Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 24h: Sai lầm nguy hiểm của Trung Quốc

Trong suốt 10 tuần qua, Trung Quốc chỉ sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiềm chế lạm phát, nhưng điều đó chỉ càng khiến cho lạm phát ngày một leo thang, hãng tin Bloomberg bình luận.

Theo Bloomberg, 4 lần nâng lãi suất kể từ tháng 9 năm ngoái vẫn chưa thể xoa dịu áp lực lạm phát tại Trung Quốc. Điều này cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc tạm ngưng chính sách nâng lãi suất cơ bản, do thời tiết xấu đẩy giá thực phẩm lên cao hơn.

Sau khi công bố tỷ lệ lạm phát tháng 5 cao nhất trong gần 3 năm, Trung Quốc đã lập tức nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lên mức cao kỉ lục 21,5%. Ngân hàng Societe Generale SA cho biết, lạm phát tháng 6 của nước này có thể lên tới 6%.

Nomura Holdings cho biết, trong tháng 6, Trung Quốc có thể sẽ quay lại sử dụng chính sách nâng lãi suất và tiếp tục nâng lần nữa vào quý 3 năm nay. Barclays lại dự báo rằng, Trung Quốc sẽ chỉ nâng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay, vào tháng 6 hoặc tháng 7.

Các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu cho biết, họ gặp khó khăn trong việc giải quyết bế tắc và mâu thuẫn trong vấn đề quyết định sự tham gia của các nhà đầu tư vào hoạt động cứu trợ Hy Lạp lần thứ 2, và họ cần nhiều thời gian hơn để đạt được một thỏa thuận.

Phiên họp khẩn cấp giữa các bộ trưởng bộ tài chính tại Brussels (Bỉ) cuối ngày hôm qua đã không giải quyết mâu thuẫn của Đức và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về vấn đề của Hy Lạp. Đức cảnh báo ECB rằng, việc cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu cứu trợ Hy Lạp có thể khiến nước này vỡ nợ.

Với những mâu thuẫn gay gắt chưa được giải quyết, các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu quyết định họp 1 lần nữa vào ngày 19/6. Bộ trưởng Bộ Tài chính Luxembourg Luc Frieden cho biết, cuộc đàm phán có thể kéo dài qua tháng 7.

Phát biểu trước công nhân nhà máy sản xuất bóng đèn tại thành phố Durham thuộc bang Carolina Bắc, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân Mỹ bình tĩnh với tình hình kinh tế và thị trường việc làm hiện nay, vì theo ông, những vấn đề nan giải của nền kinh tế sẽ được giải quyết trong vài năm tới.

Ông Obama nói: "Vấn đề kinh tế nghiêm trọng nhất và duy nhất hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt là tạo việc làm cho người dân" và "Phải mất vài năm nữa nền kinh tế Mỹ mới hồi phục hoàn toàn". Ông cho rằng, một trong những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lâu dài là đào tạo kỹ sư.

Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Ben Bernanke cảnh báo, nếu Mỹ không nâng trần nợ kịp thời, niềm tin của các nhà đầu tư trong nền kinh tế có thể bị nhấm chìm.

Theo ông, sử dụng giới hạn nợ là công cụ sai lầm trong việc cắt giảm chi tiêu. Không nâng trần nợ sẽ khiến nước Mỹ thất bại trong việc hướng tới tình hình tài chính tốt hơn. Tuy nhiên, các nghị sỹ Cộng hòa vẫn từ chối hỗ trợ việc nâng trần nợ cho đến khi Nhà Trắng đồng ý cắt giảm một số khoản chi tiêu khá lớn.

Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã thông qua chương trình tín dụng lãi suất thấp tổng trị giá 500 tỷ Yên (khoảng 6,2 tỷ USD), nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm năng tăng trưởng.

BoJ hy vọng chương trình hỗ trợ sẽ thúc đẩy nỗ lực của các tổ chức tài chính nhằm tạo nền tảng vững chắc hơn cho tăng trưởng kinh tế. Theo chương trình này, BoJ sẽ cung cấp 500 tỷ Yên cho các tổ chức tài chính với lãi suất 0,1%/năm trong vòng bốn năm tới để các tổ chức này cho vay lại.

Hội đồng chính sách BoJ cũng đã quyết định giữ lãi suất ngắn hạn ở mức từ 0 đến 0,1% và tiếp tục thực hiện chương trình mua tài sản.

Tro bụi từ núi lửa Puyehue ở Chile tiếp tục làm gián đoạn hoạt động hàng không trên diện rộng, từ khắp Nam Mỹ cho tới Australia, khiến hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt tại nhiều sân bay.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng là một trong những nạn nhân của vụ thiên tai này. Máy bay chở ông đã không thể hạ cánh xuống Buenos Aires như lộ trình mà phải đáp xuống một thành phố nhỏ cách đó khoảng 700 km.

Nguồn tin: Vneconomy

ĐỌC THÊM