Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế 6 tháng đầu năm 2010: Được và chưa được

Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn dự báo, nhưng còn nhiều mặt chưa đạt như mong đợi. Đó là nét khái quát tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng vừa qua.

Hầu hết các ngành, lĩnh vực thời gian qua đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, mặc dù phải liên tiếp đối mặt với nhiều thách thức mới nảy sinh từ trong và ngoài nước. Mặt được lớn nhất là các cân đối vĩ mô của nền kinh tế nhìn chung vẫn được duy trì tương đối ổn định. Sự ổn định tương đối này được đánh giá là chưa vững chắc, bởi vừa qua đã có lúc xảy ra những diễn biến chưa thật lành mạnh như lãi suất tín dụng tăng vọt, tỷ giá đồng đôla Mỹ tăng cao, gây khó khăn lớn cho sản xuất, kinh doanh. .

Mặt được nổi trội nữa là toàn nền kinh tế đã và đang lấy lại đà tăng trưởng. Tiêu biểu là GDP quý II tăng 6,2-6,4%, tạo nên mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt khoảng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong đó, GDP khu vực nông – lâm - ngư tăng 2,7-3,2%, khu vực dịch vụ tăng 7,2%; về địa phương, riêng TP.HCM, nơi đóng góp trên ¼ GDP cả nước, tăng 11%, gần lấy lại phong độ tăng trưởng cao của thời kỳ “hoàng kim” trước kia.

Công nghiệp được xem là mảng tỏa sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay. Các ngành công nghiệp đã trỗi dậy mạnh mẽ với mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng qua ở mức 13,8%. Con số này rất “đắt”, nếu so với mức tăng 6,18% và 5,32% của cả năm 2008 và 2009, hay so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2010 là tăng 12%. Với mức tăng trưởng này, các ngành công nghiệp đã và đang góp phần to lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, chính công nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo nên tốc độ tăng trưởng 15,7% của kim ngạch xuất khẩu 6 tháng qua, vượt gấp đôi so với mức tăng 6% mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2010, và đặc biệt, nếu so với mức giảm 9,7% của kim ngạch xuất khẩu năm 2009.

Đầu tư bằng các nguồn vốn trong nước và vốn nước ngoài tiếp tục được duy trì ở mức cao. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 337.000 tỷ đồng, bằng 43,5% GDP (Quốc hội đề ra là 41%). Trong đó, riêng thực hiện vốn FDI ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Những số liệu nêu trên (được tổng hợp từ Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê) cho thấy, tình hình kinh tế năm 2010 của Việt Nam đang rất khả quan. Tuy nhiên, những thách thức trước mắt còn rất nặng nề, bởi không ít mục tiêu đề ra nhưng chưa làm được, hoặc làm chưa tốt.

Điều chưa làm được đáng quan tâm nhất hiện nay là việc nâng cao hiệu quả đầu tư. Nội dung này được bàn thảo nhiều nhất, sôi nổi nhất và có không ít ý kiến tỏ ra khá gay gắt trong năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa làm được hoặc chưa có kết quả rõ rệt. Cụ thể là, thực hiện tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 6 tháng qua đã được huy động đến mức cao nhất từ trước tới nay, bằng 43,5% GDP, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 6,1% là hiệu quả rất thấp. Hay ở góc độ khác, khoảng cách giữa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng của giá trị tăng thêm (GDP) trong công nghiệp đang ngày một doãng ra…

Một nỗ lực khác cũng chưa mang lại kết quả như mong muốn là giảm nhập siêu. Trong khi xuất khẩu tăng 15,7% thì nhập khẩu tăng 29,4%. Hơn nữa, đã xuất hiện dấu hiệu chững lại của xuất khẩu, như trong tháng 6 vừa qua, do thị trường EU và một số thị trường khác đang gặp khó khăn. Đáng chú ý là mỗi ngày một gia tăng nhập khẩu thực phẩm, hàng tiêu dùng không thuộc diện thiết yếu với tổng giá trị hàng tỷ USD thì cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt khó có thể đi tới đích. Thêm vào đó, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát “vượt rào”, tức vượt mức cho phép. Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội ngày 6/11/2009 quy định CPI năm 2010 tăng không quá 7% (sau được điều chỉnh lên 8%), nhưng 6 tháng đầu năm 2010 đã tăng 4,78% so với tháng 12/2009, mà 6 tháng còn lại chính là thời gian chất chứa đầy những yếu tố khiến “diều giá” bay cao.

Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã đề ra khá đầy đủ những chính sách và những biện pháp, giải pháp nhằm phát huy và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, đồng thời khắc phục những khó khăn hiện nay. Vấn đề mấu chốt là hiệu quả thực thi những chính sách và biện pháp đã đề ra.

(VEN)

ĐỌC THÊM