Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Kinh tế Asean: Gắn tăng trưởng với phát triển bền vững

Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2010–Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định:

Kinh tế sẽ không bền vững nếu tăng trưởng quá nóng. Trong thực tế, đã có nhiều bài học cho thấy mặt trái của sự tăng trưởng nóng là những nguy cơ như lạm phát, phân hóa giàu nghèo, vấn đề môi trường, xã hội… mà nguyên nhân chính là năng lực cơ sở hạ tầng, tài nguyên, nhân lực và năng lực quản lý không theo kịp với mức tăng trưởng.

Tăng trưởng bền vững là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng và xã hội, đó vừa là nguyên tắc trong hoạch định chính sách, vừa là mục tiêu của chính sách phát triển. Nhưng tăng trưởng bền vững phải dựa trên nền tảng hạ tầng cơ sở vững chắc, các chỉ tiêu vĩ mô tích cực, đặc biệt là sự kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu phát triển xã hội, con người và môi trường.

Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2010- Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42, Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Đà Nẵng.

Phát triển bền vững

Thưa Bộ trưởng, những quyết định nào sẽ được Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 42, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 4 và các hội nghị liên quan đưa ra trong dịp này?

- Nội dung xuyên suốt của các hội nghị này là tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, trong đó nhấn mạnh việc triển khai một số thỏa thuận, hiệp định khu vực mang tính “cốt lõi” của ASEAN. Vì vậy, các hội nghị đặt ra yêu cầu đối với các nước ASEAN là đưa Hiệp định về đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) có hiệu lực trong năm 2010. Đây là hiệp định sẽ có tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư của khu vực. Hiệp định dành cho mọi nhà đầu tư kể cả các nhà đầu tư không có xuất xứ ASEAN, đang hoạt động tại ASEAN được hưởng những ưu đãi hoàn toàn mới khi quyết định đầu tư tại ASEAN.

Hội nghị cũng thông qua Gói cam kết thứ 7 về dịch vụ và yêu cầu xây dựng Gói cam kết thứ 8 ngay trong năm 2010. Mục tiêu của các gói cam kết về dịch vụ là từng bước xây dựng môi trường hoạt động đầu tư và cung ứng dịch vụ thông thoáng tối ưu trong ASEAN vào năm 2015. Các Bộ trưởng cũng khẳng định yêu cầu xây dựng Cơ chế hải quan một cửa ASEAN và tiếp tục triển khai các thỏa thuận quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao sự kết nối giữa các nền kinh tế ASEAN


Bộ trưởng Bộ Công Thương VN-Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hội đồng cộng đồngKinh tế ASEAN chủ trì
phiên họp chiều qua tại Đà Nẵng.

Trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các đối tác ngoài khối, Hội nghị cũng nhấn mạnh đến yêu cầu hoàn thiện cơ chế thực thi hiệu quả các cam kết trong những FTA hiện có, thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận về dịch vụ, đầu tư giữa ASEAN với Ấn Độ, Nhật Bản. Riêng trong quan hệ với EU, ASEAN và EU mong muốn mở ra một giai đoạn mới, hợp tác sâu rộng hơn. Trong khuôn khổ hợp tác Đông Á ASEAN+3 và ASEAN+6, các Bộ trưởng cũng quyết định sẽ đẩy mạnh việc hợp tác chặt chẽ, nhấn mạnh vào hoạt động thuận lợi hóa thương mại, tạo nền tảng để từng bước nâng cấp các mối quan hệ này, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện nhiều cấu trúc khu vực mới nổi như hiện nay.

Theo Bộ trưởng, những quyết định này sẽ tác động như thế nào đến từng thành viên ASEAN?

- Đây là những quyết định quan trọng dựa trên sự nhất trí chung của các thành viên ASEAN. Tất cả các thành viên đều có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc. Năm 2010, ASEAN đã cơ bản hoàn tất việc xây dựng một thị trường tương đối đồng nhất khi các rào cản thuế và phi quan thuế đã được dỡ bỏ. ASEAN cùng nhau bước vào một giai đoạn mới, quyết định sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN- đó là giai đoạn đồng bộ hóa các quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn và các quy định có liên quan đến hoạt động thương mại như thủ tục hải quan, chính sách cạnh tranh, chế độ bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn kiểm dịch, kỹ thuật. Đây là một chặng đường nhiều thử thách, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của các thành viên ASEAN.

Về khía cạnh kinh tế, điều quan trọng nhất là ASEAN phải xem xét các biện pháp để đối phó với hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vậy, sau các gói hỗ trợ tài chính của các chính phủ, thưa Bộ trưởng, bước đi tiếp theo nên là gì ?

- Năm 2008 và 2009, ASEAN là một trong những khu vực hứng chịu tác động nặng nề từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Cùng với nỗ lực chung của các quốc gia trên thế giới, ASEAN sử dụng nhiều công cụ vĩ mô cần thiết, trong đó có các gói hỗ trợ tài chính. Thực tế cho thấy các gói hỗ trợ tài chính đã phát huy tác dụng tốt, duy trì động lực thúc đẩy hoạt động thương mại và sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy vậy, các gói hỗ trợ của Nhà nước chỉ là giải pháp tình thế nên không thể lạm dụng. Các nước đang xem xét rút lại các gói hỗ trợ khi hoạt động kinh tế đã dần đi vào ổn định. ASEAN cũng không phải là một ngoại lệ và hướng đến những giải pháp lâu dài và bền vững hơn.

ASEAN đang cùng nhau phối hợp, xây dựng những nền tảng tốt cho mục tiêu phát triển năng động và bền vững. Tháng 5/2010, Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo về phục hồi và phát triển bền vững tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 đã nêu 7 nhóm biện pháp quan trọng như thúc đẩy thương mại, nâng cao khả năng giám sát tài chính, duy trì sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính- ngân hàng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ… Đây là hướng đi đúng, xây dựng các giải pháp toàn diện, lâu dài, có sự phối hợp chính sách ở cấp quốc gia và khu vực.

Thu hẹp khoảng cách

Hiện có nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về việc làm thế nào thu hẹp khoảng cách giữa các nước ASEAN 6 – những nước phát triển hơn với các nước như Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV). Bộ trưởng nhận định thế nào về vấn đề này?

- Vấn đề khoảng cách phát triển luôn được xem là một trong những cản trở đối với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực ASEAN. Khoảng cách phát triển là nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, các khu vực, các nhóm lợi ích khi tận dụng cơ hội từ hội nhập. ASEAN nhận thức rất rõ thách thức này. Vì vậy, hơn 10 năm qua, ASEAN triển khai nhiều biện pháp kiên quyết để từng bước khắc phục vấn đề này. Năm 2000, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI) nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, các khu vực với các nước, các khu vực kém phát triển hơn trong ASEAN. Đối tượng chính của Sáng kiến là 4 nước mới gia nhập sau gồm Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam.

Những năm gần đây, hợp tác kinh tế nội khối ASEAN đã mang lại nhiều kết quả tích cực. GDP của ASEAN tăng gấp 2 lần từ 850 tỉ USD năm 2003 lên 1.900 tỉ USD năm 2008. Tuy nhiên, vấn đề khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN vẫn tồn tại rõ rệt, đặc biệt là giữa nhóm nước phát triển hơn (ASEAN 6) và nhóm các nước kém phát triển nhất là Campuchia, Lào và Myanma. Nhờ thành tích tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển với một số nước ASEAN 6, nhưng sẽ mất nhiều năm nữa, chúng ta mới đạt được trình độ như Thái Lan hay Malaysia hiện nay.

Với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, tại Hội nghị AEM 42, Việt Nam đã dành sự quan tâm sâu sắc đối với vấn đề này. Xác định yêu cầu thu hẹp khoảng cách phát triển là trách nhiệm trước hết của quốc gia liên quan chứ không chỉ trông chờ sự giúp đỡ từ bên ngoài, Việt Nam đã đề xuất tổ chức lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế CLMV để thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển. Các nước CLMV sẽ hợp tác để cùng mở rộng hoạt động thương mại, phối hợp chính sách để xây dựng các chương trình hỗ trợ, đáp ứng được đòi hỏi của CLMV.

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đứng quá lâu ở nhóm ASEAN 4 và Việt Nam nên tham gia ASEAN với tư cách là một trong bảy thành viên phát triển hơn. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

- Hội nhập cũng là một phần của quá trình phát triển và phải tuân theo quy luật chung của xã hội. Nền tảng của hội nhập KTQT là sức mạnh, năng lực cạnh tranh của bản thân nền kinh tế bao gồm một hệ thống các nhân tố như năng lực về hạ tầng, năng lực về thể chế, năng lực về con người. Chúng ta cũng mong muốn tiến nhanh, tiến kịp các nước láng giềng nhưng nếu nóng vội, theo đuổi các mục tiêu tham vọng quá năng lực thực hiện thì lợi bất cập hại. Nói như vậy để thấy rằng, những cam kết hay thỏa thuận hợp tác của nước ta phải trước hết dựa trên khả năng thực tiễn của đất nước.

Điều quan trọng là chúng ta không lấy việc ở trong Nhóm các nước ASEAN ra nhập sau (hay còn gọi là Nhóm CLMV hoặc ASEAN 4) như tấm bình phong để né tránh thực thi các chương trình hợp tác hay cam kết hội nhập khu vực. Thực tế, trong nhiều lĩnh vực, Việt Nam cũng đã sẵn sàng đi nhanh và xa hơn các nước Lào, Myanma hay Campuchia. Chúng ta cũng đã thực thi nhiều cam kết tương tự, thậm chí là cao hơn các nước ASEAN 6. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có chính sách thu hút đầu tư, mở cửa thị trường dịch vụ thông thoáng nhất trong ASEAN. Việt Nam cũng là nước đi đầu xây dựng Lộ trình hội nhập trong lĩnh vực Logistics và là nước có chế độ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tốt trong khu vực.

Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, tái cấu trúc kinh tế thế giới và khu vực ASEAN như hiện nay, những lĩnh vực liên kết trong 12 lĩnh vực ưu tiên của ASEAN còn phù hợp với thực tế không, nhất là khi nó được đặt ra cách đây đã 10 năm?

- Tháng 11/2004, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Viêng Chăn-Lào, các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký kết Hiệp định khung về Hội nhập các ngành ưu nhập trong ASEAN trong 11 ngành ưu tiên đẩy nhanh hội nhập trong ASEAN. Các ngành này bao gồm sản phẩm gỗ, nông sản, ôtô, sản phẩm cao su, điện tử, dệt may, thủy sản, e-ASEAN, vận tải hàng không, du lịch và y tế. Từ năm 2007, ASEAN nhất trí chọn ngành dịch vụ Logistics là ngành ưu tiên hội nhập thứ 12.

Mục tiêu hội nhập lĩnh vực ưu tiên của ASEAN là khuyến khích sự “liên kết hữu cơ” theo chiều dọc trong các ngành kinh tế mà ASEAN cùng có lợi thế, tạo tiền đề quan trọng để nhân rộng cho những ngành khác. Việc tăng cường hội nhập và liên kết trong ASEAN đối với những ngành ưu tiên này vẫn còn nguyên giá trị. Sau khi các rào cản thuế và phi thuế đã cơ bản được dỡ bỏ, các yêu cầu về tiêu chuẩn, liên kết các doanh nghiệp, thu hút đầu tư, định hướng phát triển chung trong các ngành này cũng vẫn rất cần sự phối hợp giữa các nước ASEAN. Đây sẽ là lĩnh vực tiên phong hiện thực hóa mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN trên cấp độ ngành, tức là xây dựng thế mạnh chung của khu vực dựa trên những thế mạnh đơn lẻ của từng nước.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: Baocongthuong

ĐỌC THÊM