Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Đỗ Thức cho biết: Tình hình kinh tế nước ta 9 tháng năm 2010 tuy gặp một số khó khăn nhưng nhìn chung phát triển ổn định và đạt được kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp duy trì ở mức tăng khá. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tuy chưa đạt được mức tăng như những năm trước nhưng đang được cải thiện cả về quy mô, cơ cấu vốn đăng ký và mức giải ngân thực tế. Một số chính sách kiểm soát hoạt động nhập khẩu đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tác động của những nhân tố khách quan, chủ quan tới tình hình kinh tế Bối cảnh chung là một số nền kinh tế của các nước lớn hồi phục sau khủng hoảng. Một số nền kinh tế mới nổi đạt mức tăng trưởng cao, nhưng nhìn chung, kinh tế thế giới chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng và còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi tác động đến kinh tế nước ta. Trong khi đó, ở trong nước, thiên tai và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân cư. Một số cân đối vĩ mô vẫn còn biểu hiện không ổn định. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, chính sách cùng các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, trong đó trọng tâm là Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 15/01/2010 và Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 06/4/2010 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010. Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2010 - năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2001-2010. Đây cũng là năm cơ sở, đặt nền tảng cho việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện nghiêm và đồng bộ các giải pháp, nỗ lực vượt qua khó khăn, huy động hiệu quả các nguồn lực, tận dụng kịp thời và tối đa cơ hội, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do đó, kinh tế cả nước 9 tháng phát triển tương đối ổn định và theo xu hướng tích cực. Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế thực hiện 9 tháng năm 2010 ước tính đạt 602,8 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 226,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 30,2%; khu vực ngoài Nhà nước 222 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,8% và tăng 17%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 154 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,6% và tăng 10,7%. Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 106,1 nghìn tỷ đồng, bằng 82,7% kế hoạch năm. Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 20/9/2010 đạt 12,2 tỷ USD, bằng 87,3% cùng kỳ năm 2009. Tổng trị giá vốn ODA được ký thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt 2209 triệu USD, bao gồm vốn vay đạt 2108 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại đạt 101 triệu USD. Giải ngân vốn ODA 9 tháng ước tính đạt 1920 triệu USD, bằng 79% kế hoạch năm và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2009. Thu chi ngân sách nhà nước về cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/9/2010 ước tính bằng 78,2% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa bằng 77,2%; thu từ dầu thô bằng 66,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu bằng 89,8%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/9/2010 ước tính bằng 69,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển bằng 69,6%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể bằng 70,8%; chi trả nợ và viện trợ bằng 79%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tính chung 9 tháng đạt 51,5 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ xuất khẩu vàng và các sản phẩm vàng thì tăng 24,6%), bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 24,2 tỷ USD, tăng 19,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 27,3 tỷ USD, tăng 26,5%. Trong khi đó, tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 60 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 34,4 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,7 tỷ USD, tăng 42,4%. Tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm Ông Đỗ Thức, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Thứ nhất, tăng cường nâng cao năng lực công nghệ và năng lực quản lý của các doanh nghiệp trong nước để bảo đảm cạnh tranh hiệu quả với hàng hóa nhập khẩu và các đối thủ cạnh tranh toàn cầu, tiến tới không bị chi phối của doanh nghiệp nước ngoài; Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp, tạo động lực chủ yếu góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Thứ hai, đẩy nhanh quá trình phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cần thiết cũng như bước đi quan trọng trong định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Trước hết, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các lĩnh vực sản xuất như: ô tô, xe máy, hàng may mặc, hàng điện tử, da giày… nhằm giảm giá thành công nghiệp hỗ trợ, từ ưu đãi phát triển thị trường đến ưu đãi về khoa học – công nghệ, hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực và ưu đãi về thuế. Thứ ba, thực hiện đánh giá thường xuyên hiệu quả của các hoạt động đầu tư và sản xuất của các thành phần kinh tế để có những điều chỉnh hợp lý, tạo nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh và bền vững hơn; Kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng vốn nhằm tránh tình trạng tăng vốn tạm ứng không đi kèm khối lượng để tăng tỷ lệ vốn giải ngân; Tăng cường nâng cao năng lực quản lý đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước; Đổi mới cách thức khuyến khích đầu tư xã hội, bảo đảm cân đối hơn giữa đầu tư cho xuất khẩu và đầu tư cho tiêu dùng nội địa; Cải thiện hơn nữa hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thứ tư, tiếp tục điều hành tốt thị trường tài chính và thị trường vốn để duy trì sự bình ổn; Kiểm soát hệ thống phân phối hàng hóa, không để tăng giá bất hợp lý, kiên quyết nghiêm trị hành vi nâng giá tùy tiện; Đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu như: xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm... Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm và tăng cường kiểm soát, giám sát thông tin, kiểm soát các thị trường chứng khoán, tín dụng, bất động sản, công ty tài chính, tín dụng, bảo hiểm... Thứ năm, chủ động xâm nhập thị trường xuất khẩu để tiếp tục đón đầu những cơ hội mới; Xây dựng kế hoạch bao gồm cả cơ chế, chính sách đến tổ chức sản xuất hàng hóa phù hợp với sức mua cả ở trong nước và nước ngoài; Chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia, đặc biệt là đối với những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: Gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su… Thứ sáu, tiếp tục thực hiện chiến lược thu mua, dự trữ, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu; Chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; Theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh tai xanh trên lợn để kịp thời có phương án khống chế dịch hiệu quả; Đẩy mạnh chương trình nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và bền vững; Ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm./.
Những tín hiệu tích cực, ổn định
Cũng theo ông Đỗ Thức, trong điều kiện kinh tế thế giới những tháng tiếp theo còn nhiều biến động bất thường, thị trường giá cả trong và ngoài nước đang xuất hiện một số yếu tố bất lợi, để nền kinh tế tăng trưởng cao hơn và có hiệu quả kinh tế, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung làm tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đã chỉ đạo.
Nguồn: ĐCSVN