Hàng trăm chuyến bay của các hãng hàng không châu Âu đã bị hủy bỏ trong ngày 24/5, do ảnh hưởng từ tro bụi núi lửa ở Iceland, trong khi nước Mỹ tiếp tục vật lộn với công tác cứu hộ sau thảm họa lốc xoáy và Nhật Bản đối mặt với nguy cơ hạt nhân mới.
Theo các nguồn tin quốc tế, khoảng 500 chuyến bay của các hãng British Airways (Anh), KLM (Hà Lan), Aer Lingus (Ireland)… đã bị hủy bỏ, do bị ảnh hưởng từ đám mây tích tụ tro bụi khổng lồ phun ra từ ngọn núi lủa Grimsvoetn ở Iceland.
Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu (Eurocontrol) cho biết, đám mây tro bụi cũng đang làm ảnh hưởng tới hoạt động khai thác đường không ở Nauy, một phần Đan Mạch và khả năng tiếp tục lan rộng sang các khu vực khác của lục địa này.
Tháng 4 năm ngoái, khi ngọn núi lửa Eyjafjoell ở Iceland phun trào, cũng đã tạo ra một đám mây tro bụi khổng lồ lan tỏa khắp châu Âu, khiến cho các hãng bay quốc tế phải hủy bỏ hơn 100.000 chuyến và hàng triệu hành khách bị mắc kẹt tại các sân bay châu Âu.
Trong khi đó, số người thiệt mạng trong vụ lốc xoáy tràn qua thành phố Joblin, bang Missouri (Mỹ) vài ngày trước đã tăng lên 122 người. Ngoài ra, còn có 750 người khác bị thương. Các quan chức Missouri cho biết, số người tử nạn có thể còn cao hơn, do hoạt động cứu hộ vẫn đang được thực hiện.
Tại Nhật Bản, hôm qua, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cảnh báo, thêm hai lò phản ứng nữa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đang có nguy cơ bị tan chảy hoàn toàn. “Khả năng tan chảy lõi thanh nhiên liệu bên trong lò phản ứng hạt nhân số 2 và số 3 là rất cao”, phát ngôn viên TEPCO cho hay.
Mặc dù TEPCO ra sức trấn an dư luận rằng, họ đang tiếp tục làm mát các thanh nhiên liệu và hoạt động ở các lò đang dần đi vào ổn định, nhưng theo giới phân tích, công bố trên vẫn tác động mạnh tới tâm lý công chúng về nguy cơ hạt nhân chưa được giải trừ.
Cũng trong ngày 24/5, Ấn Độ đã cam kết dành cho châu Phi khoản vay lên tới 5 tỷ USD trong vòng ba năm để thúc đẩy kinh tế châu lục này tăng trưởng. Cam kết này được đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao châu Phi-Ấn Độ lần thứ hai tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố châu Phi sở hữu tất cả những điều kiện cần thiết để trở thành một trong những trọng tâm phát triển kinh tế của thế giới trong thế kỷ 21, vì vậy Ấn Độ sẽ hợp tác cùng châu lục Đen để biến điều này thành hiện thực.
Ông khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của châu Phi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, hội nhập khu vực và phát triển nhân lực. Nhà lãnh đạo New Delhi cũng thông báo sẽ hỗ trợ Liên minh châu Phi (AU) 700 triệu USD để thành lập các cơ quan mới.
Hôm qua, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và dự báo lạm phát sẽ tăng tốc do giá dầu cao và căng thẳng về nguồn cung tại nước này. Bên cạnh đó, Goldman Sachs còn hạ triển vọng kinh tế của khu vực châu Á (trừ Nhật Bản).
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Trung Quốc từ 10% xuống 9,4% và năm 2012 từ 9,5% xuống 9,2%. Ngoài ra, Goldman Sachs còn nâng dự báo lạm phát năm 2011 từ 4,3% lên 4,7% và giữ nguyên ước tính lạm phát năm 2012 ở mức 3%.
Ngân hàng này cho rằng, mức tăng 20% của giá dầu sẽ khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bị giảm bớt 0,15 - 0,2%. Liên quan đến thị trường chứng khoán Trung Quốc, hai ngành mà Goldman đầu tư nhiều nhất là bất động sản và ngân hàng.
Động thái này làm gia tăng tâm lý lo ngại trong giới đầu tư về tác động của các biện pháp thắt chặt tín dụng của Chính phủ Trung Quốc lên lợi nhuận doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo hai nhà phân tích Yu Song và Helen Qiao của Goldman, Trung Quốc không thể nâng lãi suất cao hơn nữa. Thậm chí khi Quốc vụ viện quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ thắt chặt, thì việc nâng lãi suất cũng sẽ vấp phải những khó khăn.
Cũng liên quan tới kinh tế Trung Quốc, hôm 24/5, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) cho biết, thặng dư tài khoản vãng lai giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 29,8 tỷ USD trong quý 1. Con số này cũng thấp hơn đáng kể so với mức 102.1 tỷ USD trong quý 4/2010.
Theo số liệu điều chỉnh, thặng dư tài khoản vãng lai năm 2010 tăng vọt 17% lên 305,4 tỷ USD nhờ nhu cầu của Mỹ và châu Âu đối với các mặt hàng xuất khẩu Trung Quốc phục hồi.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng thêm 138 tỷ USD trong quý đầu năm nay, thấp hơn mức 197 tỷ USD mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố trước đó.
Dù nhu cầu hàng hóa Trung Quốc tăng cao có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc PBoC phải vất vả hơn trong việc kiểm soát giá trị của đồng Nhân dân tệ và ngăn chặn dòng thành khoản, một trong những yếu tố đẩy lạm phát lên cao.
Trong một động thái khác, Trung Quốc cho biết trong vòng 5 năm tới sẽ đầu tư khoảng 2.600 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 400 tỷ USD hay 12.150 tỷ Baht, vào Thái Lan. Con số này nhiều hơn GDP của cả Thái Lan trong 1 năm.
Khoản đầu tư này nằm trong chương trình Hợp tác Kinh tế vịnh bắc bộ mở rộng (PBG) mà Trung Quốc muốn thúc đẩy nhằm phát triển 3 tỉnh Quảng Tây, Quảng Châu và Hải Nam với các nước ASEAN. Nguồn vốn trên nhằm vào lĩnh vực “xanh”.
Liên quan tới khu vực kinh tế châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou đã công bố đường hướng thực hiện chương trình tư nhân hóa, nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Athens giảm nhẹ gánh nặng nợ công, tránh để xảy ra cuộc khủng hoảng thứ hai trong Khu vực đồng Euro.
Trong giai đoạn đầu của chương trình, Hy Lạp sẽ bán ngay lập tức một số tài sản quốc gia sinh lợi như tập đoàn viễn thông OTE; các cảng Piraeus và Thessaloniki; Công ty điện lực PPC; ngân hàng Hellenic Postbank - một trong những thể chế cho vay có khả năng huy động vốn hiệu quả nhất của Hy Lạp.
Hy Lạp cũng sẽ bán Công ty cung ứng nước sạch Thessaloniki; Công ty cung ứng khí đốt DEPA; Công ty dịch vụ tàu hỏa Trainose; Công ty vận hành đường đua ODIE; một sòng bạc gần thủ đô Athens và nhà thầu vũ khí EAS.
Trong giai đoạn 2012-2013, Hy Lạp sẽ bán công ty kinh doanh trò chơi OPAP; một số cảng, sân bay và đường quốc lộ khu vực; và giảm tới 21% cổ phần của Nhà nước đối với sân bay Athens.
Chương trình tư nhân hóa sẽ được thực hiện trong ba năm nhằm thu về 50 tỷ Euro (xấp xỉ 70 tỷ USD). Bộ Tài chính Hy Lạp sẽ tiếp tục hoàn tất danh sách các công ty được tư nhân hóa, trong khi Thủ tướng Papandreou đang tìm kiếm sự ủng hộ của các chính khách khác đối với kế hoạch này.
Bên cạnh đó, Athens sẽ áp thuế đặc biệt đối với một số mặt hàng như khí đốt, đồ uống có cồn... Theo các nhà quan sát, quyết định trên của Thủ tướng Papandreou cho thấy, Hy Lạp đang phải chịu sức ép từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các thị trường tài chính.
Nguồn tin: vneconomy