất khẩu.
Đây là mức thặng dư thương mại thấp nhất của Trung Quốc tính từ đầu năm ngoái tới nay, giảm mạnh từ mức 13,1 tỷ USD trong tháng 12/2010 và 22,7 tỷ USD trong tháng 11/2010.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, ngược lại, nhập khẩu tăng mạnh tới 51%, do các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa trước Tết âm lịch khoảng 2 tuần.
Thặng dư thương mại cả năm 2010 giảm xuống còn 183,1 tỷ USD từ mức 196,1 tỷ USD trong năm 2009.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn được định giá quá thấp, nhằm đem lại cho quốc gia châu Á này những lợi ích bất công bằng về thương mại.
Cũng liên quan tới Trung Quốc, tờ China Securities cho hay, ngân hàng trung ương nước này có thể sẽ lại tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc trong tháng 2.
Theo báo trên, chống lạm phát đã trở thành tâm điểm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC). Trung Quốc đã tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc 7 lần trong năm 2010 đạt mức cao nhất là 19%.
Giới phân tích nhận định, CPI trong tháng 1 của Trung Quốc có thể vượt quá 5%, với sự gia tăng tín dụng mạnh mẽ của của các ngân hàng thương mại, do vậy PBoC sẽ nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngân hàng (RRR) một lần nữa trong tháng 2.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn vừa đề xuất bổ sung đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vào danh sách ngoại tệ dự trữ quốc tế. Theo ông, đưa Nhân dân tệ vào rổ các đồng ngoại tệ dự trữ sẽ đảm bảo tính ổn định đối với hệ thống tiền tệ quốc tế.
Đề xuất của IMF được đưa ra trong bối cảnh gần đây có khá nhiều nhận định về tính ảnh hưởng của các đồng tiền chủ yếu trên thế giới trong thời gian tới.
Tờ Thương báo của Hồng Kông cho rằng, muốn đánh giá ảnh hưởng các đồng tiền chủ yếu trên thế giới, cần xem nhu cầu của người tiêu dùng đối với các loại tiền tệ này. Lòng tin của người tiêu dùng sẽ quyết định tất cả, dù đó là đồng USD hay Euro.
Theo báo này, kinh tế Mỹ hiện không còn lớn mạnh như trước. GDP giảm sút, thất nghiệp lên tới gần 2 con số, thâm hụt thương mại nghiêm trọng... Sự hoài nghi về khả năng hồi phục của Mỹ ngày một tăng, làm ảnh hưởng tới niềm tin vào giá trị USD.
Vì vậy, nhu cầu đối với đồng USD đã đi xuống. Ngoài ra, chi phí quân sự cho các cuộc chiến ngoài nước Mỹ, kinh phí tái xây dựng ở các nơi sau chiến tranh đã làm tăng mạnh các khoản chi của Mỹ, ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế Mỹ.
Lòng tin giảm sút khiến mọi người cân nhắc việc đổi đồng USD trong tay sang một loại tiền tệ khác hoặc tìm một nước khác để đầu tư.
Trong khi đó, đồng Euro hiện chỉ được sử dụng rộng rãi nhất tại các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và một số nước lân cận. Theo giới phân tích, Euro hiện chưa có khả năng đứng đầu các loại tiền tệ thế giới.
Nguồn: VnEconomy